Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: "Gây khó" cho các đồng chí lãnh đạo
Vừa bước vào nhà, chị Lý đã ôm chầm lấy chồng, giọng thẽ thọt, thảo mai:
- Chồng ơi, em vừa họp chi hội phụ nữ thôn. Hôm nay có nhiều chị tha thiết bảo em về nhờ chồng nói với người bạn thân đang làm lãnh đạo tỉnh đầu tư cho làng mình cái nhà văn hóa. Làng mình bây giờ rất nhiều người thích hát hò, nhảy múa, biểu diễn văn nghệ đấy chồng ạ. Chồng hứa giúp dân làng đi!
- Ơ hay cái cô này! Bạn tôi làm lãnh đạo tỉnh chứ có phải tôi làm đâu mà hứa với hẹn. Với lại nhà văn hóa làng mình thế là đẹp lắm rồi, nhiều nơi còn kém xa...
"Gây khó" cho các đồng chí lãnh đạo. Minh họa: Mai Minh |
- Nhưng chồng ơi, làng mình có lãnh đạo tỉnh mà nhà văn hóa bé hơn làng bên chỉ có lãnh đạo huyện, khiến bà con cứ xì xào, thắc mắc...
- Tôi biết dân làng nói chuyện này rồi. Nhưng bạn tôi làm gì có nhiều tiền để xây cái nhà văn hóa hàng chục tỷ đồng? Dùng tiền ngân sách thì đây không phải việc cần thiết, cấp bách. Khi cơ quan thanh tra, kiểm tra người ta chỉ ra vi phạm thì ai chịu trách nhiệm?
- Chồng em đúng là đảng viên nghiêm túc, không hiểu thực tế cuộc sống. Chỉ cần bạn thân của chồng gợi ý thì sẽ có khối công ty xây dựng tài trợ xây nhà văn hóa to đùng, đâu cần dùng tiền cá nhân hay ngân sách. Ông lãnh đạo huyện ở làng bên cũng làm thế mà...
- Cô mới là người suy nghĩ nông cạn nhé! Thế cô không nghe đài, báo đưa tin một số vị lãnh đạo lợi dụng chức quyền để nhờ vả doanh nghiệp, rồi cấu kết với doanh nghiệp làm những việc trái pháp luật, bị xử lý à? Thành ngữ có câu “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Lãnh đạo chính quyền nhờ doanh nghiệp làm việc riêng thì cũng phải tìm cách ưu tiên, tạo điều kiện cho họ làm ăn, dễ rơi vào vi phạm pháp luật, thậm chí phải vào tù ấy chứ!
Bạn tôi mà bị như thế thì cả làng có xấu hổ hơn bây giờ, khi chỉ vì cái nhà văn hóa bé hơn của làng bên không? Đó là chưa kể, nếu làng ông lãnh đạo tỉnh đập bỏ nhà văn hóa còn sử dụng tốt để xây nhà mới to đùng thì các thế lực thù địch, phản động sẽ lợi dụng để đả kích, nói xấu Đảng, Nhà nước ta; có khi chúng còn kích động bà con ở những vùng quê khác bức xúc, chống phá, là nguy cơ mất đoàn kết... Đây là điều hết sức nguy hiểm mà nhiều người không nghĩ đến. Dân làng không nên "gây khó" cho các đồng chí giữ cương vị lãnh đạo...
Càng nghe chồng phân tích, chị Lý càng thấy mình và nhiều bà con trong làng suy nghĩ thật đơn giản, nông cạn. Đúng là bài học cảnh giác, làm gì cũng phải suy tính trước sau không bao giờ thừa.
LÂM SƠN
Nguồn: qdnd.vn
Sưu tầm: S.N