Bản lĩnh chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường lãnh đạo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức; khẳng định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị - tư tưởng trong toàn Đảng bộ

Bên cạnh việc "…Tăng cường đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ động đấu tranh ngăn chặn, phản bác kịp thời các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch" thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định đó là: "…Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ…".

 

Bản lĩnh chính trị là phần cốt lõi, cơ bản nhất, là phẩm chất quan trọng cần phải có hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên, là tinh thần, ý chí quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi gian khổ và không dao động trước thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là sự vững vàng, kiên định và nhạy cảm trước những biến động chính trị - xã hội; tích cực tham gia vào các quá trình chính trị - xã hội trên cương vị, chức trách được giao; giải quyết chính xác, nhanh chóng và có hiệu quả những vấn đề nảy sinh ở cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền. Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng thì trước hết từng cán bộ, đảng viên phải xây dựng được cho mình bản lĩnh chính trị.

 Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là một trong những yếu tố quan trọng hình thành bản lĩnh chính trị của Đảng. Bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng được thể hiện ở việc quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm, đường lối, chiến lược, sách lược; ở sự mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, thái độ và khả năng xử lý các tình huống phức tạp; ý chí và khả năng đấu tranh chống lại sự tấn công của kẻ thù; sự nhạy cảm với cái mới và khả năng tự đổi mới.

Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của việc hình thành, bồi dưỡng và hun đúc nên phẩm chất, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các mặt công tác tư tưởng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Ngay đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng đều thực hiện công tác tư tưởng gắn với việc đấu tranh chống lại các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", các tư tưởng phản động, sai trái chống Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực chống âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tích cực duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hoạt động báo cáo viên và cộng tác viên dư luận xã hội được triển khai, tổ chức thực hiện ngày càng nền nếp, chất lượng. Trong sinh hoạt chi bộ, công tác tư tưởng luôn là nội dung quan trọng, đồng thời các buổi sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề đã góp phần tạo sự gắn kết và tăng thêm sức chiến đấu cho cán bộ, đảng viên. Mặc dù chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vẫn luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng an ninh được đảm bảo.

Hiện nay, cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội và phát triển kinh tế, chính trị, an ninh, trong đó có tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức nghiêm trọng, tỉnh An Giang đã trải qua thời gian giãn cách xã hội dài nên đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trước những vấn đề trên, công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, công tác xử lý, giải quyết tiếp tục được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện với các nhiệm vụ trọng tâm là bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, đơn vị phát huy tính chủ động của các thành viên tham gia; bám sát cuộc sống của người dân để phản ánh kịp thời tư tưởng, dư luận những vấn đề, vụ việc cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm để tham mưu xử lý, định hướng dư luận khi có vấn đề tư tưởng nổi cộm phát sinh và thực hiện phương châm "đi trước" để lắng nghe tâm trạng xã hội, dự báo xu hướng ổn định tình hình tư tưởng trong xã hội...

Để tiếp tục xây dựng và rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng và của chính cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm, quán triệt sâu sắc và theo đúng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiến hành đồng bộ từ việc nâng cao nhận thức tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị; nâng cao năng lực công tác, phương pháp làm việc, tác phong công tác gắn liền với vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Điều này càng trở nên cần thiết trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng...

Tạo môi trường cho cán bộ, đảng viên được thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Bản lĩnh chính trị của cán bộ đảng viên có điều kiện được bộc lộ khi họ được hoạt động trong môi trường có nhiều thử thách, trong tình huống phức tạp về chính trị. Càng nhiều khó khăn, thử thách, thì càng bộc lộ rõ bản lĩnh chính trị. Bên cạnh đó, bản lĩnh chính trị được được tôi luyện, vững vàng trong môi trường công tác có nhiều khó khăn, thử thách, có nhiều cám dỗ. Tình huống phức tạp về chính trị là dung môi tốt nhất để thử, để nhận biết về bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên./.

NĐG


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng