Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lực lượng Công an nhân dân hiện nay

Trước mức độ nguy hại của tình trạng tham nhũng, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, Đảng ta đã và đang nêu cao quyết tâm chính trị, hành động quyết liệt, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

Để cuộc đấu tranh hết sức cấp bách và cam go này đạt hiệu quả, trong đó có phòng, chống tham nhũng trong lực lượng công an, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa quan trọng, với phương châm “phải chống tham nhũng ngay trong chính các lực lượng chống tham nhũng”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ phải thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng. Nếu để xảy ra tham nhũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến tiền đồ của cách mạng. Trong bài Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(2).

Chống tham nhũng cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị, giống như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải có sự chuẩn bị, đề ra kế hoạch, tổ chức, phải có sự lãnh đạo sát sao và ý chí quyết tâm để chống tham nhũng. Người yêu cầu tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân phải có trách nhiệm, phải tổ chức thành phong trào sâu rộng để tẩy trừ nạn tham nhũng. Tham nhũng làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất; bộ máy nhà nước kém hiệu lực; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có nguy cơ bị vô hiệu hoá; sự lãnh đạo của Đảng bị suy yếu… Đây cũng là nguyên cớ để các thế lực thù địch lợi dụng kích động quần chúng, mua chuộc, tha hoá cán bộ, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Lãng phí rất dễ xảy ra, bao gồm nhiều mặt: Lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, lãng phí của cải vật chất, tài nguyên thiên nhiên của nhân dân, của đất nước... Vì vậy, chống lãng phí cũng quan trọng như chống tham nhũng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở và thường xuyên quan tâm đến việc đấu tranh phòng, chống các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dưới nhiều góc độ, hình thức khác nhau. Có hơn 200 tác phẩm của Người đề cập đến tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các biện pháp phòng, chống tệ nạn này. Về nạn tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, mà trước hết là từ cán bộ. Người yêu cầu cán bộ phải có đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tận tụy phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Nếu cán bộ thiếu đạo đức cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm, không sớm thì muộn sẽ sinh ra nhiều chứng bệnh hư hỏng, vung phí tiền bạc và vật liệu của Nhà nước và của tập thể, làm hại đến việc phát triển chung. Nguyên nhân của tham ô, tiêu cực là do bệnh quan liêu, là chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ nắm quyền mà thiếu đạo đức thì có dịp là lấy của công làm của riêng, tư túi, dĩ công vi tư.

Theo Người, nếu nhân dân hiểu biết, không chịu tiếp tay, thì quan dù không liêm cũng phải hóa ra liêm. Vì vậy, nhân dân cần phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc nâng cao dân trí để giúp nhân dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và tham gia đóng góp cho cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chủ nghĩa cá nhân là thứ giặc ở trong lòng, giặc nội xâm. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở tinh thần đấu tranh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Do đó, phải ra sức gột rửa chủ nghĩa cá nhân…

Tư tưởng của Người về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là kim chỉ nam cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lực lượng công an hiện nay. Cùng với việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Về minh bạch tài sản, thu nhập: 126/126 đơn vị công an đã tổ chức việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (đạt tỷ lệ 100%), 280.440/280.750 cán bộ công an có nghĩa vụ kê khai đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu).

Về công tác thanh tra, kiểm tra: Toàn lực lượng công an nhân dân đã tiến hành 156 cuộc thanh tra hành chính (134 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 22 cuộc thanh tra đột xuất) đối với 780 đối tượng thanh tra, đưa ra 569 lượt kiến nghị; tiến hành 99 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 594 đối đượng thanh tra, đưa ra 483 lượt kiến nghị, tập trung vào một số chuyên đề nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Qua theo dõi, căn cứ vào kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương đã xử lý kỷ luật 44 cá nhân có sai phạm; kiểm điểm, cắt thi đua, hạ thi đua đối với tập thể, cá nhân có khuyết điểm...

Xử lý cán bộ chiến sĩ sai phạm liên quan đến tham nhũng: Năm 2022, công an các cấp đã xử lý kỷ luật 70 cán bộ chiến sĩ sai phạm, trong đó có 22 cán bộ chiến sĩ sai phạm do tham nhũng (giảm 14 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021); 48 cán bộ chiến sĩ có sai phạm khác liên quan đến tham nhũng; xử lý kỷ luật 2 người đứng đầu đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng (khiển trách 1, cảnh cáo 1)...

Để xảy ra tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản về phòng, chống tham nhũng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số đơn vị, nhất là công an cơ sở còn hạn chế; tiến độ xây dựng một số văn bản về phòng, chống tham nhũng chậm được ban hành; ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nội dung về công tác cán bộ chưa đúng quy định của ngành; người đứng đầu công an một số đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa thật sự kiên quyết chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng yếu; một số cán bộ chiến sĩ, kể cả lãnh đạo, chỉ huy chưa thực sự gương mẫu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện; đội ngũ cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ tham mưu, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng chưa được củng cố, kiện toàn đủ mạnh, trong khi nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng nặng nề, khó khăn...

Trong suốt chặng đường phát triển, lực lượng công an nhân dân luôn nêu cao tinh thần quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng công an nhân dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đặt ra không ít thách thức trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách người cán bộ, chiến sĩ công an không thể tách rời với việc xây dựng đơn vị công an trong sạch, vững mạnh. Bởi, sức mạnh của mỗi người góp phần tạo nên sức mạnh của tổ chức; tổ chức yếu kém thì từng cá nhân cũng không thể mạnh. Vì vậy, xây dựng nhân cách người cán bộ, chiến sĩ công an cần kết hợp chặt chẽ với xây dựng đơn vị công an vững mạnh, đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa tổ chức và con người, không được tách rời. Trong việc xây dựng đơn vị công an vững mạnh, cần lấy xây dựng đảng bộ công an cơ sở trong sạch, vững mạnh làm nòng cốt, là hạt nhân lãnh đạo đơn vị. Nội dung học tập trước hết phải thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc “Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”, các tài liệu của cơ quan chính trị, các sách, báo của công an nhân dân, các chuyên đề cần thiết cho công tác nghiệp vụ của từng lực lượng... Phương pháp học tập, rèn luyện là kết hợp việc tổ chức học tập thường xuyên, có nền nếp của đơn vị với việc tự tu dưỡng của từng cán bộ, chiến sĩ, cam kết thực hiện đúng các quy định của ngành, nếu có sai phạm phải kiểm điểm sâu sắc để có hướng khắc phục, sửa chữa.

Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham quan triển lãm cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền "Xây dựng phong cách người công an nhân dân, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ"_ Ảnh: TTXVN

Chỉ tính riêng năm 2022, Bộ Công an đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; đã ban hành 85 văn bản, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức 179 lớp để tuyên truyền, quán triệt về phòng, chống tham nhũng nhằm phổ biến giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác công an, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người công an cách mạng, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, danh lợi.

Lực lượng công an tiếp tục là một trong những lực lượng tuyến đầu trong giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất, cứu hộ, cứu nạn; nhiều cán bộ, chiến sĩ công an không quản ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh, giúp nhân dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Bản chất cách mạng, hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân ngày càng toả sáng, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Có nhiều tập thể và cá nhân cán bộ, chiến sĩ công an lập thành tích xuất sắc và đặc biệt xuất sắc được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an khen thưởng; có 175 lượt cán bộ, chiến sĩ công an được khen thưởng vì nêu cao tinh thần phòng, chống tham nhũng, không nhận hối lộ.

Thứ hai, chú trọng công tác cán bộ. Công tác đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ cần tiến hành một cách khách quan và thận trọng, bảo đảm nguyên tắc tập trung và dân chủ, kết hợp được 3 yếu tố gồm: cán bộ, chiến sĩ tự mình đánh giá, phân loại và đề xuất; sự tín nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và quyết định của tập thể lãnh đạo chỉ huy. Cần chú trọng sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc; tăng cường tổ chức kiểm điểm hằng tháng để đánh giá kết quả công tác chuyên môn và việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong từng đơn vị một cách thẳng thắn, trung thực. Mạnh dạn giáo dục, nhắc nhở những đồng chí có biểu hiện tiêu cực, có dư luận không tốt về quan hệ kinh tế để phòng ngừa trước.

