Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng kết hợp “xây” và “chống”

Thực tế cho thấy, ngay từ khi Đảng ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu khách quan, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng việc vận dụng, phát triển và bảo vệ lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ nhân dân, đồng thời kiên quyết và không ngừng đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.

 

1. Lịch sử cách mạng Việt Nam và trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới cho thấy vai trò quan trọng hàng đầu là bảo vệ và phát triển vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Tinh thần Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị khóa XII cho thấy rõ lập trường sâu sắc và sự kiên quyết của Đảng: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thực tế cho thấy, ngay từ khi Đảng ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu khách quan, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng việc vận dụng, phát triển và bảo vệ lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ nhân dân, đồng thời kiên quyết và không ngừng đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.

 

Còn nhớ những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay tại quê hương của Cách mạng Tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, nơi được coi thành trì của chủ nghĩa xã hội hiện thực, khiến cho các học giả tư sản phương Tây được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin.

Kể từ sau sự kiện gây chấn động lịch sử toàn thế giới đó đến nay đã ngót 3 thập kỷ, các thế lực thù địch vẫn luôn lấy đó để ra sức lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ cho rằng sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin”; và bởi “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, hoặc vì nó không phù hợp với Việt Nam…

Thực tế là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời nhận thấy những tác động tiêu cực từ sự khủng hoảng của các đảng và các nước XHCN trên thế giới, nên đã chủ động phòng ngừa sự chống phá của các thế lực thù địch; cảnh giác, không sa vào các cuộc “cách mạng màu” mà nhiều đảng, nhiều nước đã rơi vào dẫn đến kết cục thất bại, để mất quyền lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam tích cực tìm đường đổi mới, dựa chắc trên cơ sở vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định con đường đi lên CNXH. Tính chất của công cuộc đổi mới ở Việt Nam không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về CNXH với những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.

Điều đáng chú ý, dù các thế lực thù địch, phản động tung ra chiến lược “diễn biến hòa bình” được nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây coi là phương pháp “chuyển hóa hòa bình”, “biến đổi hòa bình”, “cách mạng hòa bình” và gần đây là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố… nhưng họ đã thất bại ở Việt Nam. Trong chiến lược này, hoạt động chống phá trên mặt trận văn hóa – tư tưởng được coi là “mũi đột phá”, là “cây cầu dẫn vào trận địa”, là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, hòng đi đến xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa”(1). Nhưng họ không ngờ Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật. Tại HNTW 4 khóa XII, Đảng chỉ rõ, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước” (2) khiến cho các thế lực thù địch có cơ hội chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Để từ đó, Đảng có quyết sách ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

2. Càng ngày chúng ta càng không thể phủ nhận những thành tựu về xây dựng, phát triển và bảo vệ nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ và làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần, xã hội Việt Nam, bảo vệ và phát triển đường lối đổi mới; vô hiệu hóa các luận điệu và hoạt động phá hoại tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Tổ chức lực lượng và các điều kiện bảo đảm, tiến hành thành công đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng chính trị.

– Chủ động phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại những âm mưu của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển theo mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững độc lập tự chủ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài trong các mối quan hệ quốc tế và đối ngoại.

– Làm thất bại hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, bảo vệ và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Làm thất bại mưu đồ bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam, cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế. Việt Nam tạo được môi trường thuận lợi phục vụ cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Như vậy, có thể nói, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ mang lại những thành tựu to lớn trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận mà còn góp phần vào những thành quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các mặt của đời sống xã hội; đóng góp quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới đất nước.

3. Trong tình hình mới, để giành thế chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thành công, cần tiếp tục chú trọng cả hai yếu tố “xây” và “chống”.

“Xây” và “chống” cần được tiến hành song song, trong đó yếu tố “xây” cơ bản và có tính quyết định, “chống” kịp thời, kiên quyết, hiệu quả. “Xây” là làm cho nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng thấm sâu trong đời sống tinh thần xã hội. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong cuộc cuộc đổi mới khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng là đúng đắn; con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại đa số người dân lựa chọn đúng đắn. Đây là lời tuyên ngôn để phản bác thuyết phục sâu sắc các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Tiếp tục quan tâm tổng kết, nghiên cứu phát triển về mặt lý luận, trong đó làm rõ thêm những luận cứ, quan điểm mang tính khoa học, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn để khẳng định con đường đúng đắn, hình thành hệ thống luận cứ sắc bén phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Chính những điều đó cũng góp phần giúp người dân ngày càng hiểu sâu hơn, tin tưởng hơn vào đường lối, chủ trương của Đảng; bạn bè quốc tế ngày càng tin tưởng vào Việt Nam hơn.

Để bảo vệ và phát triển sâu sắc nền tảng tư tưởng của Đảng, toàn Đảng và hệ thống chính trị, tổ chức Đảng cần có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy vai trò, thế mạnh của các phương tiện truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, thông tin tích cực, chính thống về mọi mặt đời sống; đồng thời đấu tranh phản bác sâu sắc các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng diễn đàn, tạo lập các phương thức thu hút sự tham gia cả các tầng lớp xã hội, sự tham gia của cộng đồng mạng, thiết lập mặt trận toàn dân liên thông liên kết trên không mạng và dư luận xã hội tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội./.

Lê Minh (Hương Sen Việt)

———————————————

1. ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, H, tr.92-93

2. ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 28


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng