An Giang: Hơn 700 cán bộ Đoàn, Bí thư Đoàn trường, Giáo viên - Tổng phụ trách Đội được trang bị kỹ năng truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong thanh thiếu niên.

Ngày 13/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn An Giang tổ chức Hội nghị tập huấn đội ngũ tuyên truyền viên của Đoàn phục vụ công tác phòng, chống tội phạm trong thanh thiếu niên năm 2023, với sự tham gia của hơn 700 cán bộ Đoàn, Bí thư Đoàn trường, Giáo viên - Tổng phụ trách Đội tại các địa bàn trong toàn tỉnh.

Tham gia lớp tập huấn, các học viên được thông tin về tình hình tội phạm; nguyên nhân, hậu quả và chế tài pháp luật đối với một số loại tội phạm đang phổ biến trong độ tuổi vị thành niên; được hướng dẫn và thực hành xây dựng Kế hoạch truyền thông phòng, chống tội phạm ở độ tuổi vị thành niên.

Xu hướng chung của cả nước và thế giới trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, tội phạm đang dần có xu hướng trẻ hóa. Bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể các cấp, chúng ta phải thừa nhận một số nguyên nhân khách quan từ phía gia đình cần sự chung tay, phối hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, môi trường mạng, nơi một bộ phận phụ huynh đã và đang hàng ngày cho thanh thiếu nhi tùy ý sử dụng thiết bị số với thời lượng quá cao, mà không có bất kỳ sự kiểm soát, định hướng, giáo dục… lại là nơi ẩn chứa nhiều nội dung xấu, độc, bạo lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên. Nhiều bậc cha mẹ lo làm ăn, buôn bán, thường xuyên phải đi công tác xa, không quản lý chặt chẽ việc học tập, sinh hoạt của con; thiếu những định hướng phù hợp khiến những cám dỗ dễ dàng tiếp cận và lôi kéo các cá nhân vào các tệ nạn xã hội, nghiện ngập, vi phạm pháp luật. Trong khi, ở độ tuổi chưa thành niên, các em chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức, có tâm sinh lý chưa ổn định, thậm chí dễ nổi loạn, thiếu kỹ năng sống như: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc… Mặt khác, một số thanh, thiếu niên bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm; thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; thiếu quản lý, giáo dục do hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng như: cha mẹ ly hôn; cha mẹ đang chấp hành án phạt tù; cha hoặc mẹ đã chết, các em phải sống với người thân hoặc sống lang thang... dễ bị lôi kéo vào tệ nạn, hành vi phạm pháp. Công tác Đoàn - Đội trong trường học có lúc, có nơi còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, phụ huynh ưu tiên cho việc học tập, xem giáo dục đạo đức, kỹ năng là thứ yếu.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức; giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi; tập trung tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai hiệu quả Quyết định số 311/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”; đầu tư nghiên cứu tạo nhiều sân chơi hơn nữa để đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi vào tổ chức; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn mạnh về kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tội phạm, chú trọng đối tượng vị thành niên.

Nhìn chung, thanh, thiếu nhi tham gia vào tổ chức Đoàn - Hội - Đội luôn sống có lý tưởng, hoài bão, kỹ năng sống; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng của địa phương. Việc giáo dục đối tượng ngoài tổ chức đã và đang được triển khai với ý chí quyết tâm mạnh mẽ của tổ chức Đoàn - Hội - Đội các cấp và rất cần sự đồng hành, phối hợp, tạo điều kiện của của cấp ủy, chính quyền, gia đình và xã hội, để đẩy lùi xu hướng trẻ hóa tội phạm, đem lại bình yêu cho toàn xã hội.

 

Tin, ảnh: S.N


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng