An Giang-Lan tỏa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Kỳ 4: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, xem đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ đường lối, Cương lĩnh lãnh đạo của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân thăm, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ phòng chống dịch COVID-19 nơi tuyến đầu biên giới.
Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tuyến biên giới.
Nằm ở phía Tây Nam của đất nước, An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, sông ngòi chằng chịt; có đường biên giới giáp 2 tỉnh Tàkeo, Kandal của Campuchia dài gần 100 km; có 4 dân tộc chính là Kinh, Hoa, Chăm, Khmer và một số các dân tộc thiểu số khác; là vùng đất đa tôn giáo, tín ngưỡng với 9 tôn giáo được công nhận: Phật giáo Việt Nam (Bắc tông và Nam tông Khmer), Phật giáo Hòa hảo, Cao đài (4 hệ phái: Cao đài Tây Ninh, Cao đài Ban Chỉnh đạo, Cao đài Tiên thiên, Cao đài Chơn lý), Công giáo, Hồi giáo, Tin lành, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân Hiếu nghĩa và Bửu sơn Kỳ hương, trong đó có 3 tôn giáo nội sinh: Phật giáo Hòa hảo, Tứ ân Hiếu nghĩa và Bửu sơn Kỳ hương. Ngoài ra, còn có nhiều tín ngưỡng dân gian gắn liền với lịch sử khai phá, hình thành và phát triển. Có thể thấy đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nhiều tiềm năng phát triển bởi sự hội tụ và giao thoa đa dạng về địa lý, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, vì vậy An Giang cũng là địa bàn quốc phòng chiến lược, đồng thời cũng là địa bàn đấu tranh quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Khi Đảng và nhà nước ta chủ động đấu tranh chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội, các thế lực thù địch, phản động, thành phần bất mãn, cơ hội chính trị bằng mọi thủ đoạn đã xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong thời gian gần đây, nhất là khi các địa phương trong cả nước, trong đó có An Giang tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh tiến tới Đại hội XIII của Đảng; các thế lực thù địch đã đẩy mạnh tuyên truyền chống phá, chúng tăng cường xuất bản, tán phát các loại ấn phẩm, tài liệu của nghị viện, quốc hội một số nước phương Tây, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các loại sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi… của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước; các trang web, blog… Chúng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân bất mãn, phản động trong và ngoài nước để xuyên tạc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ta. Qua đó, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với những thành tựu của đất nước, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân biểu tình, gây mất an ninh, trật tự, những thông tin này thường lây lan nhanh, gây ra những tác động xấu trong xã hội.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Bí thư ban hành Kế hoạch số 14-KH/TW thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 90-KH/TU nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh.
Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu việc triển khai, quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW để nâng cao ý thức trách nhiệm, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trở thành công việc tự giác, thường xuyên của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, trong đó lực lượng tuyên giáo, truyền thông, báo chí đóng vai trò nòng cốt; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo 35 tỉnh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan thường trực), Tổ Thư ký giúp việc, thành lập Nhóm Chuyên gia “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” (nhóm Chuyên gia 35 tỉnh), gồm các thành viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, nhạy bén trong việc nắm bắt, tổng hợp tình tình, xử lý các nguồn thông tin và viết tin, bài tuyên truyền, đấu tranh phản bác.
Cụ thể hóa các giải pháp trong Kế hoạch số 90-KH/TU, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn và phát hành sổ tay tuyên truyền chống “diễn biến hòa bình” phát hành tới chi bộ; xây dựng các trang trên Facebook với gần 6.000 thành viên; phối hợp các đơn vị xây dựng và cung cấp tài liệu chính thống, nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong Chuyên mục “Sinh hoạt tư tưởng”, “Hiểu đúng”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng” trên Báo An Giang, Đài Phát thanh- Truyền hình An Giang, Bản tin Thông tin công tác tư tưởng, Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo An Giang và Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh để giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng các vấn đề thời sự, thời cuộc.
Bên cạnh đó, các Huyện, Thị, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW và Kế hoạch số 90-KH/TU, thành lập Ban Chỉ đạo 35 cấp huyện, các tổ, nhóm, lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chỉ đạo Đài truyền thanh, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị thường xuyên đăng tải hàng trăm bài viết, chia sẻ hàng ngàn lượt tin, bài, thông tin chính thống của Trung ương, của tỉnh để tạo sự lan tỏa. Kết quả thực hiện đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đại dịch COVID-19, nơi tuyến đầu biên giới, xuất hiện nhiều gương điển hình tích cực bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và nền tảng tư tưởng của Đảng. Như Thiếu tá Lê Ngọc Tuấn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang. Trên cương vị Phó Đồn trưởng Quân sự, đã tổ chức cho đơn vị và trực tiếp tham gia tuần tra bảo vệ biên giới được 648 lượt, tuần tra địa bàn được 96 lượt; thường xuyên tổ chức huấn luyện quân sự cho cán bộ chiến sĩ đơn vị. Tham gia bắt 153 vụ buôn lậu, gian lận thương mại tổng giá trị hàng hóa khoảng 1,2 tỷ đồng; bắt 1 vụ/1 đối tượng mua bán người, giải cứu 2 nạn nhân người Campuchia; bắt 1 vụ, khởi tố 2 đối tượng vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới với số tiền 20.000 USD; bắt 4 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, khởi tố 7 đối tượng, với tang vật là 42,86 kg ma túy các loại. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, luôn chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp mang lại hiệu quả cao: Tham gia phát hiện, ngăn chặn và xử lý 128 vụ/219 người xuất nhập cảnh trái phép qua đường mòn, đưa đi cách ly tập trung 1.538 người từ Campuchia vào Việt Nam; đẩy đuổi về lại Campuchia 72 người, đẩy đuổi ra khỏi khu vực biên giới 13 người.
Còn có những người dân như ông Võ Văn Sáng (Tư Sang), Đội trưởng Đội thi công cầu tự nguyện xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn tự nhận thức việc làm đường, xây cầu là trách nhiệm của người công dân đối với đất nước. Chính vì bản thân nhận thức được trách nhiệm của dân là cùng chung tay cùng chính quyền xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng nông thôn mới, những năm 80, chú đã bắt đầu gắn bó với những công việc từ thiện như: cất nhà Tình thương, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, xe chuyển bệnh miễn phí, giúp đỡ học sinh nghèo… và cất cầu. Ban đầu chỉ là những cây cầu ván, thời gian sau thì nâng cấp lên cất cầu sắt, đến năm 2006, chú bắt đầu chuyển sang cất cầu bê-tông cốt thép. Không chỉ bỏ công sức xây cất, chú Tư Sang còn dành nhiều thời gian cho việc vận động các nhà hảo tâm để có thêm kinh phí xây dựng cầu cho các địa phương. Xuất phát từ việc làm ý nghĩa, nhân văn của chú Tư Sang mà nhiều người đã nguyện tham gia đi theo để cất cầu từ thiện. Vậy là ra đời “Đội thi công cầu tự nguyện” xã Vĩnh Trạch với gần 40 thành viên. Tất cả các cây cầu được đội chú Tư Sang xây dựng đều tiết kiệm được gần 50% chi phí, từ việc tự thiết kế bản vẽ, đứng ra và huy động nhân lực thi công không tốn phí. Chú Tư Sang chia sẻ: “Đất nước hòa bình, độc lập, tự do, mình là công dân thì phải góp phần xây quê hương, đất nước, mang lại sự bình an, phấn khởi cho bà con nhân dân, đó là lời Bác Hồ dạy”. Với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của chú Tư Sang và các thành viên, đã được UBND tỉnh tặng thưởng nhiều bằng khen và Ban Dân vận Trung ương tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận”… vì có thành tích trong vận động, đóng góp kinh phí nhiều tỷ đồng để xây hàng chục xây cầu nông thôn… tại các xã khó khăn, vùng sâu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
“Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng An Giang đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả thiết thực. Nổi bật nhất trong công tác phòng, chống các loại tội phạm; thực hiện công tác vận động quần chúng.
Bộ đội Biên phòng An Giang thực hiện tốt phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia, Bộ đội Biên phòng An Giang đã thực hiện đồng bộ các mặt công tác biên phòng, tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành tham gia xây dựng biên phòng toàn dân vững mạnh; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh và phát triển bền vững.
Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cụ thể hóa, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã, phường, thị trấn biên giới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn thể nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh và trên địa bàn biên giới nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương và đơn vị; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” trong thế trận “Quốc phòng toàn dân” gắn với thế trận “An ninh nhân dân” vững mạnh.
Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết: "Giải pháp then chốt đó là xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, hệ thống chính trị cơ sở. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới và giữa các Chi, Đảng bộ các Đồn Biên phòng với Đảng ủy 18 xã, phường, thị trấn biên giới. Triển khai phân công giao nhiệm vụ cho 73 đảng viên ở các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 73/73 Chi bộ khóm, ấp biên giới. Triển khai cán bộ tăng cường cho các xã khó khăn khu vực biên giới, thường xuyên bám, nắm tình hình địa bàn. Quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị của trung ương, tỉnh đã hình thành nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, được nhân rộng trên khu vực biên giới, như: “Tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự khóm, ấp”, “Kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới”...”. Hiện nay, có 5/15 cặp cụm dân cư kết nghĩa giữa các khóm, ấp của Việt Nam với các phum, sóc của Campuchia và 11 Đồn Biên phòng tuyến biên giới ký kết nghĩa với lực lượng Bộ đội Biên phòng Campuchia đối diện. Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy trì được 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và 855/855 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới. Các Đồn Biên phòng đã tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố xây dựng 554 lượt chi bộ khóm (ấp), 820 lượt Tổ an ninh nhân dân, 470 lượt Tổ tự quản đường biên, cột mốc... đảm bảo hoạt động thường xuyên, có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, nhà nước, an tâm lao động sản xuất, gắn bó với biên giới, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phát triển khu vực biên giới.
Tỉnh đã nỗ lực hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới tỉnh An Giang hơn 80%. Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi trong quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà còn là điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết bền vững giữa tỉnh An Giang (Việt Nam) với 2 tỉnh Tà Keo, Kan Dal, Vương quốc Campuchia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh còn chủ động phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân giới cắm mốc một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới; vận động các hộ dân có đất sản xuất sát biên giới tạo điều kiện cho việc phân giới cắm mốc. Đơn vị duy trì được 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và 855/855 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới…
Trong thời điểm dịch bệnh VOVID-19, Đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết: “Những ngày này, biên giới An Giang thực sự bước vào “cuộc chiến không giới tuyến” với “kẻ địch vô hình” là “giặc dịch”. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng An Giang đã xây dựng kế hoạch với phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức lực lượng, tạo ra những “vành đai sống”, vững vàng dựng thành “lũy thép” ngăn ngừa “mầm bệnh” thẩm lậu qua đường biên giới”; giữ vững an ninh trật tự biên giới kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm nhập trái phép, góp phần ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ngay từ cửa ngõ biên giới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác với chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia, đặc biệt duy trì quan hệ chặt chẽ với lực lượng phân giới cắm mốc và các lực lượng vũ trang của nước bạn. Với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò của Bộ đội Biên phòng An Giang an ninh biên giới được giữ vững, công tác phối hợp giữa các lực lượng như Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Hải quan giữa ta và bạn diễn ra tốt đẹp, an ninh trật tự trên tuyến biên giới được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân 2 bên biên giới. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch hợp tác trong công tác phòng chống các loại tội phạm như buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mua bán trái phép chất ma túy, vũ khí, buôn bán người, vượt biên trái phép... Các lực lượng đứng chân trên biên giới của 2 bên duy trì tốt việc trao đổi, phối hợp tuần tra song phương, bảo vệ các mốc dấu, cột mốc đã và đang xây dựng; ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá của các phần tử xấu, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động đồng bào trong vùng dân tộc thiểu số, nhân dân vùng biên giữ vững ổn định an ninh chính trị khu vực biên giới.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU