Nhiệm vụ cấp bách cần được thực hiện với quyết tâm cao
Ở Việt Nam, tham nhũng được xác định là “giặc nội xâm” gây cản trở sự phát triển đất nước, làm suy yếu bộ máy của Đảng và Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, cần được tiến hành thường xuyên và lâu dài với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Ngay từ ngày đầu thành lập, đặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về nguy cơ, hiểm họa từ “giặc nội xâm” tham nhũng, lãng phí bởi đây là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế chậm phát triển, gây thiệt hại ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản của nhân dân, làm rối loạn xã hội, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Có những vụ án tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Tham nhũng, lãng phí cho thấy sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Nghiêm trọng hơn, tham nhũng gây tổn hại đến hệ thống chính trị, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Công tác tổng kết lý luận và thực tiễn cho thấy phòng, chống tham nhũng, lãng phí, là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước ta. Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta thẳng thắn chỉ ra rằng “Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn nghiêm trọng”, vì thế “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng và Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết tâm, nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội, phản động lập tức coi đây là một mục tiêu quan trọng để chống phá với những thủ đoạn vô cùng tinh vi. Chúng thường xuyên đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc như cho rằng “tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là do thể chế chính trị”; “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”; “Làm nhiều, sai nhiều. Làm ít, sai ít. Không làm, không sai”; “Tất cả những chuyện về suy thoái, chuyện về “diễn biến”, rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… chỉ nhằm “triệt phe phái”, là “tranh nhau ghế”. Các đối tượng hướng đến việc thay đổi thể chế chính trị để chống tham nhũng, thực hiện chế độ tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực.
Lợi dụng không gian mạng, các đối tượng thường xuyên đăng tải, chia sẻ các nội dung, thông tin liên quan đến các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội để hướng lái dư luận, bôi nhọ đội ngũ lãnh đạo, làm mất lòng tin của người dân với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Mục tiêu mà các đối tượng chống phá hướng tới là nhằm xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận những nỗ lực mà Đảng và nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vu cáo chính quyền hạn chế người dân đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, quy kết xã hội thiếu dân chủ, càng chống tham nhũng, tiêu cực thì càng tham nhũng, tiêu cực; kích động tâm lý bất mãn trong một bộ phận quần chúng, gây rối trật tự an toàn xã hội, phức tạp về an ninh chính trị; hạ uy tín tiến tới phủ định vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và Nhà nước, khiến Việt Nam phát triển đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết đó là kịp thời nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái trên cơ sở khoa học và thực tiễn sinh động. Cần nhận thức rõ rằng tham nhũng, tiêu cực xuất hiện ở bất cứ quốc gia, khu vực và tồn tại trong mọi thể chế chính trị. Dù với một đảng cầm quyền hay đa đảng, dù là “tam quyền phân lập” thì nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, trình độ quản lý kinh tế, xã hội ở mức cao.
Theo báo cáo hằng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) - Chỉ số xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về tham nhũng trong khu vực công, xét thang điểm từ 0 (tham nhũng cao) đến 100 (rất minh bạch) thì năm 2023 chỉ 28 trong số 180 quốc gia được đánh giá đã cải thiện mức độ tham nhũng khu vực công và có tới 34 quốc gia đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể.
Đứng đầu bảng xếp hạng là Đan Mạch (90), Phần Lan (87), New Zealand (85), Na Uy (84), Singapore (83), Thụy Điển (82), Thụy Sĩ (82), Hà Lan (79), Đức (78), và Luxembourg (78). Hầu hết các quốc gia không ngăn chặn được tham nhũng, trong đó bao gồm cả những quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”. Thực tiễn này cho thấy đây là vấn nạn toàn cầu và công tác chống tham nhũng, tiêu cực phải được tiến hành ở tất cả các quốc gia.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nỗ lực, quyết tâm trong đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là yêu cầu tất yếu của việc Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII, dựa trên các văn bản, quy định được xây dựng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những kết quả quan trọng.
Nhìn chung trong những năm qua, kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực có nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị.
Các cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tích cực, chủ động phát hiện, đấu tranh quyết liệt và khởi tố, điều tra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng tại những lĩnh vực hoạt động chuyên môn sâu, khép kín cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Kết quả này có tác dụng lớn trong cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa nhất định đối với tội phạm tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, chỉ đạo đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong bài viết “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận”.
Kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây cho thấy: “tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”.
Góp phần vào hiệu quả công tác đấu tranh này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc định hướng dư luận, phản biện xã hội. Trên cơ sở công tác nắm tình hình, phát hiện các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tổ chức các tuyến tin bài đấu tranh kịp thời giúp người dân nhận diện và đề cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng, dẫn dắt.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, sự vào cuộc chủ động của báo chí truyền thông và các cơ quan chức năng đã phát huy được vai trò, hiệu quả của không gian mạng như một công cụ hỗ trợ cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tận dụng đặc điểm sự tập trung đông người hình thành các điểm nóng dư luận giúp các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tình hình để có những biện pháp xử lý phù hợp.
Đồng thời trên không gian mạng với sự tham gia của các thành viên có trách nhiệm là đội ngũ những người làm báo góp phần hình thành một môi trường xã hội dân chủ, huy động người dân cùng tham gia giám sát các hoạt động quản trị xã hội, phát hiện và phản ánh kịp thời những biểu hiện tiêu cực, những âm mưu, luận điệu nhằm chống phá công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đất nước ta. Từ đây giúp cơ quan có thẩm quyền có cơ sở để nhận diện, xác minh và xử lý đối với những đối tượng có hành vi sai trái.
Tuy nhiên, vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức. Đó là một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Do đó đòi hỏi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được xác định là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với tinh thần “kiên trì, không “ngừng”, không “nghỉ”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng; đồng thời “cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.
Theo đó cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả.
Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh, nhận diện, vạch mặt những đối tượng có mưu đồ chống phá an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Sử dụng các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội thường xuyên thông tin cho đông đảo quần chúng nhân dân vừa tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vừa phản bác những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ của các thế lực thù địch.
Song song đó cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học-công nghệ tiên tiến, từ đó tăng năng suất lao động, với lao động chất lượng ngày càng cao, tạo nhiều của cải vật chất cho xã hội, không ngừng cải thiện đời sống của người dân.
TS. MAI DIỆU ANH
Nguồn: nhandan.vn
Sưu tầm: S.N