Bài 1: Kế thừa truyền thống “Ngụ binh ư nông”

Gần 80 năm qua, Quân đội ta luôn thực hiện tốt chức năng vừa chiến đấu, vừa công tác, vừa tham gia lao động sản xuất, đó là kế sách "ngụ binh ư nông" cha ông ta đã thực hiện rất có hiệu quả trong toàn bộ tiến trình dựng nước, giữ nước.

Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động, cơ hội lại luôn xuyên tạc sự thật này. Chúng đòi xóa bỏ chức năng đội quân lao động sản xuất, nhằm hạ uy tín của Quân đội. Những luận điệu xuyên tạc, phản động đó sẽ không thể làm lung lay truyền thống tốt đẹp này của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Công nhân Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) gia công hàng xuất khẩu. (Ảnh: Phú Quý) 

Quân đội Nhân dân Việt Nam là Quân đội của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và tổ chức quân đội làm kinh tế trong thời bình là một trong những kế sách quan trọng “Ngụ binh ư nông” của cha ông ta đã thực hiện rất có hiệu quả trong toàn bộ tiến trình dựng nước, giữ nước, được lịch sử chứng minh.

Việc tổ chức Quân đội tham gia lao động sản xuất trong thời bình đã được ghi rõ tại Điều 25, Luật Quốc phòng: “Quân đội Nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Đây là những chức năng cơ bản nhất, biểu hiện cụ thể nhất bản chất, truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam; một quân đội kiểu mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, xây dựng dựa trên nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và mang trong mình bản sắc truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam.

Trong thời kỳ đất nước ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đây là sự nghiệp chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, trong đó quân đội ta cũng là một lực lượng giữ vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị đã và đang lợi dụng vấn đề này, xuyên tạc, xét lại và đề nghị xóa bỏ chức năng “đội quân lao động sản xuất” của quân đội bằng những luận điệu rất nham hiểm nhằm phủ nhận truyền thống vẻ vang của quân đội trên mặt trận lao động sản xuất, nhằm hạ uy tín của quân đội, chia rẽ quân đội với nhân dân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với quân đội. Nếu không tỉnh táo nhận diện dễ bị sa đà vào tư tưởng phản động, xấu xa của chúng.

Quân đội của các nước trên thế giới được thành lập đều có chức năng chiến đấu; song đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, bên cạnh chức năng chiến đấu, còn là đội quân công tác và lao động sản xuất; đây là những chức năng mà quân đội ở các cường quốc tư bản chủ nghĩa không có. Bởi vì quân đội ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập dựa trên nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời đó là sự vận dụng sáng tạo, kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta, mang trong mình phẩm chất tự lực, tự cường của dân tộc và tinh hoa văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam. Trong quá trình giáo dục, rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: “Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích không nên chỉ biết đánh. Biết đánh là cái tốt, nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân tức là chỉ biết có một mặt, vì đánh không thể tách rời được với chính trị và kinh tế. Nếu chỉ biết đánh mà không nghĩ đến kinh tế thì khi hết gạo sẽ không đánh được. Cho nên đánh là cố nhiên, nhưng không phải chỉ đánh thôi mà phải lo cả các mặt khác nữa”. Như vậy, theo tư tưởng của Người, các chức năng của quân đội ta có vị trí, tầm quan trọng như nhau, không được tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ bất kỳ chức năng nào.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội ta đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng đó là “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Khi toán lính Pháp rút khỏi Đảo Cát Bà vào ngày 16/5/1955, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Quân đội ta vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển lực lượng ngày càng chính quy, vừa tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, cùng với Nhân dân tạo nên thế trận hậu phương vững mạnh.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Bắc Nam thống nhất, Quân đội ta là lực lượng nòng cốt trong việc tiếp quản các cơ sở vật chất sau chiến tranh, tích cực tham gia xây dựng, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, góp phần bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.

(Còn tiếp...)

Thượng tá Trần Thị Hoa - Trưởng Ban Tuyên huấn Binh đoàn 12 Bộ Quốc phòng

Nguồn: dancongsan.vn

Sưu tầm: S.N


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng