Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh là trường hợp hiện hữu của lịch sử khi đã “trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống” và thời gian càng lùi xa, sức sống và giá trị trong tư tưởng của Người càng tỏa sáng.

Việc luận giải sức sống bất hủ của tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn, vững tin hơn vào nền tảng tư tưởng của Đảng mà tự thân những giá trị to lớn trong tư tưởng của Người là sự phủ nhận hữu hiệu đối với các ý kiến lệch lạc, xuyên tạc Hồ Chí Minh của các phần tử cơ hội chính trị. Mặt khác, việc khẳng định những giá trị trường tồn trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách giúp cán bộ, đảng viên phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị và những biểu hiện lười nhác, xem nhẹ việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thế kỷ 20 đầy bão tố đã khép lại cùng với sự đóng góp của nhiều vĩ nhân, trong đó có Hồ Chí Minh. Điều làm nên sức mạnh và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là những đặc tính tiêu biểu toát lên từ tư tưởng của Người.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src=
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh tư liệu

1. Nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.

Khát vọng tự do là đặc tính của con người nên khi chủ nghĩa thực dân đẩy vô số dân tộc vào vòng nô lệ, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là xu thế tất yếu của thời đại. Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở thành đại diện của các dân tộc bị áp bức đấu tranh cho quyền được làm người, quyền được sống trong bình đẳng và tự do.

Được trang bị phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin và bằng trải nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh đưa ra những phát kiến ở tầm thời đại về con đường cứu nước và phương hướng dựng nước của dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Hồ Chí Minh có hệ thống quan điểm hết sức sáng tạo về phương thức giải phóng, đó là cách mạng thuộc địa phải tiến hành một cách chủ động, sáng tạo, không thụ động trông chờ vào cách mạng chính quốc và sẽ thành công trước cách mạng chính quốc. Thực hiện tư tưởng của Người, dân tộc Việt Nam không chỉ giành được độc lập, tự do mà thắng lợi của nhân dân Việt Nam còn góp phần làm tan vỡ hệ thống thuộc địa trên quy mô toàn thế giới. Vì thế, Hồ Chí Minh được mệnh danh là người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ. Nhà bác học người Anh Béctơrăng Rútxen đã viết: “Sự nghiệp vô tư và quên mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nền độc lập và thống nhất của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ nay đã làm cho Người trở thành không những là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mà còn là kiến trúc sư nổi tiếng của thế giới đã thoát khỏi chủ nghĩa thực dân”.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh những giá trị vĩnh hằng của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Thế giới tôn vinh Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa hòa bình bởi Người luôn nỗ lực giải quyết xung đột với dân tộc khác bằng con đường đối thoại văn hóa, khi buộc phải tự vệ thì Người chủ động hạn chế không gian chiến tranh ở Việt Nam để bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới. Hồ Chí Minh rất yêu chuộng hòa bình nhưng đó phải là hòa bình thực sự-hòa bình trong độc lập, tự do bởi đúng như Người đã tuyên bố: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Với Hồ Chí Minh, độc lập, tự do không chỉ là mục tiêu chính trị mà còn là giá trị đạo đức. Một con người yêu nước, một dân tộc có lòng tự tôn sẽ không cam tâm sống cuộc đời nô lệ. Khi thế giới còn đầy rẫy sự bất công, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý lớn của thời đại.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng đoàn kết và hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc.

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách mệnh trên thế giới đều là đồng chí của dân An Nam”. Có thể coi đây là khởi phát của chiến lược đoàn kết quốc tế của Người. Cần nhấn mạnh rằng, chiến lược ấy ra đời không chỉ vì mục tiêu chính trị mà còn xuất phát từ tình cảm đồng loại: “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Vì trong bốn biển đều là anh em”. Tình cảm ấy ở người cộng sản Nguyễn Ái Quốc hết sức sâu đậm nên từ năm 1923, nhà thơ Xô viết Ôxip Manđenxtam đã cảm nhận: “Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy được ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.

Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Người không ngừng giáo dục nhân dân về tình hữu nghị, về đạo lý “giúp bạn là tự giúp mình”. “Chiến tranh lạnh” đẩy các quốc gia vào thế “đối đầu” nhưng Hồ Chí Minh vẫn kiên trì khẳng định: “Các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”. Hồ Chí Minh là người luôn tìm cách quy tụ thay cho loại trừ, luôn nỗ lực tìm ra “mẫu số chung” chứ không “khoét sâu” sự khác biệt. Với tinh thần “tìm sự thống nhất trong đa dạng”, Hồ Chí Minh không chỉ là người có tư duy quốc tế hiện đại, tinh thần khoan dung văn hóa mà còn là đại sứ của Việt Nam trên toàn cầu.

4. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần đổi mới và hội nhập-xu thế lớn của thời đại ngày nay.

Hồ Chí Minh là người đặc biệt nhạy bén với cái mới. Người định nghĩa cách mạng cũng từ góc độ này: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Trung thành với Chủ nghĩa Mác nhưng Người vẫn đặt câu hỏi: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Từ nhận thức đó, Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng mà còn phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng một loạt luận điểm mới, phù hợp với cách mạng Việt Nam. Lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người căn dặn cán bộ tuyệt đối không được giáo điều, bảo thủ. Trong "Di chúc" để lại, mặc dù không trực tiếp sử dụng khái niệm “đổi mới” nhưng Người đã phác thảo một chiến lược đổi mới trên nét lớn và căn dặn: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Sự nghiệp đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề xướng đã trở lại đúng tinh thần đó và thành tựu do đổi mới mang lại thực sự vĩ đại. Đó là minh chứng cho khả năng dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh. Khi thế giới đang phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có như hiện nay, tư tưởng đổi mới của Hồ Chí Minh càng trở nên ý nghĩa.

Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ngay khi nhà nước cách mạng mới ra đời và chưa được quốc gia nào công nhận, chủ trương mở cửa, kêu gọi đầu tư đã được Người khẳng định trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” (tháng 12-1946). Trong thương mại quốc tế, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà”. Ngày nay, hội nhập quốc tế toàn diện đã trở thành xu thế tất yếu nhưng vào thập niên 1940, chủ trương của Hồ Chí Minh về hợp tác kinh tế với các nước có sự khác biệt về ý thức hệ và thể chế chính trị, thực sự là tư duy hết sức mới mẻ, tiến bộ.

5. Tư tưởng văn hóa-đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc mà còn để lại hình mẫu về văn hóa làm người.

Với Hồ Chí Minh, văn hóa không phải là cái gì quá cao siêu mà phải trở thành “văn hóa đời sống”, tức là văn hóa phải góp phần loại bỏ những gì lạc hậu, dốt nát, phù hoa, xa xỉ trong tập tục và nâng cao dân trí để mỗi người giải phóng hết “năng lực người” của mình.

Hồ Chí Minh rất sâu sắc khi cho rằng, việc tiếp thu văn hóa nhân loại phải song hành với việc quảng bá văn hóa dân tộc vì ngoài vấn đề lợi ích thì đó còn là sự dâng hiến theo tinh thần “mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng”. Hàm chứa những quan điểm hết sức sâu sắc, cho nên, UNESCO đánh giá: Tư tưởng Hồ Chí Minh “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Hồ Chí Minh còn là nhà tư tưởng đặc biệt quan tâm đến đạo đức. Nói về tầm quan trọng của đạo đức, Hồ Chí Minh luôn khẳng định đạo đức là cái gốc của con người, là sức mạnh của người cách mạng và Đảng cách mạng, là điều kiện để con người vươn tới tài năng, là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của học thuyết cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cao nhất chính là suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và nhân loại.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh giàu sức thuyết phục không chỉ bởi đặc tính khoa học, nhân văn mà còn vì cuộc đời “trong như ánh sáng” và sự hiến dâng trọn vẹn cho dân, cho nước của Người. Không chỉ nhân dân Việt Nam, các trí tuệ lớn của thời đại cũng đã thừa nhận: "Nói tới một con người mà cả cuộc đời mình đã để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Hồ Chí Minh". Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và đạo đức Hồ Chí Minh-mẫu mực điển hình về sự trong sáng, cao thượng, luôn hòa quyện trong nhau và có ý nghĩa thời sự rất lớn đối với một thế giới nhiều nghịch lý hiện nay.

Thế giới ngày càng giàu có và hiện đại nhưng do sự phát tác thái quá của chủ nghĩa cá nhân, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng giữa các tầng lớp và dân tộc, không ít người đã rơi vào khủng hoảng lẽ sống, niềm tin. Điều đó dẫn đến sự gia tăng bạo lực và lối sống lệch lạc của một bộ phận dân chúng. Đến mức, có người dùng cụm từ “dã man trong văn minh” để nói về thế giới hiện đại. Sinh thời, Thủ tướng Ấn Độ Nêru đã kết luận rất đúng rằng: “Thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng... Cái cần bây giờ là tiếp cận hòa bình, hữu nghị và tình bạn. Hồ Chí Minh là biểu tượng cho sự tiếp cận đó”. Tư tưởng nhân văn-đạo đức Hồ Chí Minh với triết lý nhân sinh “chính tâm và thân dân” sẽ đánh thức phần “thiện” trong mỗi con người, giúp họ tìm ra lẽ sống đúng đắn và cách hành xử hợp đạo lý để có được hạnh phúc đích thực.

Năm tháng trôi qua nhưng Hồ Chí Minh “không phải là một kỷ niệm của quá khứ. Người là một con người diệu kỳ cho tất cả mọi thời đại”. Đó là sự đánh giá xác đáng mà nhân loại đã dành cho Bác Hồ của chúng ta.

 

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: S.N


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng