Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước
Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ý chí, khát vọng của Nhân dân luôn là điều kiện căn cốt, là động lực chính yếu để thực hiện thắng lợi mục tiêu của mỗi quốc gia, dân tộc. Tùy theo từng thời kỳ, giai đoạn mà ý chí, khát vọng ấy sẽ được các nhà lãnh đạo, quản lý đất nước cụ thể hóa bằng những chủ trương, đường lối khác nhau.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. (Ảnh tư liệu). |
Tại Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước được Đảng, Nhà nước đề ra trong giai đoạn hiện nay chính là hướng tới quốc gia phồn vinh và hạnh phúc. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó, quan trọng nhất vẫn là sức mạnh từ lòng tin của nhân dân - chủ thể của quá trình phát triển. Bài viết tập trung làm rõ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước được Đảng ta nêu ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Một bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đó là “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[1].
Truyền thống trọng dân, lấy dân là gốc là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được Đảng ta kế thừa và phát huy, và là tiền đề để Đảng ta khẳng định vai trò, vị trí của Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Cách mạng Việt Nam là sự nghiệp vì Nhân dân. Điều đó được khẳng định xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tiếp liền sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, đỉnh cao là xã hội cộng sản chủ nghĩa trên đất nước ta. Các mục tiêu vì Nhân dân của giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được kế thừa thực hiện và phát triển theo hướng vươn tới mức độ cao nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiếp tục khẳng định và thực hiện mục tiêu vì Nhân dân đến đích cao nhất mà cách mạng Việt Nam đặt ra.
Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được bổ sung thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây vừa là kết quả của tổng kết từ thực tiễn vừa là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Bởi lẽ, nhân dân là trung tâm thì quan trọng là nhân dân có toàn quyền quyết định. Trong đó có quyền giám sát, quyền thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới.
Tổng Bí thư đã khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là: một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; “chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ do một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”[2]. Đồng chí tiếp tục khẳng định: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”.[3] Như vây, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị được Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định và phát huy.
Có thể thấy rằng quan điểm phát triển này đã thể hiện cách tiếp cận quan niệm Nhân dân đi vào nội hàm, trả lời cho câu hỏi Nhân dân có gì (vị trí, vai trò), khác với cách tiếp cận ngoại diên nêu trên trả lời cho câu hỏi Nhân dân gồm những ai. Ở cách tiếp cận này, vị trí, vai trò của Nhân dân được lấy làm tiêu chí để quan niệm. Với logic ấy, đặt trong mối quan hệ với chế độ chính trị, sự nghiệp chính trị, hệ thống chính trị, rộng hơn nữa là với xã hội, với đất nước, Nhân dân là chủ, là đối tượng lãnh đạo và phục vụ. Những ai được xem là đối tượng để lãnh đạo, lấy làm mục tiêu phục vụ thì đó là Nhân dân. Quan điểm phát triển này cũng cho thấy, đối tượng hướng đến cuối cùng không phải là hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội) mà hướng đến Nhân dân như là mục tiêu thường xuyên và tối thượng. Giải phóng Nhân dân, giúp Nhân dân phát triển toàn diện, phát huy tối đa sức mạnh của Nhân dân, đưa Nhân dân lên địa vị làm chủ vận mệnh của chính mình, làm chủ chế độ, làm chủ sự nghiệp cách mạng, làm chủ xã hội là lý tưởng chính trị của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Ở mọi giai đoạn của sự nghiệp cách mạng (cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa), mọi cấp độ của tổ chức chính trị (trung ương đến cơ sở); từ nhận thức đến chủ trương, quan điểm, nghị quyết, cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tôn chỉ cũng như đường hướng hoạt động của Mặt trận và đoàn thể; từ phong cách đến phương pháp, đạo đức, văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên, tất cả không được giây phút nào xao lãng mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân.
Nhằm củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí, quyết tâm và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 16/8/2021, đồng chí Tổng bí thư đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên càn “năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô dịch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”.
Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”[4]. Đồng chí phân tích sâu sắc quan điểm của Đảng ta và khẳng định, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên… “chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng”[5]. Có thể thấy rằng, vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa của Nhân dân được Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư khẳng định. Nhân dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng của việc tạo dựng thể chế bảo đảm công bằng về cơ hội và hưởng thụ về văn hóa.
Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển kinh tế được đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh khi khái quát một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là “phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”[6]. Đồng chí nhấn mạnh: Điều đó có nghĩa là, không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội. Chính những nội dung đó đã thể hiện rõ nhất Nhân dân Việt Nam là chủ thể, là trung tâm, mục tiêu phục vụ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.
Trong bài viết “Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng”, Tổng Bí thư tiếp tục nêu rõ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng chí nhấn mạnh cần “phát huy tốt vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân;..; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[7].
Ngoài các chiến lược xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc nêu trên, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân còn được thể hiện trong chính sách và hoạt động đối ngoại. Đó là quan điểm xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Những quan điểm về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, thể hiện sự tiếp nối truyền thống “lấy dân là gốc” của dân tộc Việt Nam.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan điểm “dân là gốc”, trong đó vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước được đặc biệt đề cao. Thấm nhuần và thực hành nhuần nhuyễn các nội dung cụ thể được khẳng định tại các Văn kiện Đại hội sẽ khơi dậy sức mạnh và tiềm năng to lớn trong Nhân dân, quy tụ được lòng dân chung sức đồng lòng với Đảng, Nhà nước thực hiện khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng và hạnh phúc.
PGS.TS Lâm Quốc Tuấn; ThS Nguyễn Thị Phương Chi,
Viện Xây dựng Đảng - Học viện CTQG Hồ Chí Minh
Theo ĐCS
--------------------------------
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.27-28.
[2] Nguyễn Phú Trọng (2022): Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.21-22.
[3]Nguyễn Phú Trọng (2022), Sđd, tr.28.
[4]Nguyễn Phú Trọng (2022), Sđd, tr. 163.
[5]Nguyễn Phú Trọng (2022), Sđd, tr.165.
[6]Nguyễn Phú Trọng (2022), Sđd, tr. 27.
[7]Nguyễn Phú Trọng (2022), Sđd, tr. 447.