Doanh nghiệp miền Trung chật vật chuyển đổi số

Tại miền Trung cũng như cả nước, câu chuyện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa, thay đổi các quy trình, sản phẩm và dịch vụ… được cả cộng đồng doanh nghiệp lẫn chính quyền các địa phương quan tâm. Song, để doanh nghiệp thực sự thành công trong quá trình chuyển đổi số thì còn nhiều việc phải làm...

Loay hoay với bài toán khó

Thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp, trong cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tác động bất lợi từ kinh tế toàn cầu. Trong hoàn cảnh khó khăn này, chuyển đổi số được xem là lý do để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, cũng như tạo nền tảng để phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp ở miền Trung vẫn đang gặp nhiều trở ngại khi tiến hành chuyển đổi số.

Đà Nẵng là địa phương nhiều năm liên tiếp đứng đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số trong 2 năm liên tiếp kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghiên cứu về chuyển đổi số ở địa phương.

doanh nghiep mien trung chat vat chuyen doi so
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp cải thiện, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí

Tuy nhiên, hiện đa phần doanh nghiệp trên địa bàn là DNNVV, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao, chưa kể nguồn lực về tài chính, công nghệ hạn hẹp. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, vẫn còn một phần lớn doanh nghiệp ở địa phương chưa có thói quen “trả tiền cho công nghệ”, tuy hiểu rằng chuyển đổi số là quan trọng. Thậm chí, nhiều DNNVV và siêu nhỏ chưa thực sự quan tâm đến việc chuyển đổi số. Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng còn nhấn mạnh thêm về tính kết nối hệ sinh thái hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cũng còn rất yếu.

Tương tự, ở địa phương lân cận là Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó DNNVV chiếm phần lớn và đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp nhiều rào cản, hạn chế trong chuyển đổi số. Trong đó, nổi lên những lo ngại về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ và thiếu nhân lực để ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số… Theo ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay đang là một phong trào. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, đây là một câu chuyện khó về quy mô, tính chất. Cụ thể, đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV thì mức độ để tiếp cận chuyển đổi số thì mới sơ khai, đa phần mới chỉ sử dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh và bán hàng.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Để có thể thành công, tạo ra hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ bản chất của chuyển đổi số là gì, phải hiểu được thực trạng của mình và điều quan trọng là lộ trình thực hiện?

Theo ông Trương Bạch Dương, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực miền Trung của Base.vn, do chưa nắm rõ, chưa hiểu sâu về chuyển đổi số dẫn đến việc doanh nghiệp chưa có tư duy hành động đúng đắn. Điều này dẫn đến việc thực hiện một cách cảm tính, theo phong trào và theo xu hướng chung và không hiệu quả, không đạt được mục tiêu đặt ra…

Đồng quan điểm, ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng bổ sung thêm, sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp là thiếu một chiến lược rõ ràng, cụ thể dựa trên thực trạng doanh nghiệp và mong muốn trong tương lai. Có doanh nghiệp đặt quá nhiều nguồn lực vào các vấn đề công nghệ, nhưng lại quên đối chiếu với nội tại cho phù hợp với con người, nguồn lực sẵn có. Đó cũng là nguyên nhân vì sao chuyển đổi số khó khăn, thậm chí thất bại…

doanh nghiep mien trung chat vat chuyen doi so

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, Chính quyền Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó, có việc tăng cường kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Thành phố còn tổ chức các hoạt động tư vấn các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; kết nối những doanh nghiệp có nhu cầu với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp về chuyển đổi số…

Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã có một số sản phẩm, ứng dụng mới hỗ trợ triển khai chuyển đổi số và thành phố thông minh như, xây dựng và đưa vào hoạt động cổng thông tin chuyển đổi số thành phố (https://dx.danang.gov.vn/ hoặc https://chuyendoiso.danang.gov.vn). Đây là địa chỉ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương và thành phố về chuyển đổi số; tiếp cận các bài học, mô hình, điển hình thành công của doanh nghiệp được chia sẻ trên cổng; hoặc doanh nghiệp có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của mình để các cơ quan, tổ chức tiếp cận... Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã và sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, để có kế hoạch tổng thể về triển khai đổi mới công nghệ chuyển đổi số cho đơn vị mình.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, địa phương đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, có tối thiểu 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phấn đấu 40% doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp có Website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm…

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn… Cụ thể, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tổ chức đào tạo theo từng quy mô, giai đoạn, lĩnh vực chuyển đổi số cụ thể… Ngoài ra, cũng như ở Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu với các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số để triển khai thử nghiệm, tiến tới triển khai chính thức các giải pháp nền tảng số.

Có thể nói, tại miền Trung cũng như cả nước, câu chuyện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa, thay đổi các quy trình, sản phẩm và dịch vụ… được cả cộng đồng doanh nghiệp lẫn chính quyền các địa phương quan tâm. Song, để doanh nghiệp thực sự thành công trong quá trình chuyển đổi số thì còn nhiều việc phải làm...

Nghi Anh

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Sưu tầm: Sơn Nam - Ban Tuyên giáo TĐAG


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng