Sao còn vấn vương tấm áo lỗi thời?
Ngót nửa thế kỷ từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, song những luồng tư tưởng gợi lại tàn tích chiến tranh, kích động hận thù vẫn ẩn hiện đâu đó trong đời sống của các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Điều đó đòi hỏi thế hệ ngày nay càng phải thể hiện trách nhiệm lớn hơn nữa trong việc phản đối những gì đi ngược lại với chính sách hòa hợp dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện.
Không chỉ là những hành vi phản cảm
Lâu nay, một số cá nhân bất mãn và tổ chức, trong đó có các tổ phản động lưu vong ở nước ngoài, cùng các thế lực thù địch vẫn rắp tâm kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn, mà một trong số đó là tổ chức mua bán, sưu tầm và mang mặc các trang phục từ thời ngụy quân, ngụy quyền.
Sẽ chẳng ai ý kiến gì nếu như trang phục mà một số cá nhân cổ xúy lại là bộ quần áo rằn ri mà lính Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam trước năm 1975. Những trang phục ấy thường được ăn vận trong các buổi tụ tập, lễ tưởng niệm hay diễu hành với các mác “phục quốc” hay “làm sống dậy” tinh thần của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Dù đó chỉ là những sự việc, hiện tượng nhỏ lẻ nhưng vẫn khiến bức xúc dư luận, tác động xấu đến nhận thức cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, bởi được lặp đi lặp lại vào những dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước suốt bao nhiêu năm qua.
Dĩ nhiên, mỗi người đều có quyền lựa chọn xu hướng, phong cách ăn mặc cho riêng mình, song việc khoác lên mình trang phục của kẻ xâm lược và chế độ tay sai bán nước, từng gieo tội ác với dân tộc mình cách đây gần nửa thế kỷ rõ ràng là hành vi khoét sâu vào vết thương chiến tranh trong quá khứ, gieo rắc lòng hận thù tới một bộ phận kiều bào đang sinh sống ở hải ngoại, nhất là giới trẻ hải ngoại. Cùng với đó là ảo vọng muốn thông qua trang phục, âm nhạc hay các hoạt động nghệ thuật để làm sống lại những giá trị đã lỗi thời và đã bị đào thải của chính quyền tay sai bán nước ở Sài Gòn trước năm 1975. Suy cho cùng, đó không đơn thuần là những hành vi mà thoạt nhìn đã thấy lố bịch, phản cảm.
Một góc thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Nhưng cũng không loại trừ khả năng họ chính là nạn nhân xúi giục của những kẻ luôn mang trong mình lòng hận thù, tư tưởng bất mãn, hoặc các tổ chức phản động lưu vong có tư tưởng thù địch với Việt Nam, muốn dựa vào những tàn tích quá khứ để bóp méo lịch sử, kích động hận thù, phá hoại chủ trương “hòa hợp dân tộc”, “khép lại quá khứ, mở ra tương lai” và chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Theo dõi trên mạng xã hội có thể thấy, thời gian gần đây, việc mang mặc những trang phục như vậy thường bị dư luận nhận diện và phản đối một cách hết sức nhanh chóng, quyết liệt. Mừng vì điều đó càng chứng tỏ người Việt Nam ta ở trong nước cũng như nước ngoài giờ đây đều có chung quan điểm, đó là không thể cổ xúy những gì đã trở thành vô giá trị, những gì gợi lại quá khứ đau thương của dân tộc. Vẫn biết hòa hợp dân tộc là một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhưng sẽ khó đi đến đích nếu chưa thoát khỏi chiếc áo nhuốm máu đồng bào, nhuốm màu thù hận, mặc cảm và định kiến.
Đặt niềm tin vào thế hệ kiều bào trẻ
Tính đến tháng 4-2023, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, dù còn một bộ phận vẫn giữ định kiến, nhận thức và hành động không phù hợp lợi ích quốc gia, song hầu hết đều có tư tưởng cởi mở hơn, có cái nhìn đúng đắn về lịch sử và đất nước, đặc biệt là thế hệ kiều bào trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh.
Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều người trong số những kiều bào trẻ đang đóng vai trò nòng cốt, có sức ảnh hưởng lớn trong việc tập hợp, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước, đồng thời là những nhân tố quan trọng trong triển khai chính sách hòa hợp dân tộc và tác động lớn đến nhận thức, thái độ của cộng đồng nơi họ đang sinh sống. Họ cũng là nguồn lực quan trọng của quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thể hiện qua những đóng góp cụ thể, thiết thực của mỗi người trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo...
Có được những kết quả ấy là do Đảng, Nhà nước ta đã đề ra các chủ trương, chính sách liên quan tới hòa hợp dân tộc và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 (khóa IX) của Bộ Chính trị “Về công tác dân tộc”, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Đặc biệt, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” đã khẳng định đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung...; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Một trong những ví dụ điển hình là hiện nay, những người từng làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 được đối xử bình đẳng trong mọi hoạt động, từ xuất, nhập cảnh, hồi hương, quốc tịch đến về nước làm ăn, đầu tư kinh doanh...
Những năm gần đây, kiều bào còn tham gia nhiều hoạt động, sự kiện mang tinh thần hướng về quê hương, đất nước, gắn kết kiều bào với quê hương như Chương trình xuân quê hương, tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1... Đặc biệt, trong số những kiều bào tích cực tham gia những chương trình ấy có cả những người trước đây từng mang quan điểm khác biệt, nay đã thay đổi suy nghĩ và có cái nhìn đúng đắn về quá khứ cũng như thực tại của đất nước.
Qua đó cho thấy, trong quá trình triển khai chính sách hòa hợp dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, nhất là người trẻ ở hải ngoại. Chính họ cũng là những người có tiếng nói trọng lượng nhất để phản bác quan điểm đòi “phục dựng” một chế độ đã “cáo chung” từ nhiều năm trước, từ đó tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh và giúp cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài toàn tâm toàn ý đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
ANH VŨ
Nguồn: qdnd.vn
Sưu tầm: S.N