NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HOÁ”
Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chúng ta phải làm nhiều việc, nhưng trước hết phải có sự thống nhất về nhận thức.
Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đã và đang len lỏi ngày càng sâu vào mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Điều này cũng đã được Đảng ta chỉ rõ trong nhiều văn kiện.
Gần đây nhất trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...”.
Cùng với đó, Đảng ta cũng nhận định, cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, diễn ra rất gay go, phức tạp, thực sự là vấn đề cấp bách đối với sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chúng ta phải làm nhiều việc, nhưng trước hết phải có sự thống nhất về nhận thức.
Trong thực tiễn hiện nay, vẫn có không ít người cho rằng, sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam chỉ có trong cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền… cho nên đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là công việc riêng của Đảng…
Nhận thức như vậy là rất sai lầm, mơ hồ và thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm, đặc biệt là không thấy vai trò rất quan trọng của nhân dân với cuộc đấu tranh này.
Cần khẳng định đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội mà là trách nhiệm của toàn dân, của toàn xã hội.
Đề cập về mục tiêu lý tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay đã chứng minh rõ nét muốn hoàn thành mục tiêu lý tưởng của mình, muốn trường tồn và phát triển vững mạnh Đảng phải biết dựa vào nhân dân.
Chính phong trào đấu tranh của nhân dân là cái nôi mà Đảng ta sinh ra và tôi luyện, phát triển. Trong kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà chính nhờ được nhân dân chở che, đùm bọc, bảo vệ và hiến kế mà Đảng ta ngày càng trưởng thành, lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong hơn 35 năm đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước càng chứng minh rõ vai trò to lớn của nhân dân.
Một trong những bài học sâu sắc, quý báu mà Đảng ta rút ra từ sự nghiệp đổi mới là: Ðổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...
Công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa những năm gần đây càng thêm khẳng định vai trò của nhân dân. Tâm tư, nguyện vọng; những kiến nghị, đề xuất; những phát minh, sáng kiến nảy sinh từ thực tiễn lao động sản xuất và chiến đấu của nhân dân là yếu tố quan trọng góp phần hình thành, hoàn thiện đường lối, chủ trương, quyết sách của Ðảng. Không chỉ góp phần hình thành, hoàn thiện mà chính nhân dân còn là nguồn lực, sức mạnh để biến những chủ trương, quyết sách của Đảng đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực.
Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của Đảng ta những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Không ít biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đặc biệt là nhiều hiện tượng tiêu cực, hành vi tham nhũng của cán bộ, đảng viên đã được phát hiện qua tai mắt nhân dân. Một yếu tố rất quan trọng tạo nên những kết quả ấy là Đảng ta đã biết phát huy tai mắt của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khái quát và khẳng định: “Nhân dân là tai mắt của Đảng”. Có thể nói nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói chung, trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nói riêng.
Đây là cuộc đấu tranh gay go, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, không thể xem nhẹ vai trò của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Theo tinh thần ấy dù khó khăn, phức tạp mấy có nhân dân nhất định chúng ta sẽ vượt qua và cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, nhất định sẽ đạt được mục tiêu đề ra./.
Theo Báo Nghệ An