Nắm bắt tốt dư luận xã hội để đóng góp vào sự phát triển chung

Thời gian qua, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết phấn đấu đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là Đảng bộ tỉnh đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch được xây dựng luôn dựa trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu tối đa tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội.

Ngày 30-8-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án 01-ĐA/TU về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (gọi tắt là Đề án 01). Từ đó, công tác này trên địa bàn tỉnh thường xuyên được đổi mới theo hướng thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu. Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trình Lam Sinh, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương và Đề án của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thiết lập và duy trì cơ chế phản hồi đối với những vấn đề mà dư luận xã hội phản ánh. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp tình hình dư luận xã hội hàng tháng, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tiến hành xem xét, giải trình và đề xuất hướng xử lý. Hàng năm có trên 250 vụ việc được dư luận phản ánh. Riêng năm 2020, tính đến tháng 11 đã có trên 300 vụ việc được phản ánh, gần 190 vụ việc được phản hồi. Qua đó, chấn chỉnh những hạn chế trong điều hành quản lý, đồng thời giữ vững, ổn định tư tưởng, tâm trạng người dân trên địa bàn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng nhấn mạnh: “Kết quả lớn nhất trong công tác dư luận xã hội của Tỉnh ủy nói chung và của ngành tuyên giáo nói riêng được Trung ương đánh giá rất cao, thể hiện ở cả 2 mặt: chúng ta vừa là tỉnh đặc thù, vừa làm được và làm rất tốt nhiệm vụ này”.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng trao bằng khen UBND tỉnh cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016-2020).

Điểm đáng chú ý là hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ngày càng quan tâm hơn đến công tác giải quyết, phản hồi những vấn đề mà dư luận bức xúc, quan tâm. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Long Xuyên Võ Thiện Hảo cho biết, nhờ nắm bắt dư luận xã hội kịp thời, tăng cường sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các chủ trương của tỉnh, thành phố được triển khai thuận lợi, nhất là công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi công cộng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, nâng cấp đồng bộ 168 tuyến đường, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến tránh thành phố… Ngoài ra, Thành ủy còn quan tâm theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân thông qua việc duy trì thường xuyên các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp dân, thông qua hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, mạng xã hội… Từ đó, có những chủ trương giải quyết đúng đắn, phù hợp, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Chia sẻ kinh nghiệm ở địa bàn đặc thù tôn giáo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Tân Thi Hồng Thúy thông tin, huyện có nhiều hình thức và cách làm trong công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, như: thông qua các cuộc họp, hội nghị thường kỳ hoặc đột xuất của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị; nội dung báo chí phản ánh, thông tin trên mạng; gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội… Nhiều sự việc đáng chú ý xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là những vụ việc lan truyền trên mạng xã hội phản ánh lệch lạc sự thật đã được giải quyết kịp thời, lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức, chia sẻ các bài báo, nhận xét, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học… góp phần giúp người dân, nhất là cộng đồng mạng hiểu được bản chất sự việc, hạn chế lan truyền dư luận không tốt.

Hiện nay, dư luận xã hội phần lớn bắt nguồn từ mạng xã hội, những thông tin chưa được xác nhận, không rõ ràng lại được cộng đồng quan tâm, chia sẻ tích cực. Khi tin đồn được xem là “dư luận xã hội”, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội phải đặt lên một tầm cao mới. Vì vậy, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Đề án 07 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, trong giai đoạn mới, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị; quan tâm nắm bắt, phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân để kịp thời giải quyết. Đồng thời phát huy mặt tích cực, nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp nắm bắt, nghiên cứu thực tiễn, xác định thời điểm tập trung nắm bắt dư luận xã hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác dư luận xã hội và lực lượng cộng tác viên từ tỉnh đến huyện phải cập nhật kiến thức, kỹ năng nắm bắt, phân tích thông tin dư luận, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, lan truyền thông tin tích cực. Đặc biệt cần duy trì cơ chế phản hồi thông tin, giải trình, xử lý những vấn đề dư luận quan tâm, không để bức xúc kéo dài, phát sinh điểm nóng trên địa bàn tỉnh.

MH


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng