Thói xu nịnh và giá trị ảo

Thói xu nịnh tưởng chừng vô hại, nghe vui tai, nhưng thực chất lại nguy hại khôn lường vì nó dẫn tới sự mất tỉnh táo, bị nhầm lẫn bởi giá trị ảo, từ đó đưa ra những lựa chọn sai, những quyết định sai.

Một cơ quan, tổ chức bị lũng đoạn bởi thói xu nịnh sẽ suy thoái, đánh mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.  

Kể từ khi xuất hiện trên trái đất, để tồn tại và phát triển, con người luôn phải nhận thức đúng về thế giới xung quanh với khát khao tìm ra chân lý. Bởi chỉ khi nhận thức đúng, con người mới có thể ứng xử, tác động đúng đắn, hiệu quả nhất vào thế giới xung quanh. Thế nhưng, con đường tìm ra chân lý, sự thật không dễ. Với bản tính ưa nghe nói ngọt, thích nghe những lời đường mật, không thích lời nói trái tai, con người dễ bị dẫn dụ, huyễn hoặc bởi các giá trị ảo, ảo tưởng về bản thân, từ đó có những cách ứng xử sai lầm. Tại cơ quan công quyền, cái nhìn của nhà lãnh đạo nhiều khi bị che phủ bởi ngôn từ và hành vi xảo quyệt của những kẻ xu nịnh, dối trá.

Lịch sử thế giới ghi nhận tên nịnh thần Hòa Thân thời nhà Thanh ở Trung Quốc đã tham nhũng, lũng đoạn cả quốc gia. Trong lịch sử dân tộc ta, nhiều bậc danh nhân lớn như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn... đều khuyên can vua, chúa nghiêm trị bọn xu nịnh. Bởi thực tế chỉ ra, nịnh thần chính là gian thần. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án gay gắt bệnh “xu nịnh, a dua”, “bốc thơm” cấp trên. Người cảnh báo: Mắc căn bệnh đó sẽ làm hư hỏng cán bộ, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung. Từ đó, Người dạy cán bộ, đảng viên rằng: "Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn nịnh bợ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt".

Thói xu nịnh và giá trị ảo
Tranh minh họa / tuyengiao.vn

Sự nguy hại và hậu quả của thói xu nịnh là đáng sợ, nhưng chúng ta chưa nhận diện đầy đủ, đấu tranh chống lại một cách thực sự quyết liệt. Vấn đề đặt ra là biểu hiện này không vi phạm pháp luật, chưa có chế tài xử lý mang tính định lượng, nhưng để tồn tại dai dẳng trong tổ chức là rất nguy hiểm. 

Ngày 13-3, tại Hà Nội, chủ trì phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban đã nhấn mạnh: Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Thực tế chỉ ra rằng, lãnh đạo cơ quan mà ưa xu nịnh thì dần dần sẽ không biết được thực chất công việc, thực chất cơ quan, thực chất năng lực cũng như đạo đức của cán bộ dưới quyền và ngay cả thực chất chính bản thân mình. Một cơ quan, tổ chức để thói xu nịnh lộng hành, lấn lướt thì sẽ không còn những ý kiến ngay thẳng, không còn những tham mưu đúng đắn, mà tất cả chỉ nhất nhất lắng nghe lãnh đạo, làm theo ý lãnh đạo, bất chấp điều đó là hợp lý hay không hợp lý, đúng hay sai. Đó cũng chính là biểu hiện “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.

Nịnh bợ là một tính cách và thủ đoạn xấu, là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội. Tuy nịnh bợ không được định danh như một hành vi phạm pháp, không có chế tài xử lý theo pháp luật nhưng nịnh bợ thường đi kèm với các hành vi vi phạm pháp luật khác như hối lộ, tham nhũng.

Vì có kẻ ưa nịnh nên mới có kẻ xu nịnh. Kẻ xu nịnh dễ được ưu ái, trọng dụng, cất nhắc, thăng quan tiến chức, lên lương, khen thưởng. Kẻ xu nịnh và kẻ ưa nịnh dễ liên kết với nhau thành lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Kẻ xu nịnh bất chấp thủ đoạn, miễn là đạt được mục đích, thường là chi nhiều tiền để hối lộ, không tiếc lời khen ngợi, "bốc thơm" kẻ ưa nịnh.

Có thể dễ dàng nhận ra những biểu hiện của kẻ xu nịnh. Trước tiên là thái độ xun xoe, chiều lòng cấp trên bằng mọi giá, coi mọi lời lãnh đạo nói ra đều là chân lý, ngợi ca lãnh đạo trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, cả trước mặt và sau lưng để cấp trên nghĩ rằng: Cậu ấy hay cô ấy là người tốt, là người tâm phúc, thẳng thắn, trước sau như một.

Thậm chí mọi thói quen, sở thích của lãnh đạo cũng được kẻ xu nịnh nghiên cứu rất kỹ, chăm sóc chu đáo, ngợi ca: Nào là đánh tennis “dũng mãnh”, đánh golf “thần sầu”, nào là câu cá “sát thủ”, nào là chơi đồ cổ “tinh tế”... rồi cung phụng nào là rượu ngon, xì gà xịn, tiệc tùng liên miên... Mọi việc của gia đình lãnh đạo sẽ được săn sóc chu đáo, tận tình từ giỗ, tết đến việc hiếu hỷ, ốm đau, những ngày kỷ niệm... Đặc biệt, những người thân của lãnh đạo sẽ được chiều chuộng hết mức để qua đó, kẻ xu nịnh lấy lòng sếp và người thân.

Kẻ xu nịnh và kẻ ưa nịnh đều tự hủy hoại nhân cách của mình, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm hại người tốt, gây mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, tổ chức, gây ra tệ tham nhũng, tiêu cực, chạy chọt... Thủ trưởng ưa xu nịnh, lại chuyên quyền, công tác phê bình và tự phê bình kém hiệu quả là một trong những lý do dẫn tới sự tê liệt của các tổ chức đảng. Đến một ngày nào đó, chính lãnh đạo ưa nịnh sẽ "há miệng mắc quai" khi ngập sâu vào quan hệ tiền bạc và đặc biệt là một số quan hệ thầm kín, bất chính với kẻ xu nịnh, đành "đâm lao phải theo lao", chịu sự điều khiển của kẻ đã nịnh mình và thế lực xấu.

Khi kẻ xu nịnh được cất nhắc sẽ gây ra nhiều tác hại. Thứ nhất, vì thiếu tài, thiếu đức, kẻ xu nịnh tiến thân được chủ yếu bằng luồn lách, hối lộ nên khi đã lên chức thường sẽ tranh thủ kiếm chác, vơ vét, tham nhũng để bù lại chi phí đã “đầu tư” mà ít nghĩ đến lợi ích chung. Thứ hai, bản chất của xu nịnh là dối trá nên những kẻ xu nịnh không bao giờ trung thực, luôn "dối trên, gạt dưới", "nịnh trên, nạt dưới". Và như vậy sẽ làm hư hỏng bộ máy công quyền. Thứ ba, những kẻ xu nịnh khi nắm quyền lực sẽ chỉ lựa chọn những kẻ xu nịnh, hư hỏng khác, theo kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", hình thành nên nhóm lợi ích, làm cho môi trường công vụ tại cơ quan, tổ chức trở nên thiếu lành mạnh.

Do đó, nhận diện và có các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn thói xu nịnh trong cơ quan, tổ chức là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để làm được điều đó cần phải quan tâm các nội dung: Thứ nhất, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, trong đó có tệ xu nịnh. Thứ hai, các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền và cơ quan, đơn vị làm công tác cán bộ phải kiên quyết đấu tranh chống tệ xu nịnh; không bố trí, đề bạt cán bộ xu nịnh và ưa nịnh. Tuy khó có thể xử lý hành vi nịnh bợ bằng quy định pháp luật nhưng có thể điều chỉnh bằng đạo đức công vụ và quy định của Đảng. 

Thứ ba, đấu tranh chống tệ xu nịnh bằng việc thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình, lấy dư luận xã hội rộng rãi lên án mạnh mẽ tệ nạn này. Tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức quần chúng, báo chí, văn học-nghệ thuật... cần có tiếng nói mạnh mẽ, trực diện trước những biểu hiện của tệ xu nịnh. Thứ tư, giải pháp quan trọng bậc nhất chính là cách hành xử đúng đắn của người lãnh đạo, quản lý. Đức độ và tài năng của người lãnh đạo không chỉ biểu hiện ở sự điều hành đơn vị, tổ chức cơ quan mà đặc biệt trong công tác cán bộ còn phải có con mắt tinh đời, nhìn rõ ngay-gian, phải nhanh chóng phát hiện ra những con sâu xu nịnh để phòng ngừa và loại bỏ chúng. Tuyệt đối tránh sa bẫy của kẻ xu nịnh. Và càng không bao giờ cất nhắc kẻ xu nịnh. Nhà lãnh đạo giỏi là người biết phát huy sức mạnh tập thể, coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, dùng tai mắt của quần chúng trong đơn vị, dư luận của nhân dân mà tham vấn, xem xét, đánh giá con người chứ không thể nhìn một chiều bằng cảm xúc cá nhân của mình trong công tác nhân sự.

Tóm lại, phải có giải pháp ngăn chặn để xu nịnh không thể trở thành một phong cách, một phương thức hữu hiệu đưa cán bộ có năng lực yếu, đạo đức kém tiến thân và là chất xúc tác cho tham nhũng, tiêu cực. 

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: S.N


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng