Thống nhất ý chí và hành động trong phòng, chống đại dịch Covid-19
Sau hơn sáu tháng nỗ lực vượt qua làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19, tình hình Việt Nam đã cơ bản ổn định. Các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ để công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn, từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân bị cách ly y tế ở thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Từ thời điểm này nhìn lại, càng thấy rõ hơn kết quả từ sự quên mình của các cơ quan chức năng, sự đồng tâm nhất trí của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kiên quyết, linh hoạt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để bảo vệ tính mạng của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất mọi thiệt hại từ dịch bệnh.
Ngày 17/10/2021 trên trang tiếng Việt của BBC có đăng bài “Covid: Một người Mỹ cảm ơn Hà Nội giúp bà qua đại dịch” của Anita Louise Hummel – người Mỹ đang sống và làm việc tại Hà Nội. Qua bài viết, bà Hummel kể lại sự bối rối của mình khi TP Hà Nội thực hiện cách ly xã hội (mà bà gọi là “phong tỏa”), mô tả tâm trạng “phải vượt qua tâm lý rằng tôi đang bị phong tỏa và trong một thời gian cuộc sống sẽ không còn như xưa… Thật khó để giữ mình không rơi vào tình trạng trầm cảm…”. Rồi khi cuộc sống trở lại bình thường, bà thừa nhận: “Tôi cảm thấy biết ơn vì chính quyền Hà Nội đã khóa chặt như họ đã làm – ngay cả khi tôi phàn nàn trong thời gian phong tỏa, trong khoảng thời gian này, nhiều người đã được cứu sống nhờ những hành động nhanh chóng, thậm chí khó khăn của họ.
Là một người Mỹ, nơi nước Mỹ tiếp tục chịu đựng, chiến đấu vì những điều như việc đeo khẩu trang và quyền tiêm chủng, tôi đánh giá cao người dân Việt Nam và sự sẵn sàng đeo khẩu trang, tiêm vaccine, nhận ra cách duy nhất để giải quyết vấn đề Covid, để cứu mạng sống của mọi người là phải làm chính xác những gì họ đang làm – đeo khẩu trang, tiêm vaccine, giữ khoảng cách với xã hội nhiều nhất có thể. Vì vậy, ngay cả khi việc phong tỏa rất căng thẳng, chính lúc đó, chúng ta phải cảm thấy biết ơn vì nhiều người ở Hà Nội đã được cứu sống”.
Lời kể, tâm sự thể hiện rất rõ thái độ khách quan, chân thành của bà Anita Louise Hummel sau khi trực tiếp sống tại Việt Nam và trải qua một giai đoạn khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19. Chắc chắn đó là điều mà một số tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam không dám đối diện. Bởi từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, nhất là từ khi làn sóng thứ tư của đại dịch xảy ra, họ coi đây là cơ hội để sử dụng thủ đoạn xuyên tạc, tung tin giả, bịa đặt, vu khống đường lối phòng, chống dịch của Việt Nam… khiến dư luận hoang mang, nghi ngờ, từ đó kích động thái độ, hành vi chống đối, không tuân thủ sự chỉ đạo, không thực hiện chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tác động tiêu cực đến uy tín của chính quyền, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, tấn công vào vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, và chế độ xã hội. Họ đã lập tức triển khai một chiến dịch tuyên truyền đen – theo đúng ý nghĩa của khái niệm này, được tiến hành 24/24 giờ trong ngày, trên bình diện rất rộng, có sự liên kết chặt chẽ “kẻ tung, người hứng” giữa trang tiếng Việt của một số địa chỉ truyền thông nước ngoài với việc khuếch tán trên các mạng xã hội nhiều người Việt Nam sử dụng như Facebook, YouTube…
Để tác động tới tâm lý sợ hãi, cả tin, thiếu ý thức trong kiểm chứng thông tin của một số người (nhất là trên các mạng xã hội), họ cố tình tảng lờ sự thật là với đại dịch Covid-19, lần đầu tiên nhân loại phải đối phó một thứ virus cực kỳ nguy hiểm, rất dễ lây lan, chưa từng có kinh nghiệm ứng phó,… nên vừa phải phòng, chống vừa rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp đối phó, ngăn chặn, chữa trị, triển khai nghiên cứu chế tạo vaccine, thuốc điều trị…
Để tiến hành chiến dịch tuyên truyền đen, họ tảng lờ mọi thiệt hại nặng nề về con người, các khó khăn kinh tế – xã hội mà đại dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu, nhất là thất bại của một số biện pháp, phòng, chống có tính dò đường còn chưa phù hợp, việc tìm mua vaccine phòng Covid-19 rất khó khăn. Họ tảng lờ sự kiên quyết của chính quyền các nước khi siết chặt pháp luật, huy động quân đội tham gia, xử phạt tổ chức, cá nhân có quan điểm, hành vi cản trở hoạt động của cơ quan chức năng, đưa tin giả ảnh hưởng đến nhận thức, tâm lý chung…
Họ tảng lờ sự thật rồi từ đó phối hợp dựng chuyện để vẽ “bức tranh u ám” về phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam, lu loa các thiệt hại, cho rằng các biện pháp chưa từng có trên thế giới. Họ tập trung vu cáo, xuyên tạc các biện pháp phòng, chống của Việt Nam là “đi ngược thế giới”, “coi thường tính mạng con người”, “phân biệt đối xử”; chính quyền “bất lực”; các cơ quan chức năng “không có khả năng”; quân đội tham gia phòng, chống dịch là “đàn áp nhân dân”; lực lượng y tế, tình nguyện viên hỗ trợ phòng, chống dịch là “xâm lược”; Quỹ vaccine phòng Covid-19 là “lừa đảo, móc tiền túi của dân”; bài bác vaccine khiến ngộ nhận bị phụ thuộc nước ngoài; coi một số người tung tin giả đã bị xử phạt là “vi phạm tự do ngôn luận”; nỗ lực của lực lượng tham gia phòng, chống dịch là “diễn để mị dân”; các gói cứu trợ an sinh xã hội do Chính phủ Việt Nam triển khai là “chỉ dành cho cán bộ, đảng viên, bỏ rơi nhân dân”. Nổi lên trong các hoạt động chống phá này là vai trò của tổ chức khủng bố “Việt tân”, và “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS).
Bất kể ngày đêm, họ rình mò soi mói mọi văn bản liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch do Chính phủ, chính quyền một số địa phương ban hành, hoặc phát ngôn của người có trách nhiệm để cắt xén, xuyên tạc, đổi trắng thay đen. Họ chộp lấy một số hiện tượng tiêu cực trong phòng, chống đại dịch để biến cá biệt thành toàn bộ, lấy chi tiết thay toàn thể, kết hợp với việc khai thác hình ảnh tang thương do dịch bệnh ở nơi khác gán vào Việt Nam, khiến người tiếp xúc thông tin từ họ hoảng loạn, phản ứng tiêu cực.
Đáng tiếc trong bối cảnh đó, lẽ ra cần tỉnh táo kiểm chứng, và góp ý chân thành, có trách nhiệm trên nguyên tắc đoàn kết, ủng hộ chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thì một số cá nhân vì cả tin thiếu hiểu biết đã làm ngược lại, thể hiện qua các hành vi không thể chấp nhận như: vô cớ chỉ trích, xúc phạm chính quyền, lực lượng chức năng, và người có trách nhiệm; đề xuất ý kiến hời hợt, tùy tiện, không dựa trên nền tảng kiến thức chuyên môn; tung tin giả, tiếp tay cho tin giả; “nói lấy được” theo kiểu: thực hiện giãn cách xã hội thì la lối “mất tự do”, nới lỏng giãn cách xã hội lại đổi giọng là “không bảo vệ tính mạng nhân dân”.
Nhưng, như cha ông đã nói “bàn tay không che nổi mặt trời”, đối diện với sự thật thì mọi dối trá, bất lương cũng bị bóc trần. Không chỉ trên báo chí, mà trên mạng xã hội, rất nhiều người nhanh chóng phát hiện, phản đối, vạch trần sự sai trái, dối trá, thiển cận. Trực tiếp chỉ rõ dã tâm của tổ chức khủng bố “Việt tân”, và Nguyễn Đình Thắng – kẻ cầm đầu BPSOS, đã lợi dụng dịch bệnh để tiến hành chống phá, lợi dụng danh nghĩa “nhân quyền” để mở rộng chân rết nấp bóng “xã hội dân sự”. Báo chí, dư luận cũng tỏ rõ bất bình trước việc một số văn bản vu khống Việt Nam về nhân quyền đã sử dụng tài liệu của BPSOS là phiến diện, sai trái. Vì cho đến nay, Nguyễn Đình Thắng chỉ sử dụng BPSOS làm công cụ nhằm kinh doanh nhân quyền, đầu cơ chính trị, chống phá Việt Nam để kiếm chác tiền tài trợ, quyên góp lừa đảo… Đến hiện tại, việc dịch bệnh tại Việt Nam đã cơ bản bị đẩy lùi, tình hình đã cơ bản ổn định, các địa phương đang rất tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn, từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Sự thật đó là kết quả từ nỗ lực quên mình của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam, không thể phủ nhận. Về sự thật này, ý kiến của người nước ngoài sống ở Việt Nam trong thời gian qua như bà Hummel đã công khai khẳng định trên BBC là minh chứng cụ thể, xác thực.
Sau gần hai năm đối phó với đại dịch Covid-19, đất nước phải chịu tổn thất lớn về con người, kinh tế, nảy sinh rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên dù đau xót, tiếc thương đồng bào phải giã biệt cuộc sống vì dịch bệnh, chúng ta cần nhận thức rằng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, và trách nhiệm với đất nước của mỗi người càng cao hơn. Trở về với trạng thái bình thường mới nhưng không được lơ là, chủ quan, mà cần tiếp tục phòng, chống dịch bệnh, kết hợp lan tỏa năng lượng tích cực. Đồng thời, cần thay đổi các hoạt động, quan hệ xã hội, hành vi con người để cả nước tiếp tục thống nhất hành động, thích ứng với bối cảnh mới nhằm sớm đạt đến mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm cuộc sống mọi mặt của nhân dân.
Lịch sử dân tộc đã cho thấy, không thế lực hắc ám nào có thể ngăn trở chúng ta tiến lên phía trước khi cả hệ thống chính trị và toàn dân luôn vững tin vào khả năng của mình, thống nhất ý chí và hành động. Cũng không luận điệu tuyên truyền đen nào có thể lung lạc xã hội khi mọi người đều tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn sao cho hành trang tinh thần của mỗi người luôn là tổng hòa của cái đẹp, sự đúng đắn, lương thiện, giá trị đạo đức lành mạnh, tinh thần cộng đồng,… và đồng thời chủ động đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác, sự sai trái, suy nghĩ, hành vi vô đạo đức, thói ích kỷ. Và điều kiện tiên quyết giúp chúng ta tiếp tục khắc phục khó khăn, vững bước đi lên là luôn luôn tin tưởng vào vai trò tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nâng cao nhận thức để kết hợp hòa giữa nghĩa vụ công dân, lợi ích đất nước với trách nhiệm, lợi ích của bản thân, gia đình./.
HỒNG QUANG / Báo ND