Sự ngông cuồng, bất chấp đạo lý!

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Các thế lực thù địch… ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta…, đánh thẳng vào hệ tư tưởng,… kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm”.

 

Mới đây, trên “Báo Tiếng Dân” lại có bài của Nguyễn Đình Cống xuyên tạc rằng: Đảng “…vừa kém trí tuệ, vừa kiêu ngạo và rất ích kỷ nên cố đặt cái thây ma đã mục rữa là học thuyết Mác - Lênin lên bàn thờ…”, “họ lo đến sinh mệnh của Đảng và tồn vong của chế độ mà không quan tâm đến đất nước, đến dân tộc”. Nguyễn Tiến Dân cũng xỉa xói: “Chúng ta khao khát có được độc lập, nhưng Đảng đã dùng thuốc độc, là chủ nghĩa Mác - Lênin để giúp chúng ta giải khát. Uống thuốc độc vào người… xã hội Việt Nam băng hoại”. “Đảng đã có công kéo tụt lùi sự phát triển của đất nước ta và dân tộc ta”…

Tất cả những sự bịa đặt đó không có gì mới. Cái cần lưu ý là tâm địa cay độc, lòng hận thù, thói gian manh bất chấp luận lý! Coi thường đạo lý!

Ai cũng biết từ cuối thế kỷ XIX, sau khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, từ một quốc gia phong kiến độc lập đã trở thành một xứ thuộc địa. Non một thế kỷ, mấy trăm cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra nhưng tất cả đều thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm đắm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối.

Trực tiếp chứng kiến đất nước bị giày xéo, Nhân dân ta đang “hấp hối trong vòng tử địa”,…; bằng một trí tuệ và nghị lực phi thường, sau nhiều năm xuất dương bôn ba tìm kiếm, Hồ Chí Minh đã tìm thấy “cái cần thiết cho chúng ta,… con đường giải phóng chúng ta”.

Đi nhiều nơi, học được nhiều điều, Người tổng kết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Từ đó, Người ra sức truyền bá lý luận “chân chính” vào đời sống chính trị tinh thần ở nước ta. Lý luận cách mạng đã nhanh chóng hòa quyện cùng chủ nghĩa yêu nước truyền thống, thức tỉnh cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Đúng như cụ Phan Bội Châu nhận xét: “Đương lúc khói độc mây mù, thình lình có một trận gió xuân thổi tới. Đương giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình có một tia thái dương mọc ra. Trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội”.

Trên cái nền vững chắc đó, Nhân dân ta đã sinh thành nên Đảng ta. Từ ngày mới ra đời, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tộc tiến lên đấu tranh giành độc lập: “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho Nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi…”.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lập tức các thế lực xâm lược từ nhiều hướng tràn vào. Mục tiêu hàng đầu của chúng là “diệt Cộng, cầm Hồ”. Trước tình hình đó, ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố tự giải tán, rút vào hoạt động bí mật. Nhưng vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Mục đích là nhằm: “Phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà”. Đồng thời còn khẳng định “… những đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiên phong của dân tộc, bao giờ cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc dân lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc”. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh nói: “Vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái... Nếu cần có đảng thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc hoàn toàn độc lập”.

Thực hiện chủ trương “thống nhất, thống nhất và thống nhất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử Quốc hội. Người tuyên bố: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. Tiếp sau đó, trên tinh thần “Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết” đã thừa nhận 70 ghế trong Quốc hội cho hai đảng “Việt Quốc” và “Việt Cách” không phải qua bầu cử. Một số đại biểu của Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các nhân sĩ yêu nước ngoài Việt Minh. Bác Hồ đánh giá đó “là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”… Nhưng khi Nhân dân ta tiến hành kháng chiến, các phần tử “Việt Quốc”, “Việt Cách” đã “cao chạy xa bay”, họ bị lịch sử loại trừ vĩnh viễn khỏi vũ đài chính trị!

Đại hội lần thứ II của Đảng tuyên bố: “Đảng Lao động Việt Nam không phải chỉ là đội tiền phong và bộ tham mưu của giai cấp công nhân mà thôi. Nó cũng là đội tiên phong, bộ tham mưu chung của nhân dân lao động, mà chính vì thế, nó là đội tiên phong và bộ tham mưu của dân tộc Việt Nam nữa”. Phát biểu trong Lễ ra mắt của Đảng, khi nói về mục đích của Đảng, Bác khái quát trong tám chữ: “ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Người còn nhấn mạnh: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của Nhân dân”.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, là một trong 15 nước nghèo nhất thế giới. Nhưng đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 3.412 USD, tuổi thọ trung bình cao hơn những nước có thu nhập tương đương. Hệ thống giáo dục quốc dân được UNESCO đánh giá hạng 64/127 nước… Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) đã đạt mức 0,704, thuộc nhóm các nước có chỉ số HDI cao. New Economics Foundation vừa bình chọn Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất Châu Á và nằm trong top 5 của thế giới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Đúng như Bác Hồ khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốt của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”./.

Trung Thành


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng