Trong nỗi lo lại thấy điều tích cực
Môn lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 đang trở thành đề tài tranh luận nóng của dư luận xã hội trong những ngày qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đã có rất nhiều bài viết phân tích, những ý kiến từ chính người dân nói lên tầm quan trọng của môn lịch sử không chỉ trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ đất nước mà còn đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Nỗi lo lắng
Lý giải về việc môn Lịch sử là môn lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88/2014/QH13; Quyết định số 404/QĐ-TTg, trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội. Các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học bồi dưỡng những kiến thức về khoa học tự nhiên, rèn luyện tư duy, giúp học sinh có năng lực tiếp cận, hội nhập, làm chủ khoa học - kỹ thuật hiện đại. Các môn khoa học xã hội, nghệ thuật giúp học sinh thông hiểu về đời sống xã hội loài người, hiểu sự phát triển của xã hội loài người, hiểu các quy luật phát triển kinh tế, xã hội, triết lí, tư tưởng, lẽ sống… góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn đối với thế hệ trẻ.
Bộ GD&ĐT khẳng định: Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông, trong tình hình còn nhiều khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhận thức đúng, sâu sắc hơn về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình; trên cơ sở đó tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lịch sử bảo đảm đạt được mục tiêu của chương trình.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD&ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với quyết định và lý giải trên đã có nhiều lo lắng của dư luận cho rằng việc Bộ GD&ĐT để cho môn lịch sử trở thành môn học tự chọn sẽ khiến cho môn học quan trọng này trở thành môn phụ. Bởi vì chắc chắn nhiều học sinh sẽ không lựa chọn môn lịch sử mà tập trung vào học các môn phục vụ cho thi đại học. Dư luận cũng đánh giá kiến thức lịch sử ở bậc học trung học cơ sở là chưa đủ để hình thành nhận thức, nhân sinh quan, thế giới quan đặc biệt là hiểu biết sâu sắc về lịch sử dân tộc. Lịch sử phải được xem trọng, phải được xem như huyết mạch nối liền không dứt, ví như dòng nước chảy mãi không ngừng. Không thể để lịch sử là môn học tự chọn. Do đó, dư luận cho rằng vẫn cần tiếp tục phải học lịch sử ở bậc học phổ thông là môn học bắt buộc.
Rõ ràng khi có nhiều ý kiến tranh luận của các nhà khoa học và người dân thì có nghĩa là Chương trình trung học phổ thông của Bộ GD&ĐT vẫn còn những nỗi lo. Mong rằng, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân để ban hành Chương trình giáo dục này ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn, đào tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức.
Vui mừng trong nỗi buồn lo
Tuy nhiên, trong nỗi buồn lo này, chúng ta lại thấy được nhiều điểm tích cực. Bởi trước đây có lúc chúng ta tưởng nhiều người đã xem nhẹ môn lịch sử, không coi trọng nó trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng với cách mà dư luận đang phản ứng thì có thể thấy người dân đang rất coi trọng môn lịch sử, coi trọng việc giáo dục truyền thống lịch sử đối với con, cháu của chính mình, những thế hệ tương lai của đất nước.
Điểm tích cực thứ hai mà chúng ta nhìn thấy chính là việc dư luận phản ứng mạnh mẽ như thế thì sẽ khiến cho Bộ GD&ĐT phải có sự đánh giá, rà soát lại chương trình giáo dục phổ thông xem còn những vấn đề nào, hay nội dung nào cần điều chỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Vậy là trong sự buồn lo, chúng ta đã thấy những điểm sáng, những điều tích cực./.
Ngọc Hân