Xuyên tạc chính sách dân tộc trong vấn đề người Campuchia gốc Việt
(TUAG)- Theo số liệu thống kê từ Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, hiện có khoảng 1.300 hộ gia đình Campuchia gốc Việt với hơn 11.000 nhân khẩu đang sống trên các thuyền, bè chủ yếu dọc theo sông MeKong, sông Tonle Sap và sông Tonle Bassac (Phnom Penh); mưu sinh chủ yếu bằng nghề nuôi cá trên bè, kinh doanh nhỏ lẻ và lao động phổ thông.
Đa số hộ gia đình gốc Việt đã sống lâu đời tại đây, nhiều người được cấp thẻ ngoại kiều để cư trú và sinh sống hợp pháp tại Campuchia. Gần đây, chính quyền thủ đô Pnôm Pênh tổ chức sắp xếp, di dời các hộ dân, tuy nhiên việc làm gấp gáp trên đã ảnh hưởng đến sinh kế, khiến cho nhiều hộ dân gặp không ít khó khăn... Thế nhưng thời gian gần đây, lợi dụng sự việc trên, một số trang phản động ở hải ngoại hùa nhau lên tiếng xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam đối với vấn đề này.
Cụ thể, Trang Đài Á Châu Tự do (RFA) đã có loạt bài 3 kỳ xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam đối với vấn đề người Việt tại Campuchia: "Người gốc việt ở Cambodia - không chốn dung thân"; "Người gốc Việt ở Cambodia – Phnom Penh muốn đuổi, Hà Nội không muốn nhận"… với nội dung ám chỉ Đảng, Nhà nước ta không quan tâm, bỏ rơi người Việt tại Campuchia.
Đây rõ ràng là luận điệu sai trái! Với chiêu trò đánh tráo khái niệm nhằm kích động dư luận.
Thứ nhất, phải khẳng định lại luận điệu cho rằng người Việt xa xứ đang bị bỏ rơi tại Campuchia của những bài viết kia là sai hoàn toàn, bởi hầu hết các hộ gia đình gốc Việt đang sống trên các thuyền, bè chủ yếu dọc theo sông MeKong, sông Tonle Sap và sông Tonle Bassac là người Campuchia gốc Việt đã sinh sống lâu đời, cư trú và sinh sống hợp pháp tại Campuchia. Về nguyên tắc, chính quyền bên phía Campuchia sẽ phải có trách nhiệm đối với các hộ dân của họ cũng giống như Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm chăm lo cho cộng đồng người Việt gốc Khmer, gốc Hoa… vậy.
Thứ hai, Việt Nam có bàng quang trước sự việc này hay không?
Câu trả lời khẳng định là không. Cụ thể: Ngày 4/6, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên bà con gốc Việt tại khu vực bị di dời. Chiều 10/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam rất quan tâm đến thông tin này".
Trong cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm, giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia; đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia trong quá trình triển khai các chính sách, biện pháp về kinh tế - xã hội cần lưu ý có lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi và an sinh của người gốc Việt, tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu.
Phía Campuchia đã ghi nhận các ý kiến của Việt Nam, khẳng định Chính phủ Campuchia đã có những giải pháp cụ thể cho vấn đề, đồng thời sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người gốc Việt sinh sống ổn định tại Campuchia.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia thông qua Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia chia sẻ, giúp đỡ các hộ dân, tuyên truyền vận động các hộ dân phối hợp chính quyền sở tại chuyển đến nơi ở mới theo chủ trương của Chính phủ Campuchia…
Những vấn đề trên đây là minh chứng rõ nét, đập thẳng vào các luận điệu vô căn cứ của một số kẻ không từ bất kỳ thủ đoạn nào nhằm kích động, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước Việt Nam./.
Sự Thật
Nguồn: Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh An Giang