Xuyên tạc công tác phòng, chống dịch COVID-19, hành động đáng lên án

Trong những lúc “dầu sôi lửa bỏng”, cả hệ thống chính trị và toàn dân căng mình phòng, chống dịch COVID-19, vậy mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị tìm mọi thủ đoạn xuyên tạc, chống phá cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trên các trang mạng xã hội. Các thông tin sai sự thật đã gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Hành vi cần nghiêm trị và lên án.

Chúng trắng trợn bịa đặt, cố tình đưa thông tin sai lệch; lợi dụng một số sai sót trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam để xuyên tạc, thổi phồng với dụng ý xấu. Thủ đoạn của các đối tượng này thường xoay quanh một số chủ đề, như: Lợi dụng hình ảnh người dân trên đường về quê để xuyên tạc, bịa đặt cho rằng “Việt Nam chống dịch một cách cực đoan, lúng túng và thiếu nhất quán “mạnh ai nấy chạy” của các địa phương đã đẩy người dân các tỉnh miền Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh vào cảnh khó khăn”; sử dụng hình ảnh liên quan tới người bệnh bị tử vong để thông tin sai sự thật về số ca tử vong và gán ghép cho rằng “Việt Nam che giấu số người tử vong vì COVID-19”.

 

Thâm độc hơn, các đối tượng còn quay clip và chia sẻ thông tin liên quan tới dịch bệnh không đúng sự thật, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng; đồng thời có thái độ kích động, lôi kéo phản đối, không ủng hộ thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội của chính quyền địa phương... Chúng còn lợi dụng hình ảnh nỗ lực của các lực lượng chức năng phòng, chống dịch để bịa đặt, đổ lỗi việc dịch bệnh bùng phát trở lại ở Việt Nam là “do cách chống dịch của lãnh đạo Việt Nam ngày càng rối, yếu kém về mặt chuyên môn”; cho rằng, Chính phủ “vẫn tư duy chống dịch kiểu XHCN, chống dịch bằng khẩu hiệu, nghị quyết, vi hiến”. Chúng còn dùng một số thủ đoạn, âm mưu nguy hiểm lợi dụng việc triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương có diễn biến dịch phức tạp để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo về quyền tự do đi lại, vu cáo “ngăn sông cấm chợ”... gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Chúng còn xuyên tạc về công tác điều trị dịch bệnh, cho rằng chính quyền địa phương không chủ động trong ứng phó dịch bệnh mà tìm cách “sống chung với dịch” là bỏ mặc dân. Sử dụng video, clip bị cắt xén, lồng ghép những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận. Đây là những chiêu trò chống phá vô căn cứ của các thế lực thù địch trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Có thể thấy, ở Việt Nam, với những chủ trương đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, đoàn kết chung tay phòng, chống dịch của toàn dân đã giành được những kết quả bước đầu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Cả nước đang tập trung, gắng sức phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm rất cao, biện pháp quyết liệt, hiệu quả. Người lao động gặp khó khăn, lao động tự do hay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đại dịch được nhà nước và cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ. Đặc biệt, nhiệm vụ quan tâm chăm sóc người dân nơi vùng dịch được đặt lên hàng đầu. Các chính sách hỗ trợ về lương thực, thực phẩm… của Đảng, nhà nước, được các ngành, các cấp và cộng đồng khẩn trương triển khai kịp thời đến với nhân dân bằng tinh thần tất cả vì dân, kiên quyết không để ai bị đói.

Những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các đối tượng thù địch, phản động thể hiện rõ dã tâm thâm độc nhằm chống phá Đảng, nhà nước, công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nhân dân, nhằm gây hoang mang, dao động về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác để vạch trần và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động ở trong và ngoài nước.

Thực tế, các hành vi sai trái đó đã được các cơ quan chức năng phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm. Trong quý I-2021, toàn quốc xử phạt 55 vụ việc vi phạm, đăng tin sai sự thật, tổng số tiền trên 400 triệu đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo nhà mạng xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 500 trang với khoảng 2.000 bài viết có nội dung, hình ảnh, video, clip vi phạm. Tổng hợp video, clip vi phạm trên nền tảng mạng xã hội để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới yêu cầu gỡ bỏ; yêu cầu các nền tảng chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ hình ảnh đau thương, bất tuân dân sự, nội dung gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân và tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã rà quét, phát hiện và yêu cầu chặn gỡ 1.694 link vi phạm đăng tải thông tin sai sự thật. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo và yêu cầu Google, Facebook tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát nội dung được đăng tải. Kết quả, từ đầu năm 2020 đến nay, Facebook chặn, gỡ bỏ hơn 5.371 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, nhà nước... Qua đó, giúp kỷ cương phép nước thêm nghiêm minh, người dân thêm tin tưởng cùng chung sức, đồng lòng quyết tâm phòng, chống dịch.

Để “miễn nhiễm” với thông tin xấu độc, các tổ chức, cá nhân, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời lẽ kích động, xúi giục của ¬¬đối tượng chống phá; sáng suốt khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội; tuyệt đối không chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin sai sự thật. Đồng thời, tích cực lên án phản bác những luận điệu xuyên tạc đưa thông tin bịa đặt, sai trái về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên môi trường mạng.

HC


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng