Truyền lửa báo chí cho sinh viên

Đối tượng tập huấn viết tin, bài báo chí của tôi hôm ấy khá đặc biệt. Không phải là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước phụ trách truyền thông, đội ngũ cộng tác viên báo chí như thường lệ, mà là sinh viên Trường Đại học An Giang. Các bạn theo học ngành ngôn ngữ, tự nhiên hoặc gần nhất là các ngành xã hội, chứ chẳng ai học chuyên ngành báo chí. Chia sẻ chuyên môn với đối tượng “ngoại đạo”, thấy dễ, vậy mà khó. Nhưng rồi, lại thấy dễ!

 

Bạn trẻ trải nghiệm làm báo. Ảnh: G.K.

Niềm đam mê báo chí là yếu tố quan trọng “kéo” các bạn đến với lớp tập huấn vào ngày cuối tuần - giữa lịch học dày đặc và kỳ thi áp lực cận kề. “Không phải ngẫu nhiên mà tôi nhận ra mình thích công việc của người làm truyền thông - báo chí. Đó là nhờ vài lần được mọi người xung quanh nhận xét, tôi có khả năng ăn nói, cùng chất giọng tốt. Khi trường tổ chức lớp dạy viết tin, bài báo chí, thấy đây là cơ hội rèn luyện tốt cho mình, tôi đã tham gia không một chút do dự. Tôi sẵn sàng dành trọn ngày cuối tuần để đến với lớp kỹ năng này. Trải qua buổi học, tôi cảm thấy như được mở ra chân trời mới, những kiến thức và trải nghiệm thực tế khiến tôi càng thêm yêu quý nghề báo” - bạn Trần Văn Hào (lớp DH21NH1) chia sẻ.

Số lượng đăng ký đông, nhưng vì nhiều lý do, chỉ còn 6 người tham dự buổi chia sẻ của tôi. Khi tôi đóng vai nhân vật để các bạn phỏng vấn, một sinh viên hỏi tôi: “Chị có cảm thấy hụt hẫng khi lớp ít người?”. Thật lòng mà nói, tôi đã lường trước tình huống này. Nhưng tôi xác định, chỉ cần 1 người tham gia, tôi vẫn sẵn lòng chia sẻ, xem như “buổi thử nghiệm” giữa tôi và đối tượng tập huấn mới này, để những buổi chia sẻ kế tiếp hiệu quả, chất lượng hơn.

Lý do kéo tôi ra khỏi công việc chuyên môn bề bộn, đến với hoạt động không chi phí này, cũng là vì đam mê. Tôi lớn lên bằng những bài báo của cha, nhưng chính thức bước vào nghề ở vạch xuất phát. Kiến thức chuyên ngành chỉ bổ trợ phần nào cho tôi trong diễn đạt, tiếp cận bài viết. Còn lại, tôi phải tự học, lắng nghe nghề dạy mình, đến khi được đào tạo lại một cách đầy đủ, từ căn bản đến nâng cao. Suốt thời gian thương nghề, nghề đem lại cho tôi rất nhiều điều quý giá. Vì thế, tôi muốn truyền lửa, tìm kiếm và khơi dậy lòng yêu thích báo chí cho thế hệ trẻ. Biết đâu, họ sẽ trở thành đồng nghiệp của tôi trong tương lai!.

Và hôm ấy, tôi thấy lại chính mình thuở mới vào nghề. Các bạn tham gia lớp tập huấn chưa từng tiếp cận với báo chí ở góc độ người trong cuộc, mọi thứ đều mơ hồ. Điều đó buộc tôi phải lược bỏ rất nhiều từ ngữ chuyên ngành, chọn nội dung cơ bản nhất để chia sẻ, gắn với từng dẫn chứng thực tiễn, giúp các bạn định hình được tin là gì, bài là gì, làm thế nào để viết bản tin, bài viết giản đơn nhất. Sau buổi học, các bạn thực hành viết tin, bài về… lớp tập huấn, trong thời gian tương tự như phóng viên tác nghiệp sau mỗi sự kiện.

Đọc sản phẩm của các bạn gửi về sau khi kết thúc lớp tập huấn, tôi lại nhẹ lòng. Dẫu rằng, câu từ diễn đạt còn rối rắm, có những sai sót cơ bản về tên nhân vật, thuật ngữ chuyên ngành báo chí… nhưng không hề gì. Các bạn đã chuyển tải rất tâm huyết suy nghĩ của mình về lớp tập huấn, điều nhận được, điều sẽ cho đi. Trong mỗi tác phẩm đầu tay ấy, hiện lên một “phóng viên” biết khơi gợi ý tứ, đề tài, dẫn dắt người đọc đến với điều người viết muốn thể hiện. Đó là tăng cường tạo sân chơi, trải nghiệm thực tế, trau dồi kỹ năng ngoài chuyên ngành cho sinh viên đại học. Đó là bồi dưỡng đam mê với báo chí, phục vụ sở thích cá nhân và công việc tương lai. Đó là chia sẻ kinh nghiệm của người làm báo chuyên nghiệp với người không chuyên, giữa thế hệ đi trước và người chớm tiếp cận báo chí…

“Chắc nhiều bạn sinh viên nghĩ, đã học kế toán thì viết báo làm gì. Nhưng chị Khánh cho rằng: “Ban đầu chuyên ngành của tôi không phải là báo chí. Nhưng gia đình tôi có người làm bên ngành này, tôi cảm thấy hay và đã gắn bó với nghề”. Nghe đến đây, tôi cảm thấy mình tìm hiểu thêm một ngành nghề mới cũng tốt. Người ta thường nói “Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”. Chuyên ngành học không quan trọng, quan trọng là chúng ta có thật sự yêu thích nó không, có chịu hy sinh vì nó không” - một đoạn trong tác phẩm đầu tay của bạn Huỳnh Thị Phương Thảo (lớp DH21KT2), có tựa đề “Kế toán và buổi học viết báo”.

“Bản thân tôi may mắn được trải nghiệm lớp học. Tôi nhận thấy mình học được rất nhiều điều từ người có kinh nghiệm đi trước: Cách viết bài, tóm tắt thông tin cô đọng, cách đặt câu hỏi và những bài học hay trong cuộc sống. Đây là một kỹ năng cần thiết mà sinh viên nên được tiếp cận sớm hơn. Trường có thể thành lập câu lạc bộ truyền thông, báo chí để những người cùng đam mê được xích lại gần nhau. Những đốm lửa nhỏ sẽ nhóm thành ngọn lửa to bùng cháy. Tôi mong rằng, trường sẽ có nhiều hoạt động, buổi kỹ năng hay như thế này để sinh viên có cơ hội được bộc lộ tài năng” - bạn Đoàn Mỹ Thiện (lớp DH21VN2) chia sẻ trong tác phẩm “Kỹ năng viết tin báo chí trên ghế nhà trường” của mình.

Rồi sau này, tôi sẽ bắt gặp chính mình trong nhiều gương mặt trẻ, trong nhiều lớp tập huấn nối tiếp nhau. Các bạn đều khẳng định, tôi đã truyền lửa, chia sẻ đam mê với các bạn. Nhưng, ở góc độ nào đó, chính các bạn lại truyền cho tôi năng lượng tươi mới, gửi gắm ước vọng thật đẹp vào nghề báo. Áp lực ấy khiến chúng tôi tiếp tục đổi mới mình, để xứng đáng với nghề, với kỳ vọng của xã hội đối với nghề!

Gia Khánh


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng