Nhận diện và đẩy lùi biểu hiện lai căng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Hiện tượng lai căng trong sáng tác văn học, nghệ thuật gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sự phát triển của văn hóa quốc gia...
Sau gần 4 thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới, lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT) đều có những bước tiến quan trọng. Nền VHNT nước ta trong những thập niên vừa qua đã chứng kiến sự tiếp thu các lý thuyết sáng tạo, phê bình, tiếp nhận VHNT của thế giới một cách mạnh mẽ. Đó là thành quả của chủ trương “mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài” mà Đảng ta đã khẳng định trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khóa X.
Tuy nhiên, cùng với quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên hành trình sáng tạo, hiện tượng lai căng trong VHNT đang diễn ra với nhiều biểu hiện khác nhau, nếu không nhìn nhận một cách thấu đáo, quá trình xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ hội nhập sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Biểu hiện lai căng xuất hiện ở nhiều loại hình nghệ thuật
Không khó để chỉ ra những biểu hiện lai căng trên lĩnh vực VHNT. Trước hết là mặt lý thuyết, hầu như mọi lý thuyết VHNT đã du nhập vào Việt Nam. Nhiều người nghĩ rằng, lý thuyết chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực lý luận, phê bình (LLPB) nhưng thực tế là ảnh hưởng đến cả lĩnh vực sáng tác, vì lý thuyết có chức năng gợi mở, dẫn dắt sáng tác. Nhiều văn nghệ sĩ khi tiếp xúc với lý thuyết mới mẻ, ít nhiều đều được kích thích xung lực tìm ra hướng sáng tác mới.
Tuy nhiên, việc vận dụng một cách khiên cưỡng, thiếu sáng tạo, nâng tầm các lý thuyết như: Siêu hư cấu (metafiction), phân tâm học (psychoanalysis), nữ quyền luận (feminism), hậu thực dân (postcolonialism)... hoàn toàn không làm phong phú, giàu có nền VHNT nước ta mà có phần còn ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, xã hội. Chẳng hạn, dựa vào lý thuyết siêu hư cấu, nhiều nhà văn viết những tác phẩm chứa đựng các yếu tố hư cấu có tính chất xuyên tạc, bóp méo về lịch sử.
Trong thời đại thông tin hiện nay, phải quan tâm đến các hoạt động nghệ thuật quần chúng và ưu tiên việc quảng bá những thành quả của nền văn học, nghệ thuật đất nước đến với công chúng và nhân dân. Ảnh minh họa: tapchiqptd.vn |
Điển hình nhất là một số tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca có nội dung hư cấu “lật sử”, bôi nhọ anh hùng dân tộc, tập trung khai thác sai lầm trong quá trình sự nghiệp cách mạng có lúc, có nơi mắc phải. Đó là chưa kể việc giới thiệu các lý thuyết được tôn sùng quá đà như chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), vô tình tạo ra phong trào sáng tác mà ở đó, người sáng tác hăng hái lao đầu vào thì mới được đồng nghiệp gắn mác là “hiện đại”, “tiên phong”. Trong khi đó, năng lực, nhận thức, tư duy của nhiều người sáng tạo đôi khi còn không hiểu hết hậu hiện đại là gì; chỉ đơn thuần bắt chước một số thủ pháp đơn giản bề ngoài, trở nên kỳ dị, xa lạ.
Tư duy đám đông, a dua, thiếu tự tin và thiếu quan tâm vào bản sắc dân tộc, cá tính sáng tạo cá nhân khiến nhiều văn nghệ sĩ khi sáng tác hoàn toàn bắt chước, không nâng tầm sáng tạo. Chẳng hạn với kiến trúc, việc rập khuôn xu hướng hiện đại mới (neo modernism) trong xây dựng các công trình đã dẫn đến việc sử dụng kết cấu thép, kính một cách cực đoan, làm cho nhiều công trình kiến trúc của Việt Nam trở thành bản sao của các công trình châu Âu, Bắc Mỹ, hoàn toàn không tương hợp với đặc thù cảnh quan, khí hậu Việt Nam. Tính bản sắc như một dấu chỉ để định hình kiến trúc dân tộc đã không còn ở các công trình rập theo khuôn xu hướng hiện đại mới này.
Với nghệ thuật điêu khắc, rất nhiều hiện tượng lai căng từng tạo nên những dư luận không tốt trong đời sống văn hóa nước nhà. Điển hình là việc dựng những bức tượng như “nữ thần tự do”, “nữ hoàng băng giá” (Sa Pa, Lào Cai); tượng khỏa thân 12 con giáp (Đồ Sơn, Hải Phòng) hay những bức tượng quỷ tại khu du lịch Quỷ Núi-Suối Ma (Lạc Dương, Lâm Đồng)... Những bức tượng vừa kể trên bị dư luận phản đối bởi không phù hợp với không gian văn hóa nơi dựng tượng và không bảo đảm về giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật.
Quyền tự do sáng tạo là một trong những quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, nhân danh quyền tự do sáng tạo, nhiều nghệ sĩ đã đi quá đà, thiếu trách nhiệm công dân, bỏ qua giá trị chân-thiện-mỹ. Trong mỹ thuật, nhiều bức tranh chứa đựng những yếu tố dung tục, không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của công chúng và truyền thống dân tộc. Cũng có trường hợp họa sĩ nhân danh sự tìm tòi, phá cách trong sáng tạo đã cho ra đời những bức tranh về đề tài lịch sử hoàn toàn xa lạ với chính lịch sử mà anh ta thể hiện.
Một số tác phẩm lấy đề tài nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay chủ đề Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gây phản ứng trái chiều trong công chúng yêu hội họa gần đây là minh chứng. Với âm nhạc, việc phổ biến những tác phẩm rap có ca từ dung tục, báng bổ như bài: “Censored” của Đinh Thanh Tùng, “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy, “Thích Ca Mâu Chí” của nhóm Rap Nhà Làm... đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận và giới trẻ, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về xu hướng lai căng, suy đồi trong âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn.
Những hệ lụy không thể xem thường đối với văn hóa, xã hội
Hiện tượng lai căng trong sáng tác VHNT gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sự phát triển của văn hóa quốc gia. Đầu tiên là tác động tiêu cực đến tình cảm, tư tưởng và nhận thức của giới trẻ-thành phần công chúng đông đảo và năng động nhất của các loại hình nghệ thuật. Việc phổ biến các yếu tố dung tục, lệch lạc, suy đồi trong các tác phẩm chính là gián tiếp cổ xúy cho một bộ phận người trẻ xa rời các chuẩn mực đạo đức và văn hóa tốt đẹp của xã hội.
Thứ hai, sự áp đặt máy móc, rập khuôn các quan điểm, tư tưởng sáng tác và tiếp nhận nghệ thuật từ bên ngoài đã gây ra tình trạng loạn chuẩn và hiện tượng “nhiễu giá trị”. Sự song song tồn tại những tác phẩm chứa đựng các yếu tố dung tục, tầm thường bên cạnh những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao sẽ gây nhiễu cho công chúng, khiến họ khó lòng nhận ra các giá trị đích thực để tiếp nhận và thưởng thức.
Thứ ba, việc phổ biến các lý thuyết sáng tạo, phê bình nghệ thuật hiện đại từ ngoài biên giới quốc gia đã tạo điều kiện cho nhiều tác giả nhân danh những hệ thống lý thuyết mới, “thời thượng” để quay lại phủ định những giá trị của truyền thống nghệ thuật dân tộc. Điển hình như nhiều nhà phê bình theo trào lưu hậu hiện đại trong văn học, nhân danh sự hoài nghi các siêu tự sự (master narrative) đã tung hê, phủ định sạch trơn những tượng đài nghệ thuật, những thành quả sáng tạo và phê bình mà đất nước đạt được trong các giai đoạn trước.
Thứ tư, nhiều cá nhân hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nhân danh sự phổ biến các lý thuyết phê bình hiện đại đã tuyên truyền đến công chúng nghệ thuật những tư tưởng sai lệch về chính trị và xã hội, gây nguy hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng và dân tộc, thậm chí dịch và xuất bản những đầu sách chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc chính trị, lịch sử, xã hội, đất nước nhằm phục vụ cho những mưu đồ chính trị xấu xa của mình.
Tăng cường giải pháp phòng, chống, đẩy lùi lai căng trong văn học nghệ thuật
Trước những hệ lụy khôn lường gây ra bởi hiện tượng lai căng trong VHNT đang diễn ra, cần có những giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn, góp phần đưa nền VHNT đất nước đạt được những bước tiến mới trong thời gian tới.
Trước hết, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về VHNT, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về VHNT. Cùng với đó, phải có chiến lược dài hạn trong bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật chứa đựng những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, đồng thời có chiến lược xây dựng các công trình văn hóa-nghệ thuật tiêu biểu, hoàn thiện hơn nữa các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương.
Điều căn cốt là phải quan tâm đến việc nâng cao đời sống của văn nghệ sĩ để họ yên tâm công tác và sống được bằng nghề của mình. Cần quan tâm đến chế độ lương bổng, nhuận bút của nghệ sĩ. Cần có những chính sách ưu đãi đối với các tài năng trên lĩnh vực VHNT để họ có thể phát huy cao nhất năng lực sáng tạo của mình. Đặc biệt, phải quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức, văn nghệ sĩ, nhất là đào tạo những người sáng tác trẻ để tạo nên lực lượng sáng tác “vừa hồng vừa chuyên” phù hợp với yêu cầu phát triển VHNT trong giai đoạn mới.
Trong thời đại thông tin hiện nay, phải quan tâm đến các hoạt động nghệ thuật quần chúng và ưu tiên việc quảng bá những thành quả của nền VHNT đất nước đến với công chúng và nhân dân. Cần tận dụng tối đa ưu thế của truyền thông chính thống và truyền thông mạng xã hội trong việc quảng bá tác phẩm VHNT.
Thạc sĩ PHAN TRẦN THANH TÚ