Sản phẩm độc đáo của chàng trai An Giang tại Đại hội Đoàn

Nguyễn Vũ Linh sinh năm 1994 tại xã Thới sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Lần đầu đến Hà Nội, lại có mặt tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII với gian hàng sản phẩm lưu niệm chế biên từ gỗ lồng mức nơi quê nhà, Linh nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu và bạn trẻ.

Chàng thanh niên kể về hành trình khởi nghiệp của mình: “Thuở đi học mình rất thích các môn mỹ thuật với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khéo tay. Từng đoạt rất nhiều điểm 9, 10 về môn học này, mình ước mơ lớn lên sẽ trở thành kiến trúc sư giỏi”.

Ước mơ kiến trúc sư “đứt ngang” khi Linh chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học. “Nhà mình nghèo lắm. Buổi nghỉ học đầu tiên ở nhà, bố bảo: Đường học hành dù không được dài, rộng nhưng ba vẫn mong con trở thành người thành công với mơ ước của mình”.

Nguyễn Vũ Linh - Chàng trai 9X cùng sản phẩm thân thiện môi trường

Nguyễn Vũ Linh - Chàng trai 9X cùng sản phẩm thân thiện môi trường

Học hết lớp 9, với đam mê làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Linh bắt đầu bằng việc làm sản phẩm những mô hình đặc trưng vùng miền.

Kiến thức chưa có nhiều, nhưng năm Linh khởi nghiệp cả xã Thới Sơn thưa thớt máy điện thoại thông minh, để có được thông tin, Linh chạy vạy khắp bạn bè mượn điện thoại tra cứu internet. Những sản phẩm đầu tay, dù rất nhiều tâm huyết nhưng vẫn khó bán ra thị trường do Linh không có mối quan hệ lại chưa từng đi qua bằng cấp về kinh doanh.

Duyên đến với Linh khi chàng trai tiếp xúc với các anh chị làm Đoàn. Từ số vốn ít ỏi, Linh vay thêm từ nguồn vốn của Đoàn và được các anh chị cán bộ Đoàn xã, huyện chỉ bảo cách kinh doanh, tiếp cận khách hàng. Từ bán vài sản phẩm, chàng trai đã thành lập xưởng bán hàng với doanh thu hàng trăm triệu đồng/ tháng. Không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông thường, Linh tập trung vào sản xuất đồ lưu niệm từ gỗ thay các sản phẩm nhựa, đá, thủy tinh nặng nề và cồng kềnh.

Gỗ mức được khắc lazer lên màu sắc khá bắt mắt

Gỗ lồng mức được khắc lazer lên màu sắc khá bắt mắt

Loại gỗ mà Linh lựa chọn là gỗ lồng mức. Cây lồng mức, hay còn được gọi là cây thừng mức, cây nha đồng mộc, được phân bố ở một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và có rất nhiều quê An Giang của Linh. Cây lồng mức cao vút, dáng thẳng, gỗ mềm, màu trắng sáng như ngà voi. Gỗ cây lồng mức đã từng được dùng nhiều cho việc khắc ván in mộc bản thời phong kiến, bởi vì đặc điểm của gỗ mức mềm, không bị mắt, không cong vênh, nứt toác, thớ gỗ đẹp, nhẹ… rất phù hợp cho việc khắc in.

Những chiếc móc khóa xinh xinh, Cup lưu niệm, văn phòng phẩm từu gỗ cây lồng mức ra đời giúp 3 bạn trẻ làm cùng Linh có thu nhập gần 10 triệu đồng/ tháng.

Sản phẩm của Linh được ứng dụng tốt vào cuộc sống

Sản phẩm của Linh được ứng dụng tốt vào cuộc sống

Linh cho biết: Dù ước mơ kiến trúc sư chưa thành hiện thực nhưng “dừng chân” ở công việc “ông chủ trẻ thủ công mỹ nghệ” khiến Linh luôn thấy rất vui.

Nhắn nhủ tới các bạn đoàn viên, Linh nói: Mình cho rằng khởi nghiệp cần đam mê và kiên trì. Muốn thành công, bạn đừng thấy một vài lần thất bại mà vội từ bỏ công việc.

Chàng trai 9X lần đầu ra Hà Nội dù rất hồi hộp, muốn đi nhiều nơi thăm quan Thủ đô nhưng lại luôn bận rộn bởi các đơn hàng gọi đến dịp cuối năm. “Đi 1 ngày đàng, học 1 sàng khôn. Từ Đại hội này, mình càng thêm mong muốn bán sản phẩm toàn quốc và có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Mình đã xin được số của nhiều anh chị, các bạn đại biểu ưu tú và sẽ sớm kết nối cùng họ để học hỏi và phát triển thêm cho công việc của mình".

Các sản phẩm của Linh hướng tới đại hội các cấp

Các sản phẩm của Linh thường hướng tới đại hội các cấp

Linh cho biết thêm, tới đây chàng trai sẽ tập trung đầu tư làm các sản phẩm từ lá cây nơi vùng quê của mình, đặc biệt là các sản phẩm từ lá cây thốt nốt.

Chàng trai nói: Đó cũng là thứ cây đặc trưng của vùng đất An Giang quê hương. Mình hy vọng khi bán được sản phẩm, không những thành công trong kinh doanh mà mình còn thêm cơ hội quảng bá An Giang thân thương tới du khách muôn nơi.

Hương Giang - Phạm Mạnh


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng