Phòng, chống Diễn biến hoà bình: Xứng đáng là “Những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”
Từ nhiều năm nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm cách bịa đặt, xuyên tạc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt nham hiểm và thâm độc khi chúng dùng nhiều cách tập trung vào thế hệ trẻ, các cháu thiếu niên nhi đồng nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh trong tư tưởng, tình cảm các em. Đơn cử như Bùi Văn Thuận, một thành viên của tổ chức phản động Việt Tân (đã bị pháp luật Việt Nam xử lý hình sự về hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước), từng lợi dụng việc có thời gian làm giáo viên để tuyên truyền mang tính xuyên tạc, vu cáo về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong học sinh và thiếu niên, nhi đồng.
Ảnh minh họa
Nhưng thực tế cho thấy, tất cả những âm mưu thủ đoạn xấu xa đó đều thất bại. Tình cảm kính trọng, yêu quý, tin tưởng vào Hồ Chí Minh của các thế hệ người Việt Nam, trong đó có thanh thiếu niên nhi đồng ngày càng được củng cố, tăng cường, bắt nguồn từ chính tư tưởng và tấm gương ngời sáng của Người.
Sinh thời, dù rất bận công việc của cách mạng, của đất nước và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm yêu thương, chăm sóc đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng bằng nhiều lời nói, việc làm cụ thể, thiết thực.
Sau nhiều năm bôn ba hoạt động cách mạng ở ngước ngoài, ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đến ngày 21/9/1941, Hồ Chí Minh đã viết ngay bài thơ dành cho thiếu nhi với những lời cảm thông sâu sắc cho thiếu nhi của một nước mất độc lập, phải sống kiếp nô lệ:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng.
Học hành, giáo dục đã không,
Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa.
Sức còn yếu, tuổi còn thơ,
Mà đã khó nhọc cũng như người già!
Có khi lìa mẹ, lìa cha,
Đi ăn ở với người ta bên ngoài.
Vì ai mà đến thế này?
Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn”.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh luôn chú ý dành sự yêu thương cho các cháu thiếu niên nhi đồng mỗi dịp Tết trung thu. Tết trung thu 1945, Bác viết bài báo đăng trên báo Cứu Quốc ngày 17-9-1945, với tiêu đề “Tết trung thu với nền độc lập”: “Các em vui hớn hở, già Hồ cũng vui cười, hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”.
Hồ Chí Minh luôn có sự yêu thương, tin tưởng, hy vọng vào thế hệ tương lai của đất nước. Người khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc năm châu được hay không, đó là nhờ công học tập của các cháu”.
Người luôn chú ý dạy dỗ các em rất chu đáo, toàn diện, thiết thực. Năm Điều Bác Hồ dạy đã thật sự được các thế hệ thiếu niên nhi đồng nước ta ghi nhớ sâu sắc: “1, Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; 2, Học tập tốt, lao động tốt; 3, Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; 4, Giữ gìn vệ sinh thật tốt; 5, Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh đã trở thành gương sáng về rèn luyện, phấn đấu từ nhỏ để thiếu niên nhi đồng và người dân Việt Nam noi theo.
Không chỉ thiếu niên nhi đồng và người dân Việt Nam xúc động, mà chắc chắn thiếu niên, nhi đồng và bạn bè quốc tế cũng hết sức xúc động khi đọc Di chúc của Hồ Chí Minh với những lời tình cảm, tâm huyết cuối cùng của Người: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng người Việt Nam đã thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, học tập và làm theo Người, dành sự yêu thương, chăm sóc cho thanh thiếu nhi. Trong đó các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng gương mẫu, tận tình, chu đáo, sẵn sàng phấn đấu, chiến đấu, hy sinh để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho thiếu niên nhi đồng và nhân dân.
Và thiếu niên nhi đồng Việt Nam cũng luôn yêu quý, trân trọng gọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam bằng cái tên gần gũi, thân thương “Chú Bộ đội Cụ Hồ”… Hiện nay, Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2020 - 2025 giữa Ban Thanh niên Quân đội và Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng đã và đang được triển khai tích cực, hiệu quả với mục tiêu vì đàn em thân yêu và sự phát triển của phong trào thanh niên Quân đội. Nổi lên là các chương trình, cuộc vận động, các mô hình của Thanh niên Quân đội và thanh, thiếu niên, nhi đồng, như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xuân biên cương - Tết hải đảo”, “Học kỳ quân đội”, “Chia sẻ cùng thầy cô”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Em yêu biển đảo quê hương”… đem lại nhiều kết quả thiết thực, ý nghĩa sâu sắc cho cả hai bên…
Đáp lại tình cảm của Hồ Chí Minh, của nhân dân, của “Bộ đội Cụ Hồ”… thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đã không ngừng rèn luyện phấn đấu, trở thành những con ngoan, trò giỏi, những chủ nhân tốt của đất nước.
Thực tế ấy là cơ sở quan trọng để chúng ta tin tưởng, kỳ vọng: Các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, yêu thương kính trọng Người, vâng lời Người dạy, đúng như lời bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã: “Hồ Chí Minh kính yêu chúng em kính yêu Bác Hồ Chí Minh trọn một đời/Hồ Chí Minh kính yêu chúng em ước sao Bác Hồ Chí Minh sống muôn năm”.
Nguồn: LÍNH QUÂN KHU 9
Sưu tầm: S.N