Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên

Việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên, nhi đồng hiện nay là việc làm cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn nhằm chăm lo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên vừa “hồng”, vừa “chuyên” cho cách mạng đời sau.

 

Đoàn viên, thanh niên tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Mục tiêu của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên, nhi đồng là tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao. Từ đó, khơi dậy trong thanh, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là chương trình). An Giang đề ra chỉ tiêu hàng năm, phấn đấu 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và ít nhất 75% tổng số thanh niên Việt Nam còn lại ở trong tỉnh được tham gia vào các hoạt động do cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; phấn đấu giới thiệu trên 4.000 đoàn viên ưu tú cho Đảng. Đến năm 2025, có 1.500 đoàn viên và đến năm 2030 có 2.500 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng.

Cùng với đó là khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, học sinh, sinh viên, với các chỉ tiêu: Hàng năm, phấn đấu 100% thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% thanh niên, học sinh, sinh viên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, 25% công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì, 20% thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học - công nghệ; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 30%, 30% và 25% các chỉ tiêu tương ứng.

Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp, như: Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Theo đó, cần vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học. Tổ chức hiệu quả tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên, các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội; diễn đàn, câu lạc bộ sở thích, tài năng, các phong trào thi đua trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của chương trình là tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hóa ứng xử cho thanh, thiếu niên, nhi đồng…

Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng là vấn đề có tính chiến lược, cần được thực hiện liên tục, xuyên suốt từ gia đình, nhà trường đến tất cả các bộ, ngành, đoàn thể, cộng đồng, xã hội. 

Phương Lan


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng