Hiểu đúng để góp phần bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc!
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về tư duy độc lập tự chủ. Ngay từ lúc ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Người nói rõ: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.
Bằng tư duy độc tập, tự chủ, Hồ Chí Minh đã đi một con đường riêng của mình chứ không đi theo lối mòn. Tư duy độc lập tự chủ không chỉ giúp Hồ Chí Minh lựa chọn và vận dụng phù hợp chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam mà còn mang đậm tính độc đáo, sáng tạo... Nó không chỉ tìm thấy “cái cần thiết cho chúng ta, con đường giải phóng chúng ta” mà còn đóng góp rất quan trọng vào phong trào cách mạng thế giới. Cả loài người đều ngưỡng mộ và ca ngợi chân lý: Không có gì quý hơn độc lập tự, do!
Tháng 5/1947, trả lời phóng viên Hãng Roi-tơ, Người khẳng định: “…Toàn dân Việt Nam cương quyết tranh đấu cho thống nhất và độc lập”. “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác khuyên dạy cán bộ chiến sĩ phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, Người nhấn mạnh: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”, hơn thế nữa: “Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta” . Vì vậy: “Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Người tổng kết: “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình”. Có lần, Người nói cụ thể: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”, “ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Người khuyến cáo: Nếu không “chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”.
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng ta tổng kết: “… Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định quan hệ: “Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế” là một trong những mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết tốt. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng đối ngoại: “... Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,...”.
Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường. Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp… Từ đó, một số phần tử cực đoan tung ra nhiều nội dung chống phá. Chúng dựng nên câu chuyện “Việt Nam đang đi dây trong quan hệ với các nước lớn”, như thế là sai lầm. Chúng cho rằng, chủ trương “ba không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) là “tự trói tay mình”; nếu còn tiếp tục như vậy thì “dân đi một đường, Đảng đi một nẻo”. Phải “nắm lấy bàn tay của một nước phát triển nào đó”; “chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc nào đó thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo”... Tất cả đều là ngụy biện, phục vụ cho các đồ đen tối, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Hiện nay: Trật tự “nhất siêu đa cường” vẫn tồn tại, nhưng trật tự “đa cực linh hoạt” lại đang là xu hướng, với những liên kết đan xen, đa tầng. Các nước luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu trong quan hệ quốc tế. Xu hướng đề cao sự tương đồng lợi ích đóng vai trò chi phối; tính đối tác, đối tượng trong quan hệ quốc tế đan xen, chuyển hóa linh hoạt, trên từng lĩnh vực cụ thể. Sự hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và thỏa hiệp giữa các nước, nhất là các nước lớn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước cũng đứng trước những khó khăn, tiềm ẩn các nguy cơ, thách thức về quốc phòng, an ninh do âm mưu, thủ đoạn chống phá, lật đổ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia của các thế lực thù địch, phản động.
Bối cảnh đó đặt ra cho việc vận dụng quan điểm “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc có những yêu cầu mới. Trong đó: Phải kiên định quan điểm độc lập, tự chủ; đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; xử lý hài hòa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế. Bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới, phát huy sức mạnh tổng hợp, phát huy cao nhất nội lực đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Thực hiện sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; chủ động, linh hoạt và kịp thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập quốc tế phù hợp với từng thời điểm, tình huống. Phải coi trọng và xử lý đúng đắn, linh hoạt, hài hòa quan hệ giữa các nước lớn, dựa trên vị trí địa chiến lược của đất nước và lợi ích chiến lược của quốc gia. Cần tiếp tục giữ vững tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kiên định thực hiện chính sách không đi với nước này chống nước kia, không tham gia liên minh quân sự, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng giải pháp hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cảnh giác, ngăn ngừa sự thỏa hiệp giữa các nước liên quan đến chủ quyền, lợi ích của Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện vừa hợp tác vừa đấu tranh quốc phòng một cách linh hoạt, sáng tạo; lấy hợp tác là chính, đấu tranh để hợp tác tốt hơn. Triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng theo phương châm: “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu. Thứ tư, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, khu vực, Cộng đồng ASEAN ở mức cao hơn, hiệu quả thiết thực hơn; trong đó có tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,…
Thực hiện tốt phương châm giữ nước từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của đất nước trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình. Cần đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực chất, hiệu lực và ràng buộc.
Cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước (đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 13 nước; nâng cấp quan hệ với Nga và Ấn Độ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, với Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược sâu rộng”). Coi trọng và phát huy việc Liên Minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong “Chính sách hướng Nam mới”, “Kết nối với châu Á”... Mới đây, với số phiếu kỷ lục (192/193), Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7/10 nước phê chuẩn đầu tiên. Đến nay đã có 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; chúng ta đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 Hiệp định đã có hiệu lực. có 135 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với vốn đăng ký 362,58 tỷ USD, vốn thực hiện 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% vốn đăng ký (đứng đầu là Hàn Quốc với 67,71 tỷ USD chiếm 18,7%, Nhật Bản đứng thứ hai với 59,34 tỷ USD chiếm 16,4% vốn đăng ký, tiếp theo là Singapore, Đài Loan, Hồng Kông...). Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ta đạt mức kỷ lục hơn 500 tỷ USD, gần 2 lần GDP, Việt Nam xếp hạng 26 trong nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới.
Những thành tựu nói trên càng khẳng định cho sự đúng đắn về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nó bác bỏ luận điệu xuyên tạc về cái gọi là Việt Nam đang bị cô lập trên chính trường quốc tế./.
T.T