Phong trào “không biết không bầu” - Chiêu trò xúi giục phá hoại

Vừa qua trên Facebook xuất hiện một thông tin có nội dung dưới dạng tờ rơi hỏi và trả lời được chia sẻ với tốc độ cao. Tại đây, đối tượng đưa ra các câu hỏi như: Đã từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa? ai là người đại diện cho quyền, lợi ích của bạn? Đã có đại biểu Quốc hội nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn chưa...?

Trả lời cho các câu hỏi trên là những từ "chưa từng thấy", "chưa có" và đặc biệt là dẫn dắt người tham gia đi đến khẳng định nếu ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội có đề án nhưng không diễn thuyết thì không thể đại diện cho cử tri và thống nhất là không bầu.

 

Đây là chiêu thức cực kỳ nguy hiểm của các đối tượng chống phá nhằm thực hiện mưu đồ phá hoại Ngày hội toàn dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp vào ngày 23/5 tới đây. Nhìn bề ngoài, có vẻ như việc làm này là “phát huy quyền làm chủ”, nhưng thực chất mưu mô bên trong là rất thâm hiểm. Nó không chỉ cổ vũ cho chủ nghĩa tự do tùy tiện và chủ nghĩa dân túy vốn đang là ác mộng của nhiều nước trên thế giới mà nó còn liên quan đến lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền với những ưu việt đã được khẳng định.

Như chúng ta đã biết, bầu cử là một biểu hiện tính dân chủ, tiến bộ của nhà nước pháp quyền so với các chế độ chính trị đã có trong lịch sử như phong kiến hoặc chiếm hữu nô lệ. Ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND là một hình thức thể hiện quyền làm chủ của công dân, để cử tri bầu ra những vị đại diện cho lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị kiên định, đủ phẩm chất, uy tín, năng lực và trình độ, có khả năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri để lập pháp, giám sát sự lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước của Chính phủ. Thế nên, ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND được xem trọng và được ví như ngày hội thực sự.

Việc đưa ra và tuyên truyền, cổ xúy cho phong trào tự phát “không biết không bầu” trước nhất là đi ngược lại với quy định của Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Điều 2 của Luật này quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử…”, Điều 15, Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng chỉ rõ: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân!

Như vậy, việc “không biết không bầu”, bên cạnh tự chối bỏ quyền bầu cử của chính mình, còn là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của một công dân yêu nước chân chính!

Bên cạnh, cần phải nói cho rõ tại sao lại “không biết”? Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/01/2021 của Ủy Ban Thường vụ  Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, theo nội dung Nghị quyết có đến 3 lần hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng, danh sách cụ thể người ứng cử đại biều Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Sau lần hiệp thương thứ hai, các cấp sẽ phải tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Có thể thấy với các quy trình trên, mỗi  ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đều phải qua nhiều lần hiệp thương giới thiệu, lấy ý kiến cử tri nơi làm việc, nơi cư trú. Cũng theo quy định, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vận động bầu cử qua hai hình thức: Tiếp xúc cử tri và qua phương tiện thông tin đại chúng. Với các quy trình trên, việc một người tuyên bố “không biết” về một ứng cử viên nào đó liệu có thuyết phục? Giả sử có người không biết, có lẽ cần phải xem lại bản thân người tuyên bố “không biết” đó, có phải là người “vô cảm” với cộng đồng, với thời cuộc? thậm chí cố tình hùa theo các quan điểm, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị?

Là người yêu nước, mỗi người dân trong thời điểm này, cần nêu cao cảnh giác trước những chiêu bài phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Cẩn trọng khi tiếp xúc với mạng xã hội, không chia sẻ, bình luận những thông tin từ những tài khoản chứa đựng những nội dung có dụng ý xấu. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh với những kẻ cơ hội, vạch rõ âm mưu xấu bẩn của chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng đồng thời là một chiến sĩ dân vận, là một tuyên truyền viên trước tiên vận động người thân trong gia đình và những người xung quanh làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm cử tri trong ngày hội lớn của đất nước.

Bình minh luôn bắt đầu từ lá phiếu. Khi những lá phiếu gửi niềm tin đúng chỗ, tìm ra người đại biểu nhân dân từ các cấp địa phương đến Trung ương sẽ đem đến cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân và sự phát triển, phồn thịnh của đất nước.

Ngày 23/5/2021 - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, cũng là ngày hội lớn của toàn dân. Đối với mỗi cử tri, việc cầm lá phiếu trên tay không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là trách nhiệm. Trách nhiệm người dân là lựa chọn đúng những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử tri, đồng bào để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp, để bình minh thật sự tươi đẹp từ những lá phiếu./.

S.T


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng