Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sỹ quốc tế lỗi lạc !

 

Đến cuối thế kỷ XIX, cả thế giới còn trong sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Nhiều đại biểu của các dân tộc thuộc địa ra đi tìm đường cứu nước. Nhưng tìm mà không gặp! Thấy mà không biết! Bởi vàng - thau lẫn lộn, thật - giả lẫn lộn, trắng - đen lẫn lộn... Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta là Người đã tìm thấy con đường cứu nước, khai phá con đường giải phóng dân tộc.

Description: http://tuyengiaoangiang.vn/images/tintuc/TTXVN_thidua.jpg

Sau nhiều năm tháng bôn ba, Người đã đến được Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Hồ Chí Minh tổng kết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”; Người khẳng định dứt khoát: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách độc lập sáng tạo, đúng tinh thần mác-xít - tinh thần phê phán! Người nói Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng là lịch sử châu Âu, mà châu Âu chưa phải là toàn thể nhân loại. Do đó, cần “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”.

Sau khi Lênin qua đời, Quốc tế Cộng sản có nhiều lúng túng khi giải quyết vấn đề thuộc địa. Ngày 23/6/1924, phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nói: “Tôi đến đây không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, gợi ra những vấn đề và nếu cần, tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”.

Thấm dầy thực tiễn, nắm vững lý luận, Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều vấn đề mới mẻ làm cơ sở cho đường lối và phương pháp giải phóng các dân tộc bị áp bức. Người cho rằng, ở Đông Dương cũng như ở Trung Quốc và Ấn Độ... tuy có sự phân hóa giai cấp, nhưng không sâu sắc và triệt để như ở phương Tây. “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”. Do vậy, không thể áp dụng rập khuôn lý luận đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác. Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. “Giờ đây, người ta sẽ không thể làm được gì cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất trong đời sống xã hội của họ”. Đây là sáng tạo rất độc đáo của Nguyễn Ái Quốc.

Nếu như Mác bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thì Hồ Chí Minh tập trung bàn về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Mác và Lênin bàn nhiều về đấu tranh giai cấp ở các nước tư bản chủ nghĩa, Hồ Chí Minh bàn nhiều về đấu tranh giải phóng dân tộc ở thuộc địa.

Năm 1941, dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Với sự chỉ đạo đúng đắn này, chỉ mấy năm sau đó, lần đầu tiên trên thế giới, cách mạng ở thuộc địa - Cách mạng tháng Tám đã nổ ra và thắng lợi!

Nhà sử học Mỹ, William J.Duiker đã kết luận: “Hồ Chí Minh là một người tạo ra thời thế... Ông đã kết hợp được trong bản thân mình hai trong số các lực lượng thông tin của lịch sử Việt Nam hiện đại: khát vọng độc lập dân tộc và hoài bão về công bằng xã hội... cho nên ông có khả năng truyền đạt thông điệp của mình đến khắp các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của họ về một cuộc sống danh dự và tự do, thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc... bất kể lời phán xét thế nào đối với di sản của ông để lại cho dân tộc mình. Hồ Chí Minh vẫn có vị trí trên tượng đài của các vị anh hùng cách mạng đã chiến đấu ngoan cường cho những người cùng khổ trên thế giới, giúp họ nói lên được tiếng nói đích thực của mình”.

Sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đánh giá của UNESCO, là đã “để lại dấu ấn” và “góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của nhân loại”. Đối với Hồ Chí Minh, sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam không tách rời sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc trên thế giới. Thực tế đã chứng tỏ Hồ Chí Minh là một chiến sỹ quốc tế mẫu mực, thủy chung, trong sáng. Viện sỹ V.M.Xônxép (Liên bang Nga) xác nhận rằng: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng nhân loại tiến bộ sẽ nhớ mãi tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Chí Minh”. John Callow giám đốc thư viện Mác (Vương quốc Anh) khẳng định: “Hồ Chí Minh, thấm nhuần những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, đã vạch ra cho chúng ta con đường tiến lên phía trước, và như những lời trong một bài thơ cổ của Việt Nam, Người giống như “Tiếng sấm mùa Xuân”, phá tan đám sương mù cản trở bước tiến của chúng ta cũng như của toàn nhân loại đến tương lai”.

TGAG


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng