An Giang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng
(TUAG)- Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Bác Tôn, người cộng sản kiên trung, người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sỹ thuộc lớp đầu của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc.
HOÀNG KỲ*
Cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của Bác dù thấm đẫm gian nan, thử thách, nhưng Bác luôn nêu cao tinh thần cách mạng, giữ trọn niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng giai cấp. Ngoài tính khiêm tốn, giản dị, nhân hậu, thủy chung, Người còn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức, sống cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.
Căn nhà sàn thời niên thiếu Bác Tôn ở.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Tôn đã thể hiện và xứng đáng là người con ưu tú của Tổ quốc, người yêu nước vĩ đại, người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết dân tộc, người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản quốc tế chân chính, một nhân cách lớn. Chính Bác là người công nhân đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, là người Việt Nam đầu tiên được Ủy ban giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin của Liên Xô tặng giải thưởng Lênin Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc và nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đã tặng Bác Tôn Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của nhà nước Liên Xô.
Dù nay Bác Tôn đã đi xa về với "thế giới người hiền", nhưng hình ảnh của Bác vẫn khắc sâu trong tâm trí đồng bào, đồng chí cả nước và nhân dân An Giang, giọng nói ấm áp, mộc mạc, chan chứa ân tình; phong cách công nhân khiêm tốn giản dị và ước nguyện về một quê hương An Giang giàu đẹp đã và đang được các lớp con cháu không ngừng phấn đấu thực hiện. Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2021), chúng ta cùng nhau tưởng nhớ công ơn của Bác Tôn, qua đó học tập và làm theo những phẩm chất đã tạo nên chất Người Tôn Đức Thắng.
Thứ nhất, chúng ta thấy rất rõ ở Bác một tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Tư duy này được hình thành từ thời niên thiếu, xuất thân trong một gia đình trung nông, cộng với tư chất thông minh nên có điều kiện học tập để trở thành thầy Thông, thầy Ký ở xã hội đương thời... Nhưng Bác không chọn con đường này. Sinh ra, lớn lên trong giai đoạn thực dân Pháp đã xâm lược nước ta, khắp từ Nam chí Bắc, các chí sĩ yêu nước và Nhân dân nổi lên chống thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa này đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của Bác Tôn. Mặc dù rất kính trọng những lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa (như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Phan Tam, Phan Ngũ, Lê Công Thành, Nguyễn Hữu Huân...). Song, Bác Tôn không đi theo con đường của họ, mà tự chọn con đường riêng của mình, đó là đến Sài Gòn học nghề. Có thể nói đây là sự lựa chọn đầy khó khăn, tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của Bác, tìm hướng đi mới để cứu dân, cứu nước. Cũng từ đây Bác Tôn mang hành trang yêu nước đến với phong trào công nhân, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành người cộng sản.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh viếng, dâng hương lên Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Trong cuộc đời hoạt động, Bác Tôn trải qua nhiều cương vị, giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc... Trước muôn vàn khó khăn, gian khổ, ở những thời điểm vô cùng ác liệt của phong trào cách mạng và những nguy nan cận kề, nhưng với sự linh hoạt, sáng tạo, nhiệm vụ nào Bác cũng xuất sắc vượt qua. Đề cập đến nguyên nhân thắng lợi ngày 30/4/1975, Bác Tôn viết: "Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ..." và chính Bác Tôn là một trong những lãnh đạo điển hình cho tư duy này.
Học tập tư tưởng, đạo đức Bác Tôn, các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân phải chấp hành nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, chủ động trong công tác, vươn lên làm chủ hoàn cảnh như sinh thời Bác Hồ từng trãi nghiệm "Dĩ bất biến, Ứng vạn biến"
Thứ hai, học Bác Tôn là học tầm cao trí tuệ. Với tư chất thông minh. Ngay từ khi làm thợ học việc, Bác Tôn đã nhận thức rõ bản chất bóc lột dã man, đầy rẫy bất công của chế độ thực dân, phong kiến từ đó Bác đã vận động các tầng lớp học sinh, lính thủy bỏ học, phản đối chế độ lao động quá sức, đói khổ, chống bắt lính, đánh đập, cúp phạt, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm việc... Điều này, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ và kêu gọi mọi người hưởng ứng. Quyết định rời quê hương lên Sài Gòn đến với giai cấp công nhân đang hình thành, thể hiện rõ tiến bộ về nhận thức, Bác đã thấy được vai trò của công nhân - một lực lượng tiên tiến có khả năng lãnh đạo giải phóng dân tộc. Hành động kéo cờ phản chiến trên chiến hạm France, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, Bác đã nhận thức được chủ nghĩa đế quốc, thực dân là lực lượng phản tiến bộ, nhận thức được xu thế phát triển của thời đại.
Với nhiều hoạt động tích cực trong phong trào công nhân và từ tìm tòi nghiên cứu, Bác Tôn đã trở thành lớp người đầu tiên của Việt Nam đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Không những thế, Bác còn tích cực truyền bá lý tưởng cộng sản và tinh thần yêu nước cho nhiều người. Trong Hồi ký của mình, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết: "Thấy chúng tôi còn trẻ mà đã giác ngộ cách mạng thì Bác rất thương. Bác bắt đầu giáo dục cho tôi và hai người bạn hiểu thế nào là cách mạng, thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Bác rất hiền. Bác không những thương chúng tôi mà còn thương các bạn tù khác, kể cả tù thường phạm. Khi họ đi làm về, sau bữa ăn, bị nhốt ở sam thì Bác thường gần gũi họ, giảng giải cho họ những điều sơ đẳng nhất về chủ nghĩa cộng sản, về lòng yêu nước và động viên họ phải can đảm lên, cố chịu đựng rồi khi ra tù sẽ tiếp tục làm cách mạng"[1].
Dù phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, nhưng Bác luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao, thể thiện tầm cao trí tuệ, linh hoạt, sáng tạo trong mọi thời điểm khó khăn, thử thách. Trong Điếu văn truy điệu Bác Tôn, có đoạn viết: "Bất kỳ ở cương vị công tác nào, mặc dù tuổi cao, Đồng chí luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho"[2].
Học tập đạo đức của Bác Tôn, chúng ta phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng với thế giới, với nhiều vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Thường xuyên nghiên cứu, học tập trao dồi lý luận, nắm vững lý luận để bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, chống lại các quan điểm xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận vai trò của Chủ nghĩa Mác – Lênin, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Thứ ba, yêu nước, thương dân, một lòng một dạ hy sinh vì nước, vì dân là phẩm chất cao đẹp của Bác Tôn.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, được truyền thụ chủ nghĩa yêu nước, tận mắt chứng kiến cảnh áp bức, bất công, tàn nhẫn của chế độ thực dân, phong kiến. Trong Bác Tôn đã hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân và càng được hung đúc khi Bác là thủ lĩnh của các phong trào yêu nước, phong trào công nhân ở Sài Gòn, ở nước Pháp,…
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ghi cảm tưởng tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Trong bài viết đăng trên báo "Người thủy thủ Xô Viết", Bác Tôn viết: "Từ ngày đó tôi bắt đầu cuộc sống của tôi trên biển cả, với lòng yêu quê hương tha thiết và với nguyện vọng học tập để sau này về đấu tranh mạnh mẽ hơn" và "Tôi tin rằng bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu Cách mạng Tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười". Bác Tôn khẳng định: "Ánh sáng rực rỡ và ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân các nước đã đem lại cho tôi một niềm tin và đã chỉ ra con đường giải phóng đất nước tôi"[3].
Từ người thợ, người thủ lĩnh phong trào công nhân đến khi trở thành Chủ tịch nước, Bác Tôn luôn nhân ái, nghĩa tình, yêu thương mọi người. Bác căn dặn "Phải cho dân yêu, dân tin, dân trọng. Vì có được dân yêu, dân tin, dân trọng thì công cuộc gì cũng thành công".
Học tập tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước, trọng dân, thương dân của Bác, chúng ta phải luôn tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực sự trọng dân, gần gũi với nhân dân; làm cho đất nước giàu mạnh, mỗi người dân được ấm no, hạnh phúc. Kiên quyết đấu tranh, chống bệnh quan liêu, vi phạm dân chủ; quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.
Thứ tư, Bác Tôn là một tấm gương tiêu biểu của sự kiên cường, bất khuất, tuyệt đối trung thành, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị.
Bác Tôn ít viết, ít nói về đạo đức cách mạng. Nhưng hành động tiên phong, mẫu mực của Bác đã thể hiện đầy đủ tinh thần đạo đức cách mạng, được toàn Đảng, toàn dân và bạn bè thế giới thừa nhận.
Bác Tôn tham gia phong trào yêu nước, phong trào công nhân không chút nao núng khi còn rất trẻ. Mặc dù bị tù đày khổ sai, luôn đối diện với đòn roi, đói khát và cả cái chết, Bác vẫn giữ vững khí tiết, kiên cường, không bị khuất phục. Vừa thoát khỏi nhà tù thực dân, Bác nhanh chóng tham gia chống thực dân Pháp. Suốt 35 năm giữ những cương vị quan trọng trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc..., Bác Tôn luôn tận tâm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn trung thành với mục tiêu, con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Yêu lao động, liêm khiết, một lòng một dạ phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, "Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ" là những đức tính vô cùng quý báo Bác Tôn. Trên cương vị Chủ tịch nước, Bác luôn sắp xếp công việc khoa học, tôn trọng kỷ luật để mang lại hiệu quả cao nhất. Những đồng chí từng bị giam cầm và làm việc với Bác Tôn đều có chung một nhận xét: Phong cách của Bác không hề biến đổi, vẫn là những đức tính của người công nhân, phong cách công nhân giản dị, chân thành, trong sáng, gần gũi, hòa đồng với mọi người. Bác Tôn thích ăn những món ăn dân dã quê nhà, mặc như người bình thường khác, không thích lối sống sang trọng, xa hoa. Khiêm tốn, giản dị đã trở thành nếp sống, phong cách sống, thể hiện trong tất cả các mối quan hệ, trong mọi hoạt động, giao tiếp và ứng xử hằng ngày của Bác.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại nhà sàn thời niên thiếu của Bác Tôn.
Tại lễ mừng thọ Bác Tôn tròn 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân"[4].
Trong Điếu văn truy điệu Bác Tôn có đoạn viết: "Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất về đức tính khiêm tốn, giản dị. Toàn thể đồng chí và đồng bào chúng ta rất tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng của Đồng chí. Chúng ta quyết mãi mãi noi gương cao cả của Đồng chí để khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng"[5].
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Tôn, chúng ta phải tích cực hăng say lao động, sản xuất, công tác; phải luôn suy nghĩ cách làm hay, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Chống bệnh chây lười, làm việc qua loa, đại khái. Chống thói háo danh, tham chức, tham quyền, cơ hội, thực dụng, tư lợi, chủ nghĩa cá nhân. Phải tận tâm, tận lực phục vụ Đảng, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của Nhân dân.
Thứ năm, Bác Tôn là người thực hành tiêu biểu chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, của Bác Hồ, là chiến sĩ cộng sản quốc tế.
Bác Tôn là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ta. Với 27 năm giữ những nhiệm vụ: Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những kinh nghiệm quý báu, những bài học sâu sắc về đại đoàn kết dân tộc. Đảng ta khẳng định: "Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh"[6].
Theo Bác Tôn, muốn đoàn kết thực sự, chắc chắn thì các giai tầng, các lực lượng phải hướng tới mục tiêu chung, đó là: "Đoàn kết, nhất trí giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho Nhân dân và hòa bình cho thế giới". Người chỉ rõ muốn đại đoàn kết toàn dân tộc, thì trước nhất trong Đảng phải thực sự là khối đoàn kết thống nhất, làm hạt nhân lãnh đạo khối đoàn kết dân tộc. Trong lời phát biểu tại Hội nghị cán bộ dân vận Trung ương ngày 15/02/1949, Bác nói: "Có đoàn kết nội bộ thì việc thi hành phương châm chính sách mới thống nhất nhịp nhàng. Kinh nghiệm cho ta biết sở dĩ có những thành tích vẻ vang nhất là nhờ có sự đoàn kết nội bộ chặt chẽ" và "Đảng ta cần liên hệ tốt với quần chúng, cần phải đoàn kết chung quanh Đảng, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân cách mạng hiểu rõ chỉ có tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng và đoàn kết chung quanh Đảng, mới giành được thắng lợi"[7]. Đoàn kết dân tộc phải dựa trên nền tảng khối liên minh công-nông "Cần phải luôn luôn tăng cường liên minh công-nông, dựa vào lực lượng công-nông để tranh thủ các tầng lớp nhân dân khác, nếu không như thế thì việc tranh thủ các tầng lớp trên sẽ gặp khó khăn; hoặc có tranh thủ được, Mặt trận cũng không có cơ sở vững chắc"[8].
Đoàn kết dân tộc còn phải huy động sức mạnh của nhân dân ta ở nước ngoài và sự ủng hộ của người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trong lời Hiệu triệu của Ban Thường trực Quốc hội nhân dịp kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến, Bác nói: "Các kiều bào hải ngoại lần này cũng phải tích cực hoạt động tìm đủ cách tuyên truyền cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta, gây thiện cảm với Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và đánh tan những luận điệu của bọn phản động quốc tế mong lừa bịp dư luận hoàn cầu để đè nén, bóc lột các dân tộc nhược tiểu. Ở tiền tuyến, ở hậu phương, ở trong nước, ở ngoài nước, già trẻ, gái, trai không kể tôn giáo gì, đều phải thi đua bằng mọi cách để giết giặc cứu nước, để giải phóng cho dân tộc và góp phần vào sự nghiệp xây dựng hòa bình chung của thế giới".
Ở Bác Tôn, tinh thần yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân gắn liền với tình cảm quốc tế trong sáng, thủy chung. Xuất phát từ tình yêu thương con người, yêu thương những người bị áp bức bóc lột, yêu dân tộc mình, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác. Bác coi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước cũng như của dân tộc mình. Bác Tôn là một trong những người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, Cách mạng Trung quốc. Với những cống hiến vô cùng to lớn đối với cách mạng thế giới, Bác Tôn vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Tôn, chúng ta quyết tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các cấp ủy đảng, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng "Trong sạch – vững mạnh", làm hạt nhân để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
An Giang học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng
An Giang tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, khắc ghi công lao của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang đã tích cực học tập, sáng tạo, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ và nhân dân An Giang đã vận dụng và cụ thể hoá phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.
Trong điều kiện xuất phát điểm rất thấp sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, An Giang phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới tây nam, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, thường xuyên đối phó với thiên tai, ngập lụt, sạt lở với nhiều thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của Nhân dân. Nhưng với ý chí vươn lên mạnh mẽ, không lùi bước, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và Nhân dân An Giang đã đoàn kết một lòng, tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh đưa quê hương Bác Tôn vượt lên nghèo khó. Từ một tỉnh thuần nông với giá trị sản xuất thấp, An Giang đã trở thành một trong các tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, với nhiều đột phá, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất[9], tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phát triển, đặc biệt là trong nông nghiệp. Từ ngưỡng thiếu lương thực, với sản lượng lúa chỉ khoảng 850 ngàn tấn/năm vào năm 1986, An Giang là tỉnh đầu tiên có sản lượng lương thực đạt 3 triệu tấn/năm vào năm 2007, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu cho quốc gia.
Ghi nhận những thành tựu đáng tự hào trong kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, quân và dân An Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng Huân chương Sao vàng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Mỹ Hòa Hưng vinh dự đón nhận Quyết định của UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2015.
Những năm gần đây (2015 - 2020), mặc dù chịu tác động không nhỏ của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước, cùng với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, dịch bệnh… nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân An Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nắm bắt tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra[10]. Kinh tế tăng trưởng qua từng năm, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,25% (giai đoạn 2010 - 2015 đạt 5,07%)[11]. Các chỉ số cải cách hành chính, quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều tăng[12]. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm 01 năm so chỉ tiêu Nghị quyết (có 61 xã và 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn). Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng, tương đương 1.910 USD (tăng 16 triệu đồng so năm 2015).
Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố biên giới về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, An Giang luôn quan tâm thực hiện đồng bộ các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, trước hết là giáo dục, y tế, việc làm, giảm nghèo và nhà ở. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93% (giảm bình quân 1,5%/năm). Giáo dục - đào tạo phát triển về quy mô, chất lượng[13]; mạng lưới trường, lớp được đầu tư rộng khắp; Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh được tăng cường; nguồn nhân lực y tế phát triển về số lượng và chất lượng; nâng cao năng lực y tế dự phòng, ngăn chặn nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các chỉ tiêu về sức khỏe cộng đồng được cải thiện[14]. Huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, hộ chính sách, hộ hộ nghèo… góp phần tạo nên nét văn hóa "an sinh xã hội vì cộng đồng" mang đậm dấu ấn riêng của An Giang. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang bùng phát mạnh, làm tổn thất to lớn đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và kinh tế cả nước, Nhân dân An Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau chống chọi với dịch bệnh. Nhiều nghĩa cử cao đẹp đã xuất hiện như: "bếp ăn không đồng", "cửa hàng không đồng", "chuyến xe không đồng" và nhiều tập thể, cá nhân đã tự nguyện đóng góp tài chính, phương tiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện tinh thần đoàn kết nhân ái của người dân An Giang và của dân tộc ta.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang khảo sát tuyến cột mốc biên giới.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Khu vực phòng thủ được xây dựng vững chắc, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng biên giới, vùng dân tộc. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tổ chức bộ máy được nâng chất, tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả[15]…
Trong giai đoạn hiện nay (2021 - 2025), với phương châm "Dân chủ - Đoàn kết - Khát vọng - Phát triển", An Giang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, "sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, tập trung thực hiện các khâu đột phá[16], tạo động lực mới để đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân An Giang nguyện sống, chiến đấu, công tác, học tập theo gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cùng đoàn kết một lòng, góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác từng kỳ vọng./.
*TS. Lê Hồng Quang,
Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang
____________________
[1] Tôn Đức Thắng người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, NXB CTQG, H.2003, tr27.
[2] Sđd, tr27.
[3] Sđd, tr27.
[4] Sđd, tr18.
[5] Sđd, tr16.
[6] Sđd, tr16.
[7] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM:Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H,2001, t12, tr258.
[8] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM: Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H,2001, t12, tr277.
[9] Nghị quyết Đại hội IV Đảng bộ tỉnh (10/1986) chủ trương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xem ba mặt trên là những vấn đề không thể tách rời - gọi là "Tư tưởng tam nông"; Chủ trương: củng cố tập đoàn sản xuất, đưa ruộng đất, máy móc nông nghiệp về hộ nông dân, lấy hộ nông dân làm đơn vị sản xuất cơ bản; giao đất hoang hóa cho gia đình và tập thể, xóa khái niệm xâm canh tạo điều kiện khai thác các vùng hoang hóa, miễn thuế; khôi phục quyền sử dụng đất với quyền sử dụng các tư liệu sản xuất khác, cho phép sang nhượng và kế thừa quyền sử dụng đất; cho nông dân vay vốn bằng cả hai loại hình thế chấp và tín chấp; Chương trình khai thác tứ giác Long Xuyên (năm 1988) nhằm chuyển lúa mùa nổi sang lúa tăng vụ và lúa cao sản để tăng nhanh sản lượng lương thực; Chương trình khuyến nông (năm 1989) giúp người nông dân có trình độ khoa học kỹ thuật, làm chủ có hiệu quả trên mảnh đất của mình; Chương trình phát triển nông thôn (năm 1992)…
[10] Có 05/15 chỉ tiêu đạt trên 80% chỉ tiêu Nghị quyết: (1) GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 96,3% so chỉ tiêu Nghị quyết, (2) Thu ngân sách đạt 98%, (3) Tổng vốn đầu tư xã hội 05 năm đạt 86%, (4) Trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 81,3%, (5) Số đảng viên được kết nạp mới đạt 81,2%.
[11] Khu vực nông, lâm thủy sản tăng 2,3%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,23%, khu vực dịch vụ tăng 6,85%.
[12] Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index): năm 2016 hạng 36 cả nước, năm 2017, năm 2018 hạng 8, năm 2019 hạng 11. Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI): năm 2016 hạng 34, năm 2017 hạng 18, năm 2018 hạng 25, năm 2019 hạng 21. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): năm 2016 hạng 38, năm 2017 hạng 32, năm 2018 hạng 28, năm 2019 hạng 21.
[13] Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đứng top 10 cả nước và đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long 04 năm liền 2017 - 2020.
[14] Tuổi thọ trung bình tăng từ 73,6 tuổi năm 2015 lên 74,4 tuổi năm 2019. Đến năm 2020, số bác sĩ/vạn dân ước đạt 09 bác sĩ (năm 2015 đạt 6,13). Số giường bệnh/vạn dân đạt 26 giường (năm 2015 đạt 18,14 giường). Mức giảm tỉ lệ sinh hằng năm đạt 0,05%, tỉ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) duy trì ở mức dưới 109%, tỉ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế đạt gần 100%.
15 Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp đã thực hiện ở 132/156 xã, phường, thị trấn và 04/11 đơn vị cấp huyện (Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Phú, Tri Tôn). Duy trì 888/888 khóm, ấp thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khóm, ấp.
Ở cấp tỉnh: đã thực hiện mô hình Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ.
Ở cấp huyện đã thực hiện các mô hình sau:
- Trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị: thực hiện ở 11/11 huyện, thị, thành phố.
- Trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là trưởng phòng nội vụ: thực hiện ở 04/11 huyện, thị, thành phố (Long Xuyên, Châu Phú, Chợ Mới, Châu Thành).
- Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra cấp huyện: thực hiện ở 02/11 huyện, thị, thành phố (Long Xuyên, Châu Phú).
- Trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc: thực hiện ở 09/11 huyện, thị, thành phố (Long Xuyên, Châu Đốc, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên).
[16] (1) Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; (2) Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; (3) Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.