Không được lợi dụng dân chủ gây mất ổn định chính trị - xã hội!
Cái gọi là "sứ mệnh" mà Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) tự phong cho mình là "điều tra và đưa ra ánh sáng các vi phạm nhân quyền và buộc những đối tượng vi phạm phải thừa nhận trách nhiệm".Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác: HRW gặp phải sự chỉ trích ngày càng nhiều từ các chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức truyền thông…
Ngay Robert L.Bernstein, người sáng lập HRW, đã cáo buộc tổ chức này thường dựa vào các nhân chứng mà không có kiểm chứng; còn Viện nghiên cứu Monitor cáo buộc HRW áp dụng phương pháp luận sai lầm, hiểu sai luật pháp quốc tế. Trang web của HRW đã bị cấm hoạt động tại Thái-lan… Nhiều học giả Mỹ la-tinh nhận xét, về hình thức, HRW không lệ thuộc vào Chính phủ Mỹ nhưng các báo cáo của tổ chức này về tình hình nhân quyền tại Mỹ la-tinh chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những toan tính của Washington. HRW luôn tâng bốc các giá trị "tự do, dân chủ" kiểu Mỹ.
Việt Nam là một trong các nước mà HRW "quan tâm" một cách đặc biệt. Họ thường tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam qua báo cáo nhân quyền thường niên, hoặc ra thông cáo báo chí, gửi thư tới lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức quốc tế. Mới đây Trong báo cáo công bố vào giữa tháng 1/2021, HRW cho rằng, năm 2020, Việt Nam đã gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội… Một quan chức của tổ chức này thậm chí còn khẳng định rằng, năm 2020 “lại là một năm đen tối nữa” cho nhân quyền ở Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ hoặc truy tố hàng chục người do vi phạm các tội về an ninh quốc gia mà theo họ được định nghĩa quá rộng và mơ hồ, chẳng hạn như “tuyên truyền chống Nhà nước” hoặc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước”…
Gần đây, một số người thiếu thiện chí với Việt Nam lại đưa ra luận điệu cho rằng, vì sợ sứt mẻ lợi ích kinh tế, vì sự thành bại của các hiệp định thương mại mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác đang phớt lờ các vụ việc vi phạm nhân quyền đối với các “tù nhân lương tâm” tại Việt Nam. Trong khi đó, ai cũng thừa biết rằng, thông qua các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên, Việt Nam đã cùng Mỹ hay EU trao đổi thẳng thắn, cởi mở và xây dựng về tình hình thực tế cũng như các thách thức của mỗi bên trong việc thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này cũng đã được cộng đồng quốc tế và các đối tác ghi nhận.
Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1995-2020), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R.Pompeo đã có tuyên bố dành cho báo chí. Tuyên bố nêu rõ: “Trong một phần tư thế kỷ vừa qua, hai quốc gia chúng ta đã xây dựng mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị trên cơ sở lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau và quan hệ giữa nhân dân hai nước… , chúng ta đã tăng cường và mở rộng Quan hệ Đối tác Toàn diện trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và hòa bình, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong thúc đẩy về bảo vệ quyền con người; đã thông qua việc phê chuẩn hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người; đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý với một số điều khoản phù hợp hơn với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt nam là thành viên. Bà Caitlin Wiesen Trưởng nhóm kết quả về quản trị và pháp lý của LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Những tiến triển này của Việt Nam đã được các quốc gia khác ghi nhân và hoan nghênh…”. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa công bố Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020. Theo đó, Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704 ở trong nhóm các nước phát triển con người cao, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhân dịp này, Ông Minh Giang- người Mỹ gốc Việt đã nhận định: Trong khoảng hai, ba thập kỷ vừa qua Việt Nam có sự tăng tiến rất mạnh về chỉ số phát triển con người, với tốc độ tăng trưởng khoảng 45 - 46%. Năm 1990, Việt Nam mới tham gia vào việc đánh giá chỉ số phát triển con người và chỉ đạt 0,48 điểm, một mức rất thấp; gần đây được xếp trong nhóm phát triển trung bình (là những nước có số điểm dưới 0,7). Năm 2018 đạt mức 0,63 điểm, tức là còn thiếu 0,07 điểm nữa thì vào nhóm phát triển cao. Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam được đưa vào danh sách những nước có sự phát triển con người ở mức cao… Những người đấu tranh chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn nói Việt Nam là một “nhà tù lớn”. Tuy nhiên, chứng kiến những gì diễn ra, và điều quan trọng hơn là chính những người ở trong nước cảm thấy có đáng sống hay không, có được thực hiện các quyền con người không, có được sống trong một chế độ xã hội chính trị ổn định, được bảo đảm kế sinh nhai trong môi trường đó mới là vấn đề mà cần quan tâm. Bởi nhu cầu phát triển dù của một xã hội nào thì cũng phải đi đến một cái đích là hoàn thiện hơn về mặt con người, đồng thời phải đáp ứng được các nhu cầu vật chất và tinh thần cho họ. Mọi người ở Việt Nam cho thấy họ đang hạnh phúc, họ được đi học, có việc làm. Rõ ràng là các ý kiến cho rằng Việt Nam không phát triển về quyền con người, không mở rộng về dân chủ,... là rất sai.
Quyền con người, đúng hơn là việc phát triển con người, là một vấn đề trung tâm trong tiến trình phát triển ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam và các chính sách pháp luật Việt Nam lúc nào cũng xác định đó là nhiệm vụ rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ”. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã cố gắng thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hoá; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của Nhân dân.
Mỗi chúng ta cần hiểu đúng và tích cực góp phần thực hiện tốt yêu cầu nêu gương thực hành dân chủ. Đồng thời kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch./.
Trung Thành