Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ
Để hình thành biên giới, lãnh thổ, quốc gia như ngày nay, các quốc gia, dân tộc đều đã trải qua rất nhiều biến đổi của lịch sử. Việc hình thành, phát triển, suy yếu và thậm chí là diệt vong của một số nền văn minh trên thế giới là một thực tế không thể phủ nhận cùng với đó là việc mở mang bờ cõi của các quốc gia - dân tộc cũng là một quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người.
Nam Bộ là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, ở đó xuất hiện trung tâm văn minh và nhà nước vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á, đó chính là trung tâm văn hóa Óc Eo và nước Phù Nam. Qua biến thiên của lịch sử, các dân tộc Việt, Hoa vào khai phá lập nghiệp và cùng với các cư dân bản địa người Khmer, người Chăm và một số dân tộc thiểu số khác cùng nhau mở rộng công cuộc khẩn hoang, phát triển kinh tế. Cùng với đó, mối quan hệ giữa chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong với vương triều Chân Lạp diễn ra trong bối cảnh Chân Lạp suy yếu dần và bị vương triều Ayuthaya của Xiêm La đe dọa. Trong điều kiện đó, chính quyền chúa Nguyễn ngày càng chiếm ưu thế và từng bước xây dựng chính quyền, xác lập chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ. Đến giữa thế kỷ XVIII, toàn bộ vùng đất Nam Bộ đã hoàn toàn thuộc lãnh thổ và chủ quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Từ khi Triều Nguyễn thành lập vào đầu thế kỷ XIX, vùng đất Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam thống nhất từ Bắc đến Nam[1].
Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch, phản động lại ra sức xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam Bộ nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và đặc biệt nghiêm trọng là chúng nhằm vào chống phá, chia rẽ mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Phủ Gia Định xưa. Ảnh tư liệu.
Nhận diện
Về nội dung xuyên tạc, các thế lực thù địch ra sức phủ nhận chủ quyền của Việt Nam bằng cách xuyên tạc rằng “Việt Nam cướp đất của người Khmer” và kêu gọi “trả lại đất Nam Bộ cho người Khmer” (!?). Không dừng lại ở đó, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước còn xuyên tạc, vu cáo Campuchia “cắt đất” cho Việt Nam, vu cáo Thủ tướng Hun Sen “bán đất” cho Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta với nội dung chính quyền Việt Nam ngăn cản không cho người Campuchia canh tác trên phần đất của mình.
Về thủ đoạn, chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân tộc thiểu số ở Nam Bộ để gieo rắc những thông tin sai trái, xuyên tạc. Đồng thời chúng còn lợi dụng những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội; những hạn chế trong quản lý, điều hành của chính quyền một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và những vấn đề nhạy cảm liên quan đến dân tộc, tôn giáo để kích động bức xúc, bất bình trong nhân dân, kích động tư tưởng chống Đảng, chống Nhà nước và kích động ly khai, tự trị. Để phát tán các thông tin sai lệch, xuyên tạc, chúng dùng nhiều phương tiện khác nhau từ rải tờ rơi, truyền đơn cho đến các phương tiện liên lạc như điện thoại, các phương tiện truyền thông đại chúng như radio và đặc biệt ngày nay, chúng lợi dụng internet và mạng xã hội để lan truyền các thông tin sai trái, xuyên tạc nhanh hơn, rộng rãi hơn.
Về mục đích, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước muốn kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong đồng bào Khmer và kêu gọi thành lập cái gọi là “Khmer Krom” hoặc kêu gọi sát nhập Tây Nam Bộ vào Campuchia (!?). Hành động này đe dọa nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam. Thêm vào đó, chúng yêu còn cầu Thủ tướng Hun Sen thảo luận với Việt Nam “2 vấn đề”: (1) Đấu tranh với Việt Nam về hành vi xâm phạm lãnh thổ, chủ quyền Campuchia, cho rằng Việt Nam làm đường, đào sông tại các khu vực biên giới lấn vào lãnh thổ Campuchia; (2) Giải pháp giải quyết tình trạng nhập cư trái phép vào Campuchia, tiếp tục đẩy đuổi người nhập cư Campuchia bất hợp pháp để bảo đảm an ninh chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Campuchia[2]. Thực chất, chúng muốn kích động đồng bào Khmer ở Việt Nam và người dân Campuchia chống phá và chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Chúng còn muốn phá hoại hòa bình, ổn định và ngăn cản tiến trình phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia, phá hoại đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai nước. Thâm hiểm hơn, chúng xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam Bộ và vu cáo Thủ tướng Hun Sen còn nhằm vào mục đích kích động nhân dân Campuchia chống lại chính quyền Thủ tướng Hun Sen, gây mất ổn định chính trị, an ninh của Campuchia.
Các dân tộc Việt, Hoa cùng với các cư dân bản địa người Khmer, người Chăm và một số dân tộc thiểu số khác cùng nhau mở rộng công cuộc khẩn hoang, phát triển kinh tế trên vùng đất Nam Bộ.
Tổ chức đấu tranh
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh với những hành vi chống phá quan hệ hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Để đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ nhằm chia rẽ quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta cần phải:
Thứ nhất, Việt Nam cần phối hợp với Campuchia để tăng cường tuyên truyền, giáo dục về lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ cho nhân dân hai nước. Tích cực giáo dục nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị và đoàn kết của nhân dân hai nước nhất là truyền thống đoàn kết trong đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện nay, nhiều người dân ở cả hai nước còn thiếu hiểu biết đầy đủ về lịch sử vùng đất Nam Bộ nên rất dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng và bị các thông tin sai trái dẫn dắt, chi phối nên việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử và truyền thống hữu nghị của hai nước là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Có thể nói kiến thức lịch sử giống như một loại “vaccine” giúp người dân tự nhận diện và bác bỏ những thông tin sai lệch và những luận điệu xuyên tạc.
Thứ hai, cơ quan chức năng hai nước cần phối hợp để phát hiện kịp thời và đấu tranh với các hội, nhóm hoạt động bất hợp pháp nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang tiếp tục tổ chức các hội, nhóm và duy trì hoạt động chống phá ở cả trong và ngoài nước (trong đó có Campuchia). Đặc biệt, ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, tình hình an ninh chính trị vẫn phức tạp, lợi dụng các hoạt động trao đổi, buôn bán giữa người dân hai nước, các tổ chức tội phạm, các thế lực thù địch, phản động ra sức chống phá. Do đó, để có thể đấu tranh với các thế lực này rất cần sự hợp tác của hai nước.
Thứ ba, Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng phát tán, tuyên truyền thông tin sai lệch, xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ nhằm chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia. Truyền thống đoàn kết, tinh thần hữu nghị là những giá trị tốt đẹp của hai nước, được kết tinh từ mối quan hệ lâu đời giữa hai dân tộc. Đây cũng là giá trị quý giá cần được trân trọng, bảo vệ và phát huy nhằm duy trì môi trường chính trị ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước. Do đó, bất kỳ hành vi nào làm tổn hại đến những giá trị này đều cần bị trừng phạt thích đáng, xử lý nghiêm minh.
Thứ tư, tăng cường công tác an ninh mạng. Các cơ quan chức năng, chuyên môn, nghiệp vụ cần tăng cường phối hợp rà soát, gỡ bỏ các thông tin sai trái, xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ nói riêng và các thông tin sai trái nhằm chống phá Đảng và Nhà nước nói chung. Đối với các website thường xuyên đưa tin sai lệch, chống phá Việt Nam mà có máy chủ đặt ở nước ngoài cần có biện pháp ngăn chặn. Đối với các website chính thống của Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương và các phương tiện truyền thông đại chúng nhất là Đài truyền hình Việt Nam cần thường xuyên và kịp thời đưa tin về các vụ việc xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam Bộ để cán bộ, nhân dân nắm được tình hình. Đây cũng là biện pháp giáo dục, tuyên truyền mang tính răn đe với những đối tượng có ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam.
------------------------------
[1]Dẫn theo Tạp chí Xưa và Nay, Số 482 tháng 4 năm 2017, tr. 9.
[2]Lê Xuân Trình (2018), Sự thật về cái gọi là “Nhà nước Khmer Krom”, Báo Biên phòng điện tử truy cập ngày 14/8/2021, tại: https://www.bienphong.com.vn/su-that-ve-cai-goi-la-nha-nuoc-khmer-krom-post255157.html.
Dona Đoàn (thinhvuongvietnam.com)