Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiêu bài thâm hiểm của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hủy tận gốc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ trắng trợn xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu này là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
1. Nhà văn Blaga Dimitrova của Bulgaria đã viết: “Niềm hy vọng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam, niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đất nước còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ, chính Người đã mở ra cánh cửa hy vọng cho dân tộc Việt Nam. Có lẽ, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được những cống hiến, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân Việt Nam”.
Không riêng nhà văn Blaga Dimitrova mà rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế, các nguyên thủ đã ghi nhận, đánh giá Hồ Chí Minh là một nhân vật đã làm nên dấu ấn bước ngoặt vĩ đại không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn để lại những dấu ấn khó phai trong tiến trình lịch sử phát triển tư tưởng, văn hóa của nhân loại.
Thế nhưng, bất chấp sự thật đã được lịch sử khắc ghi, các thế lực thù địch lại luôn hằn học với điều đó, tìm mọi cách xuyên tạc, nói xấu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với âm mưu “hạ bệ thần tượng”, họ không ngần ngại tuyên bố: Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ suy diễn rằng, để được nhân dân ủng hộ, Đảng phải có sức lôi cuốn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu |
Để có sức lôi cuốn, Đảng phải coi trọng công tác tuyên truyền và trong tuyên truyền, phải đặt trọng tâm vào chính sách “thần thánh hóa lãnh tụ”. Họ lập luận rằng, “thần thánh hóa lãnh tụ” là thủ đoạn chính trị mà Đảng sử dụng để tập hợp, đoàn kết, nâng cao lòng tự hào dân tộc, để cổ vũ tinh thần, nô lệ hóa quần chúng; đồng thời, tạo bình phong, chỗ dựa an toàn, củng cố quyền lực cho những người lãnh đạo cấp cao hiện nay. Từ đó, họ quy chụp việc Đảng giữ gìn thi hài, xây dựng Lăng Bác; lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo Bác là “sùng bái cá nhân”, “thần thánh hóa lãnh tụ”.
2. Một số người thiếu thiện chí hoặc cố tình hướng lái dư luận lu loa rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người bằng xương, bằng thịt; “thần thánh hóa” đồng nghĩa với việc khai tử con người thật của Người. Rõ ràng, đây là luận điệu hết sức thâm độc, nham hiểm nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo ra “khoảng chân không chính trị” trong xã hội để hệ tư tưởng tư sản chiếm chỗ, chi phối, hòng dẫn dắt Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Sự thật là các thế lực thù địch đã đánh đồng việc Đảng, nhân dân Việt Nam yêu quý, kính trọng, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự “thần thánh hóa lãnh tụ”. Họ không nhận thức hoặc cố tình không hiểu rằng, lòng biết ơn, ghi nhớ công lao, tôn vinh những anh hùng, người có công với đất nước là truyền thống, đạo lý nhân văn và lẽ sống tốt đẹp của dân tộc, nhân dân Việt Nam. Truyền thống đó đã được đúc kết qua những câu tục ngữ như: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây”...
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt luôn tôn kính, thờ phụng những anh hùng dân tộc, bậc tiền nhân có công lao to lớn với quê hương, đất nước. Vì vậy, việc xây dựng Lăng Bác và giữ gìn thi hài Người là hoàn toàn xuất phát từ sự yêu quý, kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứ không phải do Đảng “thần thánh hóa lãnh tụ” như các thế lực thù địch thêu dệt. Về điều này, xin nhắc lại lời nhà báo Hayde Xantamaria (Cu Ba) đã đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh được người dân Việt Nam yêu quý như một người thân. Tình yêu của họ đối với Người vô cùng sâu sắc và không bờ bến. Đây không phải là tình yêu thần thoại mà là tình yêu và sự kính trọng thật sự”.
Trên thực tế, không riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng có văn hóa tôn vinh những người có cống hiến to lớn cho đất nước. Ở Mỹ, George Washington (1732-1799) là tổng thống đầu tiên, được người Mỹ suy tôn là “Người cha già của đất nước” và để vinh danh ông, Mỹ đã xây dựng Đài tưởng niệm Washington, công trình kiến trúc bằng đá cao nhất thế giới. Ở Ấn Độ, Mahatma Gandhi (1869-1948) được người dân hết sức tôn kính gọi bằng những cái tên thân thương như: Cha kính yêu, tâm hồn vĩ đại, lãnh tụ tinh thần của dân tộc. Ở Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông được coi là “hiện thân của nền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”...
3. Điều rất đáng tự hào là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được yêu quý, kính trọng ở Việt Nam mà Người cũng được nhân dân thế giới nể phục, tôn vinh. Năm 1987, tại khóa họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Với nghị quyết này, UNESCO đã ghi nhận những đóng góp to lớn, quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại, đồng thời tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những “nhân vật lỗi lạc đã để lại dấu ấn trong tiến trình phát triển của nhân loại”.
Từ đó đến nay, hoạt động vinh danh Người đã được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, đến cuối năm 2023, đã có 37 tượng/tượng đài, 13 khu tưởng niệm, 6 trường lớp và 21 đại lộ, đường phố, công viên mang tên Hồ Chí Minh được xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những hoạt động đó xuất phát từ sự yêu mến, lòng kính trọng và công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Hồ Chí Minh, hoàn toàn trái ngược với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bằng chứng xác đáng nhất để bác bỏ luận điệu “thần thánh hóa” cá nhân. Sinh thời, Người chưa bao giờ coi mình là “thánh nhân”, mà chỉ tự nhận là một người luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, có ăn, có mặc, có học... Nghiên cứu về Người, một học giả nước ngoài từng hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh là một con người hay một vị thánh?”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trả lời rằng: Hồ Chí Minh trước hết là một con người, cuối cùng cũng là một con người, còn vĩ đại như đức Chúa, đức Phật thì các bạn đã thừa nhận. Người cũng luôn gương mẫu và lên án những biểu hiện “sùng bái cá nhân”, “thần thánh hóa lãnh tụ”; đồng thời, đề cao vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, tôn trọng nhân dân, quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, tận tâm, tận lực, tận hiến cho cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Không phải ngẫu nhiên mà David Hamberstam, phóng viên tờ báo New York Times (Mỹ) từng viết: “Trên thế giới có quốc gia người ta đề cao lãnh tụ dữ lắm, đó là sùng bái cá nhân. Còn cụ Hồ Chí Minh thì cương quyết không tìm cái vỏ bề ngoài lộng lẫy của quyền uy. Như thế cụ tự tin và tin chắc vào quan hệ của mình với dân tộc, với lịch sử, đến nỗi cụ chẳng cần đến tượng, đền đài, sách báo và những nhà nhiếp ảnh để chứng minh điều đó cho mình” (dẫn theo Giáo sư Trần Văn Giàu, sách “Hồ Chí Minh vĩ đại một con người”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, năm 2013, trang 74-75).
Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia trên thế giới đều có biểu tượng niềm tin của mình. Biểu tượng niềm tin kết tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm, sự xác tín thiêng liêng của cả dân tộc và trở thành một trong những trụ lực vững chắc nhất để cộng đồng dân tộc ấy tồn tại, phát triển. Đụng chạm đến biểu tượng niềm tin của một dân tộc là đụng chạm đến tình cảm thiêng liêng của hàng triệu con người.
Thấm nhuần truyền thống, đạo lý của dân tộc, Đảng đã nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa II (4-1956), Đảng ta khẳng định: Sự nghiệp cách mạng của Đảng là một sự nghiệp vĩ đại, do công lao to lớn của toàn Đảng, toàn dân và của Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch là lãnh tụ thiên tài của Đảng, của nhân dân, của dân tộc. Vì vậy, Đảng đề cao vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lẽ tự nhiên, thường tình, hợp đạo lý, hợp lòng dân.
Nhân dân, dân tộc Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi chính Người đã khai sáng, mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam đơm hoa kết trái, bởi Người đã trọn đời dâng hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và bởi Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông, đất nước ta. Tình cảm, tình yêu, sự trân quý, ngưỡng mộ đó là hoàn toàn xuất phát từ trái tim muôn dân đất Việt, chứ không phải là sự gò ép gượng gạo, giả tạo.
Từ những luận cứ trên, có thể khẳng định, luận điệu Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch là hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở khoa học. Đây là sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn nhằm bôi nhọ, làm lu mờ hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận những đóng góp, cống hiến vĩ đại của Người đối với Đảng, nhân dân, dân tộc và cách mạng Việt Nam.
Trung tá, ThS NGUYỄN HẢI SINH, Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Học viện Hậu cần
Nguồn: qdnd.vn
Sưu tầm: S.N