Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Tôn Đức Thắng lúc còn trẻ được gọi là Hai Thắng, sinh ngày 20/8/1888 tại cù lao ông Hổ, làng An Hòa, tổng An Phú, hạt Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), Khi sinh ra đất nước đã là thuộc địa, quá trình trưởng thành của Hai Thắng đúng vào lúc thực dân thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (1897-1914). Do đó, Hai Thắng chứng kiến được hết nổi cơ cực, lầm than, bị áp bức của người dân mất nước.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ghi cảm tưởng tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Người thầy đầu tiên của Hai Thắng là thầy Năm Khách. Thấy Hai Thắng là một đứa trẻ có tư chất khác thường, thông minh, thương người, nên được thầy Năm Khách đã quan tâm giáo dục đạo làm người, những tấm gương anh hùng chống Pháp, những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ đó, đạo đức truyền thống của dân tộc được hình thành trong tâm hồn Hai Thắng. Sau đó Hai Thắng đi học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp ở trường tiểu học Long Xuyên. Năm 1906, Hai Thắng học xong tiểu học. Đầu năm 1907, Hai Thắng lên Sài Gòn, bắt đầu từ người thợ, trở thành người cộng sản, được rèn luyện trong nhà tù Côn Đảo, trải qua nhiều chức vụ, nhiều năm sống gần gũi với chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời 92 năm của chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại cho chúng ta một nhân cách tuyệt vời, tấm gương đạo đức trong sáng cần nghiên cứu và học tập.
Bác Tôn sớm có lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.
Được thầy Năm Khách thương yêu, giáo dục, lòng yêu nước, thương dân đã sớm hình thành trong nhân cách của Hai Thắng, ngày càng sâu đậm, chính chắn. Từ đó, Tôn Đức Thắng có chí hướng nghiêng về phía nhân dân lao động, lập nghiệp bằng con đường người thợ. Cuộc sống người thợ, sự năng động trong tư duy, nhạy cảm nắm bắt cái mới là nét nổi bật trong tính cách Tôn Đức Thắng. Tôn Đức Thắng sớm tham gia các cuộc bãi công, bãi khóa của công nhân Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ. Trước cuộc sống bất công, Tôn Đức Thắng luôn đứng mũi chịu sào, dũng cảm, kiên cường, không khoan nhượng chống lại mọi sự áp bức, cường quyền.
Thời gian bị đọa đày trong địa ngục trần gian Côn Đảo, Tôn Đức Thắng đã tỏ rõ nghị lực phi thường, chí khí quật cường của người công nhân, bản lĩnh của một chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, làm tất cả mọi việc có lợi cho Đảng, cho cách mạng, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, vì nước gác tình nhà, Tôn Đức Thắng tham gia ngay vào cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc. Ở những cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, mặc dù tuổi cao, Bác Tôn đã phấn đấu không mệt mỏi góp phần cùng với Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội và Mặt trận dân tộc thống nhất đưa hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi vẻ vang.
Căn nhà sàn thời niên thiếu Bác Tôn ở.
Phấn đấu vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân, luôn yêu thương, kính trọng Nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ
Từ những cuộc đấu tranh đầu tiên Tôn Đức Thắng đã hiểu rõ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh, "Sức mạnh của cách mạng, của Đảng là ở chỗ có tổ chức, có đoàn kết nhất trí". Cuộc đấu tranh trên Biển Đen (4/1919); cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (8/1925), Tôn Đức Thắng trực tiếp tham gia hoặc lãnh đạo giành thắng lợi đều khẳng định chân lý đó.
Trong ngục tù đế quốc, bằng đức độ và uy tín của mình, Tôn Đức Thắng đã đoàn kết được tù nhân, lãnh đạo anh em đấu tranh giành thắng lợi ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất.
Những ngày đầu sau cách mạng Tháng 8 thành công, Bác Tôn đã góp phần quan trọng vào việc đoàn kết tất cả các đảng phái và các đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, để làm cho nước Việt Nam "độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường"; tham gia thành lập Hội Liên Việt (6/1946), tiến tới Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt (3/1951).
Đặt mục tiêu "giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho Nhân dân, hòa bình cho thế giới", Tôn Đức Thắng đã quy tụ được cả một "rừng cây đại đoàn kết". Cống hiến của Tôn Đức Thắng là đã làm rõ được "đại doàn kết là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến". Vì vậy, những mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp đều được giải quyết hợp lý. Tôn Đức Thắng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của đông đảo quần chúng lao động vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất, là lực lượng chủ yếu của kháng chiến. Vừa đoàn kết vừa đấu tranh vì thống nhất, độc lập, dân chủ, không phải "dĩ hòa vi quí".
Bí thư Thành ủy Long Xuyên Trần Thị Thanh Hương dâng hương Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngày 20/8/2015).
Một gương mẫu đạo đức cách mạng: Nhân ái, thủy chung, khoan dung, nhân hậu; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; khiêm tốn, giản dị; sống khí phách, hiên ngang, chí nghĩa, chí tình
Khi còn ở tuổi thanh niên, Tôn Đức Thắng đã sớm bộc lộ lòng yêu thương những con người bất hạnh, cùng khổ, thích bênh vực người yếu, chống sự bất công, kể cả việc ra tay trị những kẻ ỷ thế ăn hiếp người khác. Hai Thắng dám bênh cả những bạn bị đốc học người Pháp phạt không căn cứ. Tình thương người đó được mở rộng và nâng lên cùng nhận thức trong quá trình hoạt động thực tiễn.
Lúc ở nhà tù Côn Đảo, bọn quản lý nhà tù phân Tôn Đức Thắng làm "cặp rằng Hầm xay lúa" nhằm mượn tay tù thường phạm (những kẻ lưu manh mạt hạng) giết chết người cặp rằng. Bằng khí phách hiên ngang, lối sống chí nghĩa chí tình, Bác Tôn đã cảm hóa được mọi tù nhân, kể cả những tù thường phạm và kẻ thù Quốc Dân Đảng - đối thủ chính trị trong nhà tù.
Hình ảnh "cặp rằng Hầm xay lúa" Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, thương yêu những anh em cùng cảnh ngộ. Bằng trái tim nhân ái, Bác Tôn kiên trì giáo dục, giác ngộ, đoàn kết tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm. Không khí thương yêu, đoàn kết lẫn nhau đã thay thế bạo lực, thù hằn.
Khi là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch nước, Bác Tôn vẫn luôn giữ lối sống và nếp sống giản dị, nhân ái, thủy chung, tình nghĩa, như là một lẽ tự nhiên, như việc Bác đã mua nệm mút tặng một cựu tù Côn Đảo già yếu vào mùa đông giá rét; trích tiền lương giúp đỡ gia đình một cố bộ trưởng nuôi 2 người con ăn học đến ra trường...
Đối với gia đình, vợ con, Bác Tôn là người chồng, người cha có trách nhiệm, rất mực yêu thương và thủy chung. Bác gái tâm sự: "Tôi với ông gặp nhau mấy mươi năm, nhưng gần nhau có được bao nhiêu ngày. Ông đi như con chim bay không biết mỏi. Tôi với ông như sao Hôm chờ đợi sao Mai. Gặp nhau là lúc ông ở tù, tôi đi thăm. Ra tù nói chuyện với nhau giây lát, nhiều lắm đôi ba ngày, ông lại đi lo việc đại sự quốc gia. Tưởng đâu ông ít nghĩ đến tôi. Đâu phải vậy, càng xa nhau ông càng thương càng nghĩ đến tôi, đậm đà, đằm thắm như tuổi trẻ đầu xanh". Thật xúc động biết bao khi thấy một vị Chủ tịch nước 80 tuổi, ôm hôn vợ thắm thiết như đôi lứa còn xuân xanh, khi Bác Tôn vào thăm bác gái bệnh nằm ở Quân y viện. Một lần nữa chúng ta thấy tình cảm của Bác Tôn đối với gia đình thật là đậm đà, sâu sắc.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước cùng đoàn công tác trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả
Tôn Đức Thắng luôn phấn đấu vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Tham gia cuộc phản chiến của hải quân Pháp ở Biển Đen, là người kéo cờ đỏ trên chiến hạm France chống lại sự can thiệp vũ trang của đế quốc, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, đó là một biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế, đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga. Bác Tôn viết: "Tôi tin rằng, bất cứ một người Việt Nam yêu nước nào, đặc biệt là công nhân, có mặt trong giờ phút lịch sử đó trên Biển Đen cũng đều hành động như tôi. Bởi vì, yêu Tổ quốc, căm thù đế quốc, thì trước hết có nghĩa là phải yêu mến cách mạng Tháng Mười và căm thù kẻ nào chống lại cuộc cách mạng ấy".
Cuộc bãi công của công nhân Ba Son (8/1925) do Tôn Đức Thắng lãnh đạo, mở đầu cuộc đấu tranh từ tự phát sang tự giác của giai cấp công nhân Việt Nam, đánh dấu tinh thần đoàn kết quốc tế của công nhân Việt Nam với công nhân và cách mạng Trung Quốc.
Trên đây là khắc họa những nét chính tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người con ưu tú của đất An Giang, lão đồng chí thân thiết, gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại của dân tộc ta, rồi nối tiếp Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Bác Tôn để lại di sản quí báu cho dân tộc, đó là "Tấm gương đạo đức trong sáng, vĩ đại mà dân tộc ta vô cùng trân quí và học tập"./.
ĐẶNG HOÀI DŨNG - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh
Nguồn: Trang TTĐT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang