Tăng cường chống “rác thải” trên mạng xã hội

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông thế giới (IUT), hiện có hơn 4,3 tỷ người trên thế giới tiếp cận được với internet, chiếm 57% dân số toàn cầu; hơn 3,4 tỷ người đăng ký tham gia vào các mạng xã hội, chiếm 45% dân số thế giới; hơn 5,1 tỷ người dùng thiết bị di động, chiếm 67% dân số thế giới; hơn 3,2 tỷ người tham gia mạng xã hội qua thiết bị di động.

Ngoài ra, mỗi phút trên internet có khoảng 7 triệu tin nhắn được gửi qua Snapchat; hơn 200 triệu ảnh được bấm nút like trên Facebook; 2,4 triệu ảnh được like trên Instagram; 400 giờ tải video trên YouTube...

 

Việt Nam được xem là quốc gia có tốc độ phát triển rất nhanh về internet và tính đến nay đã có hơn 60 triệu người sử dụng Facebook, chưa kể các mạng xã hội khác, đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới.

Tại Việt Nam lâu nay, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều video clip có nội dung vô bổ, thiếu văn hóa như: nấu cháo gà nguyên lông, nấu cơm bằng nước ngọt có ga hay những thử thách rùng rợn, nguy hiểm như leo cột điện cao thế hay một ngày sống trong quan tài.Những kênh video núp bóng “dành cho” trẻ em nhưng lại truyền bá mê tín dị đoan như “xin vía Kumanthong để học giỏi”, ngôn từ tục tĩu, nội dung phản cảm… Hay những kênh video chuyên theo chân kẻ giả danh thầy chùa phát ngôn xằng bậy, hành động ngông cuồng.Những kênh video chuyên giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, nhưng nội dung thể hiện sự thiếu hiểu biết về văn hóa, ẩm thực của địa phương.Thậm chí công khai đang là “người thứ 3”, cặp bồ với vợ/chồng của người khác để tăng lượt xem, tăng tương tác, bất chấp xã hội lên án.

Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm loại clip rác đang tràn lan trên những nền tảng chia sẻ video. Một vài trong số đó là vô tình. Nhưng cũng không thiếu những người sẵn sàng dùng đủ chiêu trò độc dị, bất chấp giá trị sống, đi ngược lại những điều hay, lẽ phải.Một số người sử dụng đủ loại chiêu trò để sản xuất ra những clip nhảm nhí, phản cảm, dung tục, thậm chí là vi phạm pháp luật. Họ bất chấp tác hại và hệ lụy đối với người xem và xã hội, bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa, miễn là thu hút được nhiều lượt yêu thích, theo dõi, bình luận, càng nhiều càng tốt.

Vậy mục đích của họ là gì? Đó là được nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền từ các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Càng bị lên án thì những video đó càng dễ kiếm tiền. Tiền thì chảy vào túi họ còn cái hại thì cứ chảy từ từ vào tâm hồn con em chúng ta.

Có thời điểm, nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự tạo lập các trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, YouTube đăng tải hàng trăm hình ảnh, video về cuộc sống giang hồ, xã hội đen đã trở thành hiện tượng được hàng triệu người dùng mạng theo dõi trong đó điển hình là đối tượng Ngô Bá Khá hay còn gọi là Khá “bảnh”. Khá “bảnh” có 4 kênh YouTube với hơn 2 triệu người theo dõi.

Ngoài ra, một số các cá nhân là các vlogger có lượng người theo dõi lớn thường xuyên sản xuất các nội dung nhảm, phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục trong đó phải kể đến là kênh YouTube của Hưng Vlog với gần 3 triệu người theo dõi mới đây đã bị xử phạt 2 lần với 17,5 triệu đồng. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã thường xuyên rà soát và phát hiện 425 trang mạng cung cấp các nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên mạng Internet.

Qua theo dõi của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, trong những năm gần đây, tình trạng phát tán thông tin xấu độc diễn ra khá phổ biến nhưng chỉ tập trung ở các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế và các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới là Facebook và YouTube. Trước thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng các bộ phận chức năng của Bộ TT&TT đã gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất video xấu độc (tỷ lệ tháo gỡ video của YouTube lên đến 90%). Đối với các trường hợp chủ thể trong nước, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xử lý 32 trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.Qua xử lý đã gỡ bỏ hơn 300 bài viết, bình luận có nội dung xấu độc. Đối với các thông tin được đăng tải trên Facebook, YouTube, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.337 video clip, 3 kênh YouTube gồm 2 kênh của Khá “bảnh” và 2 kênh của Dũng trọc Hà Đông; yêu cầu Facebook gỡ bỏ 544 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage trên Facebook có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện…

Song song đó, sự xuất hiện của tin tức giả mạo đang ở mức báo động. Theo kết quả khảo sát của Viện Thăm dò dư luận (Gallup) và Quỹ Hiệp sĩ (Knight Foundation) tại Mỹ, khoảng 65% người dân đánh giá thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội mà họ tiếp xúc là thông tin sai lệch. Tại Việt Nam, ở02 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, có khoảng 63% người dân công nhận đã tiếp xúc với các tin tức giả mạo.

Bản chất của tin giả là chứa đựng những thông tin không đúng sự thật hoặc chỉ có một phần sự thật, nhưng được gia giảm thêm nhiều tình tiết không đúng, sự giải thích bình luận gây cách hiểu méo mó, làm vẩn đục, nhầm lẫn và sai lệch về sự việc, con người, hoạt động được đưa tin.Tin giả có thể xuất phát từ sự vô ý, tùy tiện, thiếu trách nhiệm hoặc chủ ý của người tạo ra và đưa tin, nhằm phá hoại và trục lợi về kinh tế, làm giảm uy tín, hiệu quả hoạt động của cơ quan, hệ thống thể chế quốc gia và cá nhân; đầu độc dư luận và sự phát triển lành mạnh, dân chủ của xã hội. Thậm chí, nhiều chiến dịch tung tin giả được hoạch định và triển khai bài bản, chuyên nghiệp, công phu, tinh vi và tốn kém nhằm trực tiếp và gián tiếp can thiệp định hướng dư luận có mục tiêu vào đời sống chính trị - xã hội.

Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội vào loại cao, lại luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đáng chú ý, tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.

Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Nhằm mục đích ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội, ngày 23/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành văn bản số 2765/BTTTT-TTTH&TTĐT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.

Theo đó, để tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố:

- Chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thôngcăn cứ thẩm quyền được giao xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang tin tức tổng hợp, mạng xã hội đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật gây hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác chống dịch Covid-19 tại địa phương.

- Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phòng chống dịch thực hiện nghiêm và đúng các quy định của cấp có thẩm quyền tránh gây bức xúc, bất bình, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội.

- Thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, không để xảy ra tình trạng cùng một sự việc nhưng các địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc.

- Tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, nghành, địa phương.

- Chỉ đạo lực lượng báo chí, truyền thông trực thuộc bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăn sóc sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết.

Nguồn: Thư viện Pháp luật


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng