Chuyển đổi số để sống hạnh phúc hơn

Chuyển đổi số không phải là những gì cao siêu, cũng không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực. Mục tiêu của chuyển đổi số là để giúp người dân sống hạnh phúc hơn.

Chuyển đổi số để sống hạnh phúc hơn

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người dân. Ảnh: PHÙNG MINH

Những vườn cam + công nghệ

Chúng tôi đến vườn cam của hợp tác xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) khi đã cuối vụ nhưng đây không còn là thời điểm nông nhàn. Trên những đồi cam xanh ngút ngàn, những chấm áo chàm, áo đỏ của những chàng trai cô gái dân tộc Tày, dân tộc Dao mải miết cầm điện thoại ghi chép nhật ký cây trồng.

Anh Trần Ngọc Nam - Chủ nhiệm Hợp tác xã trồng cam Vĩnh Phúc kể lại, những ngày sau Tết Nguyên đán năm 2020, cam của bà con các dân tộc huyện Bắc Quang rụng như suối. Cũng kể từ đây, người dân dần nhận ra, trong thời đại ngày nay, việc sản xuất hàng trăm, hàng ngàn hécta không thể phó mặc cho trời, thu hoạch trông chờ vào tiểu thương.

Vậy là, những người thanh niên trẻ như anh Nam đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp chuyên về chuyển đổi số ở Hà Nội để được hướng dẫn. Những người nông dân vốn chỉ quen với cầm cuốc, cầm cày, đã bắt đầu ứng dụng công nghệ.

Kể từ 2 năm nay, 11 thành viên trong hợp tác xã đều thống nhất dùng chung App  e-GAP. Đây là phần mềm ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng. Nhờ có App này mà người dân có thể lưu giữ thông tin về chăm sóc cây trồng trong nhiều năm. Người tiêu dùng cũng chỉ cần quét mã QR trên sản phẩm cam là có thể biết được quy trình trồng, chăm sóc của hợp tác xã. Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ biết được thời gian cách ly thực tế khi đưa hàng ra bán trên thị trường.

Không chỉ trong khâu trồng chăm sóc cây, hiện nay Hợp tác xã Vĩnh Phúc còn chủ động bán hàng trên App Fosacha. Khách hàng ở bất cứ đâu, lúc nào cũng có thể đặt hàng qua App. Nhờ vậy, thay vì bán cam vào một vài tháng trước Tết, giờ đây, người dân xã Vĩnh Phúc có thể chủ động thời gian bán cam kéo dài ra sau Tết.

Anh Nam cho biết thêm, từ khi đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, người dân biết đến hợp tác xã nhiều hơn. Những người nông dân ở quê anh bây giờ không chỉ biết mang nông sản ra chợ quê bán với giá rẻ sau mỗi mùa thu hoạch, mà biết đưa sản phẩm lên sàn (sàn thương mại điện tử), bán đến tận tay người tiêu dùng, nhờ đó giá và thu nhập cao hơn.  Giờ đây khách hàng của anh, người ở tận thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Nam có thể xem, chọn hàng và mua cam. Trong vòng chưa đến 48 giờ, khách ở xa đã có quả cam thơm ngon, mát lành trên tay.

Khảo sát kỳ vọng của doanh nghiệp vào việc chuyển đổi số do VCCI thực hiện. Nguồn: VCCI

Khảo sát kỳ vọng của doanh nghiệp vào việc chuyển đổi số do VCCI thực hiện. Nguồn: VCCI

Cuộc “di cư lên mây”...

Cũng được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ông Nguyễn Đình Quang (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) kể lại câu chuyện của mình. Quê ông vốn là làng nghề làm mây tre đan. Người dân chủ yếu sản xuất các mặt hàng thủ công như thang, sào, bàn, ghế... Tuy nhiên, ông Quang lại có một lối đi riêng là cạo tranh tre.

Ban đầu, ông chỉ cạo tranh trên một số sản phẩm như dát giường. Có điều, sản phẩm làm ra cầu kỳ, mất công nhưng giá trị thu lại chẳng đáng là bao, rất ít khách đến mua. Ông đã tính bỏ hẳn công việc này.

Rất may thời điểm đó, có người thấy sản phẩm của ông độc đáo đã chia sẻ trên mạng xã hội và được đông đảo khách hàng biết đến. Thậm chí có khách tận Liên Bang Nga còn liên hệ, sẵn sàng bay sang tận Việt Nam để đặt số lượng lớn đưa vào các phòng xông hơi.

Ông hiểu ra rằng người thợ thủ công không thể chỉ biết cần mẫn làm ra sản phẩm, ngồi chờ khách hàng tới, mà phải biết cách quảng bá chúng, để nhiều người biết đến sản phẩm của mình hơn. Thế rồi, với chiếc điện thoại thông minh, ông cũng tìm cách đưa sản phẩm lên “sàn”, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, để những người đam mê nghệ thuật biết đến các sản phẩm thủ công độc đáo của làng nghề.  Những đơn đặt hàng qua mạng cứ tới tấp, không chỉ giúp gia đình ông thoát nghèo mà còn là động lực thôi thúc ông tiếp tục gắn bó với nghề của cha ông lưu truyền và gìn giữ những nét đẹp truyền thống.

Chỉ 10 năm trở về trước, không ai có thể tưởng tượng được những thợ thủ công như ông Quang, những người nông dân quen cầm cuốc, cầm cày, những người con của làng chưa bao giờ ra nước ngoài,... lại có thể bán sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng khắp trong Nam ngoài Bắc, kể cả ở nhiều nước. Sự phát triển của khoa học công nghệ và tâm thế sẵn sàng học hỏi, thích ứng của người dân đã giúp hiện thực hóa điều đó, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Một câu chuyện khác, khi chúng tôi gõ từ khóa “made in vietnam” trên Amazon - một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới, có thể tìm thấy hàng nghìn gian hàng của người dân và doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng này. Sản phẩm bày bán rất đa dạng, từ hàng thủ công, may mặc đến các tour du lịch, trải nghiệm. Tìm theo thông tin trên Amazon, chúng tôi gặp được chị Phùng Hậu (chủ cơ sở sản xuất Hà An) nằm trong làng nghề may tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội. Đây là một trong 7 làng nghề mây tre đan nổi tiếng và lâu đời nhất Việt Nam. Chị Hậu đang quản lý gian hàng mang thương hiệu Haancrafts tại đây.

Ở phần đánh giá sản phẩm, một khách đến từ Mỹ nhận xét:  “Chiếc túi này là một tác phẩm nghệ thuật! Nó rất tốt và rất đẹp. Tôi thích nó! Bên ngoài là mây đan thủ công đẹp mắt và bên trong được lót một lớp vải in hoa tuyệt đẹp. Dây đeo có thể điều chỉnh được. Ấn tượng nhất là có cả một câu chuyện về gia đình làm ra những chiếc túi rất đáng tự hào".

Nói về sự khác biệt giữa phương thức xuất khẩu cũ là bán buôn và xuất khẩu “trên mây” (cloud, online) thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, chị Phùng Hậu nhắc tới 2 từ: Mệt nhưng hạnh phúc.

Mệt, bởi nếu làm theo cách cũ thì người Việt Nam chỉ cần gia công, bán buôn cho thương lái Trung Quốc. Còn thương mại điện tử thì mình phải bỏ rất nhiều công sức ra nghiên cứu sản phẩm, thị trường, đưa hàng sang thử nghiệm, giải quyết các vấn đề vận chuyển, tồn kho... đến việc trả lời, tương tác với từng phản hồi của khách hàng. “Nhưng hạnh phúc lắm vì mình được giao lưu, đón nhận những nhận xét của khách và quan trọng nhất, ai cũng biết đó là sản phẩm kết tinh từ bàn tay, khối óc người Việt. Đó là cảm giác tự hào và tự trọng quốc gia”- chị Hậu nói.

Tăng tốc chuyển đổi số để hạnh phúc

3 năm qua, dưới tác động của dịch COVID-19, hành vi và thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi, người ta gọi vui đó là cuộc “di cư lên mây” (lên môi trường mạng, online). Không còn cách nào khác, để thích ứng, các doanh nghiệp cũng phải tìm cách “di cư” theo khách hàng, với nguyên tắc khách hàng ở đâu, sản phẩm của doanh nghiệp được bày bán ở đó.

Chuyển đổi số cũng không phải là những gì cao siêu, cũng không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực. Mục tiêu của chuyển đổi số là để giúp người dân sống hạnh phúc hơn. 

Ngày nay, công nghệ và Internet đã giúp xóa mờ khoảng cách, mở ra nhiều cơ hội mới cho hàng triệu hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công nghệ số chính là chìa khóa giúp Việt Nam phát huy tối đa những tiềm năng và lợi thế vốn có về nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, phát triển du lịch trên nền tảng bản sắc văn hóa độc đáo và cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng.

Văn kiện Đại hội Đảng XIII cũng đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, cũng khẳng định rõ vai trò của chuyển đổi số và nhấn mạnh việc chú trọng các chương trình đào tạo nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số, đào tạo cho cả lãnh đạo các doanh nghiệp và cả người lao động để nhanh chóng thích ứng.  Câu chuyện bây giờ không phải là phân vân có nên chuyển đổi số hay không, mà là làm sao để tăng tốc chuyển đổi số một cách nhanh nhất, xây dựng nền kinh tế số để tăng năng suất lao động, để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Làm được điều này cần rất nhiều yếu tố như hạ tầng, thể chế, nhưng quan trọng hàng đầu vẫn là con người. Khi mỗi người dân, doanh nghiệp, mỗi nhà quản lý ý thức việc ứng dụng công nghệ vì chính hạnh phúc, cuộc sống của mình, cùng thay đổi và chung tay hành động, sẽ là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

 


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng