Luôn xứng đáng với sự yêu mến và ca ngợi!

Từ một đất nước nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, GDP bình quân đầu người năm 1991 chỉ đạt 188 USD, thuộc nhóm thấp nhất thế giới, đến năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành sớm gần 10 năm “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”; hiện ngân sách Nhà nước dành cho phúc lợi xã hội đang đứng đầu các nước ASEAN…

Mặc dù vậy, trước mắt vẫn còn một số không nhỏ dân cư có đời sống rất khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều cả nước năm 2020 là 4,8%, riêng vùng trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ cao nhất là 14,4%, thu nhập bình quân đẩu người mỗi tháng chỉ đạt 2,7 triệu đồng)… Bác Hồ từng chỉ dạy: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi…”. “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”.

 

Nhưng rất tiếc, đến nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Đây là một khuyết điểm lớn. Bác Hồ từng nghiêm khắc phê phán: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của Nhân dân”. Và “Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ. Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc Nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”.

Vì thế, Đảng ta luôn cố gắng "… giữ gìn … thật trong sạch… xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân". Ngay khi bước vào đổi mới, Đảng đã nhìn thấy: “… trong xã hội ta đang có những hiện tượng không bình thường… Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền, quên những năm tháng cùng Nhân dân…, không quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết do quần chúng đặt ra”. Từ đó đến nay mỗi nhiệm kỳ Trung ương đều có những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan trọng hơn, bản thân Người luôn là biểu hiện sinh động của những điều mình nói. Theo Bác: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng”. Nhưng điều nguy hiểm là nó thường có nhiều hay ít trong mỗi chúng ta. Nó là “vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ” để lại. Nó luôn ẩn nấp đâu đó “chờ dịp để phát triển”. Nó “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt”. Càng nguy hiểm hơn là khi bùng phát, nó sẽ “che lấp đạo đức cách mạng”. Nó là kẻ thù của mỗi người, kẻ thù của cách mạng; là bạn đồng minh của chủ nghĩa đế quốc…

Với quyết tâm chính trị cao, trong những năm gần đây chúng ta đã có được sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thành tựu căn bản nhất là được Nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ; trực tiếp góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bên cạnh những thành tích đáng kể, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm kéo dài. Thực tiễn đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thật sự "là đạo đức là văn minh"; phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Trong đó phải thấy sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin là nguy hiểm nhất. Họ là những người sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao… Họ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân…

Đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Phải hiểu đúng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.

Suốt hơn 90 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình. Nhưng mỗi chúng ta phải luôn khắc ghi lời cảnh tỉnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”./.

T.T


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng