“Chớ tự kiêu tự đại”
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Chớ tự kiêu tự đại. Tự kiêu tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại là thoái bộ”. Lênin cũng chỉ ra ba thứ kẻ thù “nội xâm” mà những người cộng sản Nga phải tiêu diệt, trong đó trước nhất, nguy hiểm nhất là bệnh “kiêu ngạo cộng sản”. Người khẳng định: “Không có gì nguy hại và tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản bằng thói lên mặt ta đây là cộng sản”.
Trong thực tế cuộc sống, còn nhiều cán bộ, đảng viên mới có một chút chức quyền trong tay nhưng đã bộc lộ thói tự kiêu, tự đại, huênh hoang, làm liều như: Dọa nạt, hành hung cán bộ, nhân viên khi họ đang thi hành công vụ; mạt sát, coi thường, sách nhiễu Nhân dân khi người dân có việc cần đến cơ quan công quyền; dùng quyền lực chèn ép dân lành, làm những điều sai trái, “vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán than”, họ coi mình là quan cách mạng, ỷ thế, cậy quyền: “cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi kinh dư luận, không nghĩ đến dân”. Thậm chí có cả những người có học hàm, học vị, giữ chức vụ quan trọng ở một nhà trường, nhưng lại nói năng lỗ mãng, hống hách, ứng xử thiếu văn hóa với khách đến tìm hiểu về cơ quan, đơn vị mình. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một số thói hư, tật xấu, thiếu văn hóa... của một số cán bộ, đảng viên và thói học đòi, tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa nước ngoài. Sự ý nhị của Tổng Bí thư yêu cầu giữ lấy “Chân quê” (bài thơ của của Nguyễn Bính năm 1936), trong bài thơ có bốn câu cuối là: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” là lời nhắc nhở sâu sắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, xây dựng và duy trì lối sống trong sáng, lành mạnh, có văn hóa...
Căn “bệnh” trên là “con đẻ” của chủ nghĩa cá nhân, là “kẻ địch nội xâm”,“kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”.
Để khắc phục căn “bệnh” hủ hóa trên, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,“quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; thường xuyên thực hiện lời dạy của Bác: “Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình” - đây là thang thuốc hay nhất để phát huy ưu điểm, gột rửa những mặt xấu.
Tại khoản 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Gần đây, ngày 25/10/2021,Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành Quy định số 37-QĐ/TW quy định về những điều đảng viên không được làm, mục đích cũng là để làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ngày càng thấm nhuần đạo đức cách mạng, tự rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng với vai trò tiền phong.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn ghi nhớ và học cách khiêm tốn, cần biết nói những gì, nói ở đâu và nói vào lúc nào, cần phải biết lắng nghe phê bình, tiếp thu phê bình một cách thành thật, rồi tích cực sửa chữa sai lầm theo đúng tinh thần của người Cộng sản. Người xưa đã nói: Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút hóa ra thừa. Câu nói này đến nay vẫn đúng và vẫn còn giá trị.
Kim Tuyến (Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh An Giang)