Tính đến tháng 11-2022, có 63/63 công an địa phương hoàn thành sắp xếp cán bộ và tổ chức công an xã, thị trấn chính quy. Bố trí 50.034 đồng chí tại 8.859 công an xã, thị trấn, với 8.632 cấp trưởng, 10.394 cấp phó, 31.008 cán bộ (đạt tỷ lệ 100% xã, thị trấn bố trí trên 5 cán bộ công an chính quy). Đồng thời, tiếp tục thực hiện kế hoạch số 314/KH-BCA, ngày 26-7-2021, của Bộ Công an về điều động cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc bộ về công tác tại công an xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

Hằng năm, sau khi kiểm điểm công tác, cần chấm điểm bằng phiếu kín theo các tiêu chuẩn: công tác chuyên môn, việc chấp hành pháp luật, đoàn kết nội bộ, đạo đức và lối sống đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị... Đối với người lãnh đạo, chỉ huy, thì tuỳ theo quy mô của từng cấp, từng đơn vị mà tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bằng chấm điểm, tập trung vào 3 tiêu chuẩn: năng lực chỉ đạo công tác chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng đoàn kết, quy tụ; gương mẫu trong đạo đức, tác phong và lối sống. Số điểm được chấm sau khi bỏ phiếu kín là một cơ sở quan trọng để tham khảo nhận xét, đánh giá cán bộ. Nội dung này cần được xây dựng thành quy chế để thực hiện một cách thống nhất, lâu dài, có sơ kết rút kinh nghiệm nhằm góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để tiến hành hiệu quả công tác giáo dục và quản lý cán bộ, chiến sĩ, xây dựng đơn vị công an vững mạnh, thì điều quan trọng trước hết là phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có phẩm chất và năng lực tương xứng với cương vị và yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng quy chế chặt chẽ và khoa học trong các khâu tuyển chọn, đào tạo, thi tuyển, bổ nhiệm và bãi nhiệm từng cấp, từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Cần thực hiện hình thức kỷ luật tương xứng với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy khi trong đơn vị xảy ra mất đoàn kết, những vụ, việc vi phạm pháp luật và có cán bộ, chiến sĩ tham nhũng.

Thứ ba, bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩCần cải cách chế độ tiền lương để bảo đảm đời sống cán bộ, chiến sĩ, từ đó góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tiền lương thấp, không bảo đảm cuộc sống, cùng với sự tha hóa đạo đức là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tham nhũng. Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu, cải cách chính sách tiền lương, có chế độ ưu đãi gắn liền với nâng cao trách nhiệm đối với cán bộ, chiến sĩ công an. Thực hiện từng bước tăng lương theo đề án cải cách tiền lương, đồng thời, xem xét ưu tiên tăng tiền lương cao hơn so với mặt bằng chung đối với những ngành có liên quan nhiều đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ công an. Chuyển đổi vị trí công tác là một trong những biện pháp tích cực, chủ động phòng ngừa tham nhũng, được Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ Công an quan tâm chỉ đạo, thực hiện từ nhiều năm qua, gắn với công tác tổ chức, cán bộ, bố trí, sử dụng lực lượng, bảo đảm phát huy hiệu quả việc phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, việc xác định thời hạn, vị trí công việc phải chuyển đổi, ngoài mục đích phòng ngừa tham nhũng, còn phải coi trọng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng vị trí, cũng như của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Để đạt được yêu cầu đó phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác với việc bảo đảm ổn định, chuyên sâu của đội ngũ cán bộ.

Từ tình hình thực tiễn trên, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với thực tiễn công tác và đặc thù của lực lượng công an nhân dân, để vừa bảo đảm yêu cầu của việc chuyển đổi, vừa bảo đảm yêu cầu ổn định về tổ chức và chuyên môn hoá cán bộ. Cụ thể như: Nâng thời hạn chuyển đổi vị trí công tác từ 3 năm (36 tháng) lên 5 năm (đủ 60 tháng) đối với mọi vị trí. Riêng đối với một số vị trí có tính chất đặc thù, như: cảnh sát điều tra, cảnh sát kinh tế, cảnh sát khu vực, an ninh kinh tế, an ninh điều tra, trinh sát trong các cơ quan điều tra, thì giao Bộ Công an quy định thời hạn phải định kỳ chuyển đổi. Đối với các vị trí chỉ có một cán bộ thuộc các đơn vị độc lập, không đặt vấn đề định kỳ chuyển đổi mà yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải tăng cường quản lý, phòng ngừa sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện việc chuyển đổi phải có lộ trình phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng ngành, từng cấp và từng đơn vị, địa phương; phù hợp với tình hình biên chế và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ.

Thực hiện Thông tư số 55/2014/TT-BCA, ngày 12-11-2014, của Bộ Công an quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong công an nhân dân, trong năm 2022, công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.285 lượt cán bộ, chiến sĩ ở 797 đơn vị. Một số đơn vị, địa phương đã chuyển đổi được nhiều cán bộ, chiến sĩ, như: Thành phố Hồ Chí Minh là 1.188 cán bộ, chiến sĩ; Hải Phòng là 244 cán bộ, chiến sĩ; Đà Nẵng là 238 cán bộ, chiến sĩ; Bình Dương là 193 cán bộ, chiến sĩ; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng  là 706 cán bộ, chiến sĩ…

Thứ năm, giải quyết nghiêm minh, kịp thời tố cáo tham nhũng. Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ, việc về tham nhũng được phát hiện thông qua công tác giải quyết tố cáo tham nhũng, nên nhiệm vụ xác minh, kết luận, kiến nghị xử lý tố cáo tham nhũng là một trong những công tác cơ bản của thanh tra công an. Những năm qua, Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, đồng thời trực tiếp chỉ đạo xác minh, kết luận, giải quyết nhiều đơn tố cáo tham nhũng thuộc thẩm quyền. Qua công tác giải quyết tố cáo, đã phát hiện, xử lý một số cán bộ, chiến sĩ có sai phạm liên quan đến tham nhũng, góp phần tích cực củng cố, kiện toàn về tổ chức, củng cố nội bộ công an ở một số đơn vị, địa phương

Những năm qua, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, đồng thời trực tiếp chỉ đạo xác minh, kết luận, giải quyết nhiều đơn tố cáo tham nhũng thuộc thẩm quyền. Năm 2022, công an các cấp đã xác minh, kết luận 59/63 đơn tố cáo cán bộ, chiến sĩ công an tham nhũng (đạt tỷ lệ 93,7%; giảm 23 đơn so với năm 2021). Trong đó: tố cáo đúng và có phần đúng là 7 đơn (11,9%); tố cáo sai là 20 đơn (33,9%); tố cáo không có cơ sở kết luận 32 đơn (54,2%); ngoài ra còn tiếp nhận, xử lý 20 đơn tố cáo có liên quan đến tiêu cực; tiếp nhận, xử lý 1.790/1.903 vụ việc tố cáo về hành chính (đạt 94,06%), trong đó có 39 vụ việc tố cáo đúng (2,18%); 190 vụ việc tố cáo đúng một phần (10,61%); 847 vụ việc tố cáo sai (47,32%); 714 vụ việc tố cáo không có cơ sở kết luận (39,89%). 485/557 vụ việc tố cáo về tố tụng (đạt 87,07%), trong đó 3 vụ việc tố cáo đúng (0,62%); 13 vụ việc tố cáo đúng một phần (đạt 2,68%), 251 vụ việc tố cáo sai (51,75%); 218 vụ việc tố cáo không có cơ sở kết luận (44,95%)… Như vậy, lực lượng công an nhân dân đã đề cao và quán triệt thực hiện triệt để công tác xác minh, giải quyết tố cáo, khiếu nại. Qua đó, cho thấy quyết tâm của lực lượng trong đẩy lùi tệ nạn tham nhũng cũng như đem lại sự trong sạch cho tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ, củng cố vững chắc niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng công an nhân dân.

Thứ sáu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, lực lượng công an nhân dân đã thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã đạt được những kết quả nhất định: năm 2022, tiết kiệm được trên 227 tỷ đồng (tăng 49 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: tiết kiệm trong kinh phí thường xuyên số tiền hơn 175 tỷ đồng và tiết kiệm trong quản lý vốn đầu tư số tiền trên 52 tỷ đồng, tiết kiệm trong hoạt động của doanh nghiệp, sự nghiệp công lập có thu số tiền 29 tỷ đồng). Điều này cũng góp phần thúc đẩy công tác phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ lực lượng có hiệu quả hơn. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng những việc làm cụ thể trong công tác và chiến đấu.

HOÀNG THỊ HUYỀN

Học viện Chính trị Công an nhân dân

Nguồn: tapchicongsan.org.vn

Sưu tầm: S.N

--------------------------

(1) “Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 20-1-2022, https://nhandan.vn/ket-luan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-thu-21-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-post683148.html
(2), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 361


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng