Nghị lực của cậu học trò nghèo
Sinh ra ở thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), từ lớp 1 đến khi bước chân vào giảng đường đại học, Kha Thanh Ngọc Châu chưa từng có một nơi ở yên ổn. Tuổi thơ cậu học trò nghèo bị cuốn theo những lần di cư của mẹ và lam lũ với đủ việc làm thuê để mưu sinh. Vượt lên chuỗi ngày cơ cực, Ngọc Châu thể hiện nghị lực đáng khâm phục để chạm đến ước mơ, dù còn đối mặt nhiều khó khăn nhưng Châu vẫn rất quyết tâm để sớm tự thân lập nghiệp.
Lần theo trí nhớ, từ tiểu học đến hết THCS, Ngọc Châu đã đổi chỗ ở đến 5 lần. Cuộc hôn nhân chắp nối của người mẹ không có quả ngọt như mong đợi. Bà trở thành mẹ đơn thân, nuôi 2 đứa con nhỏ. Ngọc Châu là con đầu lòng, mới lững chững đã theo mẹ rong ruổi từ huyện Phú Tân sang TP. Cần Thơ, rồi lại trở về Phú Tân, ngược lên biên giới TX. Tân Châu…
Mỗi đợt di cư là 1 lần chuyển trường, ở nhờ nhà cô bác, thậm chí trong căn chòi tạm. Điều may mắn nhất trong hành trình đó là em vẫn được đến trường. Vì sức khỏe, mẹ của Ngọc Châu không thể đi làm kiếm tiền, chỉ phụ những việc nhẹ trong miếu Bằng Lăng (thị trấn Chợ Vàm). Ngôi miếu trở thành nơi tá túc cho 2 mẹ con đến khi Ngọc Châu hoàn thành chương trình học phổ thông.
Một buổi đi làm thêm của Kha Thanh Ngọc Châu để trang trải chi phí học tập
Thời gian học THCS có lẽ là giai đoạn khắc khổ nhất đối với Ngọc Châu. Mẹ thường xuyên đi vắng, nhiều khi gần 1 tháng mới trở về. Việc duy nhất bà có thể làm là mua thiếu tiền gạo để sẵn, còn em đi hái rau muống, bắt ốc kiếm tiền, sống lây lất đến hết năm học. Thương hoàn cảnh của Ngọc Châu, nhất là tinh thần cố gắng học tập của em, lên lớp 8, nhà trường xét cho em nhận học bổng.
Cậu bé với mái ấm không lành lặn được các cô chú trong miếu Bằng Lăng thương quý, quan tâm chuyện học hành. Đáp ơn được ở lại trong miếu, hàng ngày, Ngọc Châu phụ trách chuyện lau dọn, giúp việc trong những dịp lễ, Tết khi bà con đến miếu cúng bái. Gắn liền năm tháng đi học, tuổi thơ ít được vui chơi, thay vào đó là những việc làm thuê, từ bọc trái ổi, nhổ cỏ, giặm lúa đến vác mạ.
“Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, em được giảm 50% học phí. Vậy mà xoay sở phần chi phí còn lại vẫn rất khó khăn. Từ năm lớp 11, em được Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Phú Tân giúp đỡ học phí. Để trang trải cuộc sống, nhiều lần mẹ phải đi vay bên ngoài, cuộc sống lẩn quẩn trong kịch bản “ăn trước, trả sau”.
Buổi tối, miếu không có đèn điện nên em phải tranh thủ học bài ban ngày, sắp xếp các môn học, làm bài tập sao cho tiện lợi nhất. Càng lên lớp cao, thời gian học càng nhiều. Những buổi tối phải đi học thêm, thầy cô đều thương em, không nhận học phí. Cảm kích tấm lòng của mọi người, em cố gắng học tốt hơn” - Ngọc Châu chia sẻ.
Kha Thanh Ngọc Châu (đứng giữa)
Vượt lên mọi khó khăn, Ngọc Châu đã tốt nghiệp THPT và nay là sinh viên năm thứ 2 ngành thú y của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. Hành trang bắt đầu làm sinh viên của em chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng từ sổ tiết kiệm được Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Phú Tân vận động trước đó.
Ở giảng đường đại học, nhờ nỗ lực học tập đạt thành tích loại giỏi, Ngọc Châu được nhận học bổng của Báo Tuổi Trẻ trị giá 15 triệu đồng. Trang trải qua từng học kỳ, lúc khó khăn lắm cậu học trò mới nhờ đến nhà hảo tâm ở quê nhà giúp đỡ. Những chi phí còn lại hầu như phải tự lo nên có thời gian rảnh là Ngọc Châu cùng bạn làm phục vụ tại quán cà-phê, vác bắp ở xưởng chế biến thức ăn. Khi có nhiều thời gian hơn thì em nhận phụ việc tại các nhà hàng tổ chức sự kiện. Bạn đi đâu, Ngọc Châu theo đó, ngoài giúp nhau để cùng có việc làm, lý do khác là em không có xe, phải quá giang cùng bạn.
Một ngày của Ngọc Châu khởi động từ 6 giờ sáng tập trung cho việc học và kết thúc vào 23 giờ sau khi “chạy sô” làm thêm. Ngọc Châu cho biết, đang thuê phòng trọ giá 1,3 triệu đồng/tháng, chia chi phí với 2 sinh viên khác. Để tiết kiệm sinh hoạt, em ăn tại chỗ làm thêm, ăn ké với bạn hoặc có tháng chỉ ăn mì gói. Lặng nghe câu chuyện của em, có người không khỏi chạnh lòng: “Hoàn cảnh và điều kiện vất vả như thế, em có từng tủi thân hay buồn cho số phận không?”.
Ngọc Châu thỏ thẻ: “Em không có thời gian để buồn. Lúc nhỏ có đôi lần nghĩ ngợi, nhất là những lúc mẹ vắng nhà, vừa nhớ mẹ, vừa sợ phải nghỉ học… Nhưng càng lớn, việc học càng nhiều, kết thúc một ngày khi trời đã khuya, em chỉ kịp nghĩ ngày mai lo tiếp học phần nào, chuẩn bị bài kiểm tra ra sao, buổi nào làm việc nhóm, đi thực tập ra sao…”.
Từ thời phổ thông, Ngọc Châu đã sở hữu thành tích học tập đáng nể, nhiều năm xếp hạng nhất trong lớp, từng là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Hiện nay, Ngọc Châu tập trung cho việc thực tập, nên khoảng thời gian trước đó, em dồn sức vào các học phần theo quy định, kể cả ở lại thành phố suốt dịp Tết để làm thêm. Một phần nữa là vì, dẫu có về quê cũng không biết về đâu, chi bằng kiếm thêm tiền lo cho những học kỳ tiếp theo. Nhìn về bản thân hay nhìn về cuộc sống, đôi mắt của cậu học trò nhỏ nhắn vẫn ánh lên niềm lạc quan, tự tin. Cuộc sống đã rèn luyện cậu học trò nghèo trở nên chín chắn, thậm chí em vẽ trước đường đi cho tương lai, dự trù cả những gập ghềnh… rất rõ ràng để tiếp tục phấn đấu.
MỸ HẠNH