Phá bỏ lớp vỏ lai căng trong điện ảnh

Điện ảnh Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đây đã có sự phát triển nhanh chóng, biến đổi liên tục với nhiều xu hướng làm phim mới, hiện đại, du nhập từ nước ngoài. Điều này góp phần làm phong phú “thực đơn” phim ảnh, thu hút ngày càng nhiều khán giả đến rạp.

Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, xu thế hướng ngoại, học đòi, bắt chước phim nước ngoài cũng gây ra hiện tượng lai căng đáng lo ngại.

Những "thảm họa" điện ảnh bị coi là lai căng, phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều, có thể kể ra một số cái tên như: “Sài Gòn nhật thực” (2007), “Những cô gái và găng-tơ” (2018), “Cậu Vàng” (2020), “Kiều @” (2021), “Cù lao xác sống” (2022)...

Trong lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam được tổ chức ngày 15-3-2023 tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh mục tiêu xây dựng điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt hơn nhu cầu về đời sống văn hóa-tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, trong điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, việc hiện đại hóa bị một số nhà làm phim lạm dụng, thể hiện thái quá, sai lệch tạo nên những sản phẩm lai căng một cách lố lăng, kệch cỡm.

Phá bỏ lớp vỏ lai căng trong điện ảnh
Cảnh hài trong phim “Những cô gái và găng-tơ” bị khán giả chê là lố lăng. Ảnh: thethaovanhoa.vn 

Có thể hiểu, lai căng là sự tiếp thu các giá trị văn hóa nước ngoài để pha trộn, gán ghép một cách gượng ép, tùy tiện với các sản phẩm, giá trị văn hóa trong nước theo kiểu “dở tây dở ta”, hay nói cách khác, đó là sự bắt chước nước ngoài không có chọn lọc, gây phản cảm. Trường hợp “Sài Gòn nhật thực” của đạo diễn Việt kiều Othello Khánh là một ví dụ điển hình của sự pha tạp tùy tiện những yếu tố ngoại lai vào câu chuyện lấy cảm hứng từ kiệt tác của văn học Việt Nam-“Truyện Kiều”. “Sài Gòn nhật thực” bị chỉ trích vì không phản ánh được tinh thần và bối cảnh văn hóa-xã hội Việt Nam, thể hiện một sự “lổn nhổn về văn hóa” khi pha trộn dàn diễn viên đa quốc tịch, sử dụng ngôn ngữ lộn xộn (lúc thì nhân vật nói tiếng Việt, lúc lại nói tiếng Anh).

Một phim khác là “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An cũng lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" với tham vọng hiện đại hóa từ nội dung đến kỹ thuật. Kịch bản phim cải biên thành câu chuyện hiện đại nhưng chỉ mượn được cái vỏ của “Truyện Kiều”, còn hồn cốt thì bay biến hết với những lời thoại ngây ngô, cảnh nóng phản cảm và tình tiết vụng về. “Kiều @” bị phê phán vì nhiều cảnh hở hang phản cảm như cảnh tắm hay những cảnh “đi khách” của nhân vật nữ chính với tấm lưng xăm hình Marilyn Monroe.

Theo dòng chuyển thể, cải biên từ tác phẩm văn học kinh điển, bộ phim “Cậu Vàng” của đạo diễn Trần Vũ Thủy tiếp tục là một thất bại, trong đó, yếu tố bị chỉ trích nhiều nhất là việc dùng một chú chó giống Shiba của Nhật vào vai cậu Vàng trong nguyên tác của nhà văn Nam Cao.

Xu hướng làm phim học theo các thể loại đặc trưng của nước ngoài như hài-hành động, zombie... cũng dẫn tới nhiều bộ phim lai căng như: “Những cô gái và găng-tơ”, “Cù lao xác sống”... Với những yếu tố câu khách như dàn diễn viên nổi tiếng, sự góp mặt của võ sĩ quyền anh Mike Tyson, những tình tiết gây cười kết hợp các pha hành động, nhưng “Những cô gái và găng-tơ” của nữ đạo diễn Barbara Wong Chun Chun vẫn bị đánh giá là lố lăng đến khó chịu. “Cù lao xác sống” được coi là phim đầu tiên theo thể loại zombie (xác sống) của điện ảnh Việt, song sự mới mẻ đó cũng không cứu nổi thất bại nặng nề của bộ phim khi bị khán giả chê tơi tả vì kịch bản yếu, đưa câu chuyện xác sống vào bối cảnh miền Tây một cách khiên cưỡng.

Dòng phim remake (phim làm lại từ kịch bản nước ngoài) đang là xu hướng được nhiều nhà làm phim Việt Nam những năm gần đây ưa chuộng, nhưng đây cũng là dạng phim dễ rơi vào cái bẫy lai căng, mất bản sắc Việt. Nhiều phim remake từ cốt truyện, nhân vật, tính cách, trang phục, bối cảnh... đều không sai bản gốc của nước ngoài một chút nào, khiến người xem cảm thấy xa lạ, không thuần Việt. Chẳng hạn như: “Bạn gái tôi là sếp”, “Sắc đẹp ngàn cân”, “Yêu đi đừng sợ!”...

Qua một số dẫn chứng kể trên, có thể thấy tuy ngày càng đa dạng về thể loại và có nhiều cố gắng hiện đại hóa trong làm phim, điện ảnh Việt Nam đang xuất hiện nhiều biểu hiện lai căng, mất gốc, suy giảm chất lượng khi chỉ chạy theo các xu hướng ngoại lai không phù hợp. Hơn lúc nào hết, trước xu thế hội nhập mạnh mẽ với thế giới ngày nay, ngành điện ảnh cần có những chiến lược, định hướng đúng đắn để các nhà làm phim nhận thức được mức độ và phương thức hiện đại hóa theo quan điểm “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Điều quan trọng là phải có sự chắt lọc và thẩm thấu các yếu tố bên ngoài sao cho tương thích với cuộc sống và con người Việt Nam chứ không chỉ là sự vay mượn, lắp ráp không ăn nhập. Nói cách khác, cần một tư duy “dân tộc hóa” những vấn đề của quốc tế, bắt trúng mạch bản sắc riêng của phim Việt, phá bỏ "lớp vỏ" lai căng giả tạo bề ngoài.

HOÀNG DẠ VŨ

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: S.N


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng