Việt Nam không “chọn bên” mà chọn lẽ phải!

Bác Hồ chỉ dạy mục đích của công tác ngoại giao là “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”; Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Cán bộ ngoại giao phải có trình độ và bản lĩnh: phải “nhìn cho rộng suy cho kỹ”, vừa phải biết mình, biết người, vừa phải biết thời, biết thế, biết dừng (giữ vững nguyên tắc) nhưng cũng biết biến (ứng vạn biến),…

 

Trên nền tảng đó, Đại hội XIII khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. Ngày 15/12/2021, phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu phương châm cho ngành ngoại giao là: Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển. Đồng chí còn nói: “Tôi nghĩ đơn giản: Tình cảm vì ai cũng có tình cảm, mình phải đánh sâu cái này. Thứ hai, chân thành, tức là mình nói cái gì cũng từ tấm lòng. Tin cậy vì mình có tin người ta người ta mới tin mình. Bình đẳng là đối với các nước như nhau, chứ không thể với nước lớn mình khúm núm, nước bé mình lại trịch thượng…”. Thủ tướng cũng đề nghị đổi mới tư duy triển khai công tác ngoại giao trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần “cương quyết, kiên định, nhưng cũng linh hoạt, thích ứng và hiệu quả”.

Từ phương châm này, cần kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Phải khẳng định đường lối này để bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam, hiểu rõ hơn đường lối và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải, xu hướng thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Trong quan hệ quốc tế, từ trước đến nay Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.

Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thời tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Gần đây nhất, Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tiếp tục làm rõ lập trường của nước ta, Đại sứ cho rằng: Hơn 70 năm trước, những nhà sáng lập Liên hợp quốc đã gửi gắm trong Hiến chương bao hy vọng và khát vọng mong thế hệ tương lai tránh được hiểm họa chiến tranh. Họ đã đưa vào Hiến chương các nguyên tắc cơ bản, nay đã trở thành nền tảng cho luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, những hành động không phù hợp với những nguyên tắc này vẫn tiếp tục diễn ra, đe dọa nghiêm trọng hòa bình quốc tế, cũng như an ninh và phát triển của các quốc gia và người dân. Những hành động đó thách thức ngay cả tính thời sự và hợp pháp của Liên hợp quốc.

Đại sứ nhấn mạnh: Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm. Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.

Do đó, Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác đã ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 26/2. Điều cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Nhưng những phần tử chống đối đã chỉ trích: “Kẻ yếu, viện cớ trung lập để yên thân, đến mức thấy kẻ mạnh xâm lược không dám lên án, thấy kẻ mạnh cướp bóc không dám hô hoán,… Kẻ yếu, sợ kẻ mạnh mà ‘khôn khéo’ im lặng để kẻ mạnh ức hiếp người yếu, thì khi ngồi ghế quan tòa sẽ bẻ cong công lý mà xử lợi cho người thân, xử lợi cho người phải chịu ơn, xử lợi cho kẻ có quyền, có tiền…”.

Không! Không phải như họ nói. Việt Nam không “chọn bên” mà chọn lẽ phải!

Trung Thành


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng