Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2022): NGƯỜI CỘNG SẢN LỚP ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG
Cuộc đời cách mạng gần 70 năm của đồng chí Lê Văn Lương là tấm gương sáng về sự mẫu mực, bản lĩnh, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Với những cống hiến lớn lao, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Vượt sóng gió - vững vàng, kiên trung.
Vợ chồng đồng chí Lê Văn Lương. Ảnh tư liệu gia đình.
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ra trong một gia đình Nho học, khoa bảng tại xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Công Miều cùng những người anh em, họ hàng như: Tô Hiệu, Lê Giản, Tô Chấn (sau này đều là những nhà cách mạng nổi tiếng)... sớm có điều kiện tiếp cận với những tư tưởng mới. Năm 1925, tốt nghiệp tiểu học ở quê nhà, Nguyễn Công Miều vào học bậc tú tài ở Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Năm 1927, 15 tuổi, Nguyễn Công Miều tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ đây, ông tích cực hoạt động và cống hiến, đóng góp cho cách mạng.
Vào Đảng khi đang học ở Trường Bưởi, sau đó với tên mới là Lê Văn Lương, đồng chí vào Sài Gòn vô sản hóa cùng đồng chí Ngô Gia Tự, hoạt động trong phong trào công nhân và tham gia lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Đồng chí bị kẻ thù kết án tử hình, nhưng do không đủ chứng cứ, chúng phải giảm xuống chung thân và đày ra Côn Đảo. Bị giam cầm trong nhà lao đế quốc, chịu đủ mọi cực hình tra tấn, nhưng đồng chí vẫn tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, cùng các đảng viên lãnh đạo đấu tranh chống lại kẻ thù. Kể lại những năm tháng ấy, đồng chí đã viết trong hồi ký: “Chúng tôi ra Côn Đảo, thoát âm ti dưới đất, lại sa vào âm ti trần gian. Mười một năm, anh Hùng (đồng chí Phạm Hùng-PV) và tôi chung banh, chung còng, chung xiềng. Lại đấu tranh, lại hoạt động...”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí cùng 2.000 người tù khác được Chính phủ ta đưa tàu ra đón về Nam Bộ và được sắp xếp vào đội ngũ lãnh đạo kháng chiến khi cách mạng bước vào cuộc chiến đấu mới. Sau khi đánh bại cuộc tập kích chiến lược của quân Pháp lên Chiến khu Việt Bắc cuối năm 1947, để kiện toàn bộ máy của Trung ương, đồng chí Lê Văn Lương được bầu bổ sung làm Ủy viên Trung ương dự khuyết và chỉ định làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Trong bài viết gửi gia đình đồng chí Lê Văn Lương nhân tưởng niệm 5 năm ngày mất của ông, đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng kể: “Chánh văn phòng Lê Văn Lương là người tổng quản lý nhiều việc, sắp xếp và xây dựng nền nếp, bảo đảm sự vận hành có hiệu quả công việc của Đảng, giữ vững sự liên hệ giữa Trung ương với các khu ủy, tỉnh ủy. Mỗi lần chuẩn bị một chiến dịch lớn, bộ máy của Trung ương phải di chuyển đến một khu an toàn mới đều do anh một tay thu xếp. Cuối năm 1948, anh được chỉ đạo thay Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Đảng vụ. Ngoài công tác bình thường của ban này, anh vẫn phải giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo nhiều công việc chung, chuẩn bị về mặt tổ chức Đại hội Đảng lần thứ hai, soạn thảo điều lệ mới, lập danh sách những người sẽ ứng cử vào Ban Chấp hành mới... Chúng tôi rất khâm phục sự liêm khiết và sức làm việc quên mình của anh”.
Tại Đại hội Đảng lần thứ hai, đồng chí Lê Văn Lương được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách Ban Tổ chức và chỉ đạo Văn phòng Trung ương, làm công việc thường trực hằng ngày của Trung ương bên cạnh Bác Hồ. Năm 1954, đồng chí được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cùng làm việc với cụ Phan Kế Toại, ông đã tranh thủ được sự tin cậy và sự hợp tác nhiệt thành của người nổi tiếng “kỹ tính” này...
Năm 1956, khi công tác cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức của ta bộc lộ một số bất cập và cả sai lầm, đồng chí Lê Văn Lương bị rút khỏi Bộ Chính trị và Ban Bí thư, xuống làm Ủy viên Trung ương dự khuyết, bị miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban Tổ chức Trung ương, về làm Bí thư Khu ủy Tả ngạn. Trước biến cố này, đồng chí có thái độ rất đúng đắn. Ông thấy rõ phần trách nhiệm của mình và vui vẻ làm tròn công tác mới với tâm thế vững vàng của người chiến sĩ cộng sản, tiếp tục tu dưỡng, phấn đấu. Tại Đại hội Đảng lần thứ ba, đồng chí Lê Văn Lương lại được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, điều hành công việc hằng ngày của Ban Bí thư bên cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn. Năm 1968, khi đồng chí Lê Đức Thọ đi Paris, ông lại chuyển sang làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Tiếp đó, tại Đại hội IV, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tại Đại hội V, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy Hà Nội... Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, hiện vẫn sống cạnh gia đình đồng chí Lê Văn Lương ở phố Đội Cấn (Hà Nội) nhận xét: “Tưởng rằng có thể phải bỏ xương ở hòn đảo hoang vu hay khó có cơ hội cống hiến khi phải chịu án kỷ luật, thế mà người cộng sản Lê Văn Lương vẫn tồn tại và hoạt động hơn 60 năm vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Lúc rỗi rãi, tôi thường được anh kể chuyện tâm tình về thuở gian truân. Những đức tính vốn có của anh được giữ vững trước sau như một. Anh được mọi người, trong đó có tôi vô cùng quý mến!”.
“Nói đến đồng chí Lê Văn Lương, ngoài vấn đề công tác trên nhiều trọng trách mà Đảng đã giao phó, cần nhấn mạnh đến con người, đến đạo đức cách mạng, chí công vô tư, đến lối sống khiêm tốn trong sáng, giản dị, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng của một người cộng sản mẫu mực” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“Lương - Thuận đoàn kết chặt chẽ”.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu và tìm gặp các lão thành cách mạng, những cộng sự cũng như người thân trong gia đình đồng chí Lê Văn Lương. Tất cả đều có chung đánh giá, ông là người cộng sản mẫu mực lớp đầu của Đảng, khiêm tốn và gần gũi. Đặc biệt, chúng tôi từng nhiều lần được gặp Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận (1922-2018), nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an)-phu nhân của đồng chí Lê Văn Lương và được nghe kể nhiều kỷ niệm, trong đó có mối nhân duyên “thầy trò” của hai người.
Số là giữa năm 1947, Trung ương mở lớp đào tạo cán bộ khóa 5 tại Trường Văn Lãng ở chân đèo Khế (Thái Nguyên). Bà Thuận là học viên, còn giáo viên là đồng chí Lê Văn Lương. Với dáng người cao gầy, nước da trắng, lúc nào cũng mặc bộ quần áo nâu, ông đến lớp là giảng bài, giảng xong là về, không hề trò chuyện với nữ học viên. Bài giảng đã khô khan, giảng viên lại ít nói và hầu như không giao lưu nên thầy trò không mấy thân thiết. Vậy mà sau một tháng học tập, không hiểu sao hai người lại được bạn bè ghép đôi “Tờ, Lờ” và hết sức vun vén. Bà Thuận kể: “Một buổi chiều, trên căn nhà sàn của đồng bào dân tộc ngay cạnh trường, anh Lê Đức Thọ gọi tôi lên nói chuyện. Anh khen anh Lương về nhiều mặt và tỏ ý muốn giới thiệu cho tôi. Chúng tôi chưa ai có người yêu, nhưng đều chưa muốn lập gia đình, để dành thời gian cho công tác. Nghe tôi bày tỏ, anh Thọ phê phán là thiếu thực tế. “Anh chỉ muốn những đồng chí tốt gặp được nhau”-câu nói này của anh Thọ đã làm tôi phải suy nghĩ. Bế giảng lớp học, trước lúc chia tay, chúng tôi gặp nhau nói chuyện tại “quán ông già”. Toàn những chuyện chẳng đâu vào đâu. Khi ra về, anh hỏi địa chỉ để viết thư nhưng tôi từ chối vì e ngại các chị ở cơ quan trêu đùa. Sau này, anh Thọ biết đã trách tôi và tự cho anh Lương địa chỉ viết thư cho tôi. Ngẫm lại, anh Thọ chính là ông tơ xe duyên cho chúng tôi”.
Khi đồng chí Lê Văn Lương ở lại An toàn khu Định Hóa còn bà Thuận về cơ quan phụ nữ khu Việt Bắc thì những lá thư chính là cầu nối để hai người dần cảm mến nhau. Thư ông viết cho bà luôn là những lời lẽ chân tình, khiêm tốn, không bay bướm. Thư nào cũng kết bằng “mong thư em” vì sợ bà không viết thư trả lời...
Một thời gian ngắn sau đó, bà Thuận về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ phụ trách, còn đồng chí Lê Văn Lương ở Văn phòng Trung ương. Hai cơ quan lúc đó vẫn ở nhà dân cách nhau một thửa ruộng và một ngọn đồi thấp. Chiều chiều, ông hay sang trao đổi, nói chuyện với đồng chí Lê Đức Thọ. Từ đây, sau những lá thư, họ có điều kiện gặp và hiểu nhau hơn, trọng rồi tin, yêu nhau trong tình đồng chí lẫn tình yêu đôi lứa. Bà Thuận kể: “Ngày 28-3-1948, chúng tôi thành hôn. Bác Tôn Đức Thắng làm chủ hôn. Bác Hồ gửi đến một mảnh giấy nhỏ ghi “Chúc Lương-Thuận đoàn kết chặt chẽ”. Anh Trường Chinh, anh Lê Đức Thọ và anh Hoàng Quốc Việt cũng dự. Còn có cả các anh trong cơ quan. Anh Lương vẫn mặc bộ quần áo nâu. Tôi còn giữ được cái áo dài lanh nâu để mặc. Bác Tôn phát biểu công nhận chúng tôi thành hôn. Anh Vũ Năng An chụp cho chúng tôi mấy bức ảnh kỷ niệm. Gần nửa thế kỷ sống bên nhau qua các giai đoạn lịch sử cách mạng cho đến khi anh về cõi vĩnh hằng ngày 25-4-1995, chúng tôi đã luôn bên nhau, cùng cống hiến cho đất nước”.
BÍCH TRANG - Báo QĐND