Sao lại hình thức?

Các ông ơi, mấy hôm vừa rồi các trang mạng "lề trái" lại rêu rao rằng việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vừa qua là “hình thức”, “mị dân”. Tôi đọc tức anh ách mà chưa đủ lý lẽ để phản bác luận điệu phản động này một cách thực sự thuyết phục.

Nghe ông Huy, Phó bí thư chi bộ thôn bày tỏ bức xúc trong lúc ngồi uống trà vào chiều cuối tuần, ông Trung, nguyên Bí thư chi bộ thôn, vốn là người hiểu biết sâu, giải thích:

- Các thế lực thù địch, bất mãn thì việc gì Đảng, Nhà nước ta làm, chúng cũng tìm mọi cách để suy diễn, xuyên tạc, chống phá các ông ạ. Rõ ràng ai cũng biết việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đây là chủ trương rất đúng đắn đã được thực tế chứng minh là có hiệu quả. Qua lấy phiếu tín nhiệm, giúp các đồng chí cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm biết uy tín của mình trước tập thể, từ đó phát huy ưu điểm, phấn đấu khắc phục hạn chế, thiếu sót để hoàn thiện mình hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Đồng thời, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước đánh giá cán bộ sát đúng hơn, tiến hành công tác cán bộ trong hệ thống chính trị chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Sao lại hình thức?

Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. 

- Nhưng qua lấy phiếu tín nhiệm không có cán bộ nào bị mất chức nên các trang "lề trái" cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ hình thức, không thực chất.

Thấy ông Huy vẫn băn khoăn, ông Trung tiếp tục lý giải:

- Chúng ta phải khẳng định, tuyệt đại đa số cán bộ được đánh giá đúng qua lấy phiếu tín nhiệm. Việc không cán bộ nào có tín nhiệm quá thấp phải mất chức thì không có nghĩa là việc lấy phiếu hình thức mà đây cũng là điều đáng mừng, chứng tỏ chưa có cán bộ uy tín quá thấp. Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết và những lợi ích thiết thực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, nhấn mạnh: “Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm". Chúng ta đều biết, mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm chính là dịp để cán bộ “tự soi”, “tự sửa” về phẩm chất, năng lực, uy tín của bản thân; qua đó cảnh tỉnh, báo động đối với những cán bộ có tín nhiệm thấp. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội công khai ngay sau khi bỏ phiếu kín. Vì vậy, nhân dân sẽ giám sát, lên tiếng nếu “có vấn đề". Mỗi lá phiếu tín nhiệm là lá phiếu của niềm tin mà mỗi đại biểu, mỗi người dân gửi gắm vào đội ngũ cán bộ-ông Trung giải thích cặn kẽ.

- Tôi cũng hay theo dõi, cứ đến mỗi dịp này là những kẻ phản động, xuyên tạc, chống phá lại lợi dụng mạng xã hội hoặc các diễn đàn trên internet để đưa tin thất thiệt, dẫn dắt dư luận, gây chia rẽ nội bộ, tạo sự hoài nghi, ngờ vực trong nhân dân về đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp. Vì vậy, mình đọc thông tin cần tỉnh táo và có chính kiến để phản bác lại, đồng thời giải thích cho người dân. Có đúng không các ông? Ông Trung nhấn mạnh thêm.

- Bác Trung giải thích thật thuyết phục. Chúng ta cũng phải góp tiếng nói để bà con hiểu rõ, tránh bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc chống phá - ông Huy gật gù bày tỏ sự tán đồng.

TRẦN CHIẾN

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: S.N


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng