Doanh nghiệp Nhà nước tham gia phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực kinh tế

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một thành phần kinh tế khách quan của sự phát triển, tồn tại trong mọi nền kinh tế. Ở Việt Nam, DNNN là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, một số phần tử phản động, cơ hội lại thường xuyên phủ nhận , thậm chí xuyên tạc, bôi đen, bóp méo vai trò của DNNN.

Doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế đất nước

DNNN có vị trí, vai trò đặc biệt trong đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. DNNN làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường, ổn định chính trị, xã hội của đất nước; giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN trong phạm vi toàn quốc năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tính đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Nhà nước đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực như: Quốc phòng an ninh (chiếm khoảng 17%); nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi (40%); hoạt động xổ số (13%); hoạt động công ích: Đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước… (14%); hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác kết hợp sản xuất kinh doanh (16%). DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất kinh doanh như bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…

Cả nước hiện có 77 DNNN quy mô lớn (chưa bao gồm các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp) gồm 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, 25,78% tổng vốn sản xuất kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước; thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhà nước tham gia phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực kinh tế
 Ảnh minh họa: TTXVN

Khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế: Năng lượng (cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội); xăng dầu (đóng góp khoảng 84% thị phần bán lẻ); tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí (đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu; 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp). Đặc biệt, DNNN cũng đóng góp vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế, như: Viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng, cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho nền kinh tế, cung cấp dịch vụ công ích…

Âm mưu, thủ đoạn Diễn biến hòa bình đối với DNNN hiện nay

Các thế lực thù địch khoét sâu những yếu kém của DNNN: Nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn tài sản và vốn nhà nước; đưa ra những luận điệu xuyên tạc phiến diện, lệch lạc cho rằng sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là do các DNNN làm ăn kém hiệu quả nhưng tuyệt nhiên không hề đề cập đến những đóng góp của DNNN đối với nền kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.

Chúng rêu rao, tuyên truyền mô hình DNNN không còn phù hợp, khuyến khích cổ phần hóa triệt để hoặc giải thể DNNN. Trong quá trình hợp tác kinh tế quốc tế với Việt Nam, các thế lực thù địch thông qua các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đầu tư chủ yếu vào khu vực kinh tế tư nhân, chiếm lĩnh những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư tài chính… để chi phối, kiểm soát, hỗ trợ cho hưởng các ưu đãi về vốn vay, công nghệ…., làm cho sự phát triển của các công ty này dần phụ thuộc vào quỹ đạo của họ, đồng thời tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân với DNNN.

Từ đó các thế lực thù địch hy vọng rằng, sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân sẽ lấn át kinh tế nhà nước, tiến tới làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, làm cho nền kinh tế nước ta phát triển chệch định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giải pháp quan trọng để DNNN tham gia phòng, chống "diễn biến hòa bình" 

Với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của DNNN đối với sự phát triển nền kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay, thì vai trò của DNNN trong việc phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực kinh tế càng hết sức quan trọng. Vậy, DNNN sẽ cần những giải pháp gì trong phòng, chống diễn biến hòa bình?

Thứ nhất, trong lĩnh vực lý luận, DNNN cần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, bảo vệ tính cách mạng, khoa học của học thuyết kinh tế Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối kinh tế của Đảng và luôn định giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đây là giải pháp cơ bản lâu dài cần phải được quán triệt và tổ chức thực hiện trong suốt quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Muốn làm được điều đó, trước hết DNNN phải nghiên cứu để nắm chắc, hiểu sâu và hiểu một cách hệ thống các quan điểm kinh tế của Chủ nghĩa Mác-Lênin; tham gia tổng kết thực tiễn đường lối kinh tế của Đảng, chính sách kinh tế của Nhà nước để đúc kết thành lý luận, vận dụng một cách sáng tạo các tư tưởng kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và tình hình quốc tế, không tạo ra khoảng trống về lý luận, tư tưởng để kẻ thù chống phá.

Thứ hai, DNNN cần tích cực tham gia đề xuất việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về DNNN. Hiện các quy định pháp luật liên quan về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đầu tư… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong kinh tế thị trường. Quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt quá nhiều tầng nấc, chưa được phân cấp triệt để. Các DNNN, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước buộc phải xin ý kiến, xin chấp thuận và phê duyệt của nhiều cơ quan quản lý trong việc quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.

Sự chậm trễ trong việc ra quyết định này đã làm mất đi cơ hội, giảm đi hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của DNNN. Chính DNNN, qua thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh của mình phải chủ động, kịp thời, báo cáo, đề xuất cơ chế, chính sách để được điều chỉnh để gỡ bỏ rào cản hành chính, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo phù hợp với xu thế thời đại, để DNNN thực sự phát huy được vai trò, sứ mệnh trong đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, tích cực, thường xuyên bám sát cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đề án tái cơ cấu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, DNNN cần tham gia mạnh mẽ phát triển kinh tế gắn với thực hiện an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng vào sự yếu kém của nền kinh tế của nước ta để thực hiện các hành động chống phá. Vì vậy, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế cao với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là giải pháp hữu hiệu nhất để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

DNNN đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng miền bằng cách đầu tư hạ tầng, tạo việc làm, khuyến khích phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, DNNN đóng vai trò quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội bằng cách tạo việc làm và cung cấp thu nhập ổn định, đầu tư vào giáo dục và đào tạo, đóng góp vào phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và tài nguyên, và thực hiện trách nhiệm xã hội. Sự tham gia của DNNN giúp tăng cường sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống trong vùng miền.

Thứ tư, DNNN phải tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với chống “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Chúng ta biết rằng, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành “diễn biến hòa bình”; đây cũng là vấn đề “tự diễn biến” của ta mà các thế lực thù địch đang mong đợi. Bởi vì, tham ô, lãng phí, quan liêu diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất làm cho nhân dân bất bình, mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ; các thế lực thù địch lợi dụng thổi phồng, bóp méo, kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước.

Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch với nước ta trên lĩnh vực kinh tế, cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp trên cần phải tiến hành tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn xã hội khác và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị.

Để tham gia chống tham nhũng hiệu quả, DNNN cần xây dựng và thực hiện chính sách và quy định rõ ràng về phòng chống tham nhũng, thiết lập các quy trình và quy trình kiểm soát nội bộ, đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài chính và quản lý nhân sự. Tăng cường giám sát và kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng, thành lập các cơ quan giám sát độc lập, thực hiện kiểm tra nội bộ định kỳ. Xây dựng một môi trường lành mạnh và đạo đức trong tổ chức nhằm thúc đẩy giá trị đạo đức và trách nhiệm, đảm bảo sự minh bạch và trung thực trong quản lý và giao dịch, xây dựng một văn hóa doanh nghiệp không chấp nhận tham nhũng.

Bên cạnh đó, DNNN cần đào tạo và nâng cao nhận thức, đạo đức và trách nhiệm cho cán bộ, người lao động và các đơn vị, tổ chức có liên quan về vấn đề tham nhũng, giúp họ hiểu rõ hơn về hậu quả của tham nhũng và cách phòng chống. Song song, cần xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến tham nhũng; tạo điều kiện và bảo vệ cho người báo cáo các hành vi tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật.

HOÀNG THỊ THU HÀ (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước)

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: S.N


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng