Đồng chí Nguyễn Văn Cừ: Tuổi trẻ, tài năng và cống hiến to lớn

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912, trong một gia đình nhà Nho nghèo, thuộc dòng tộc Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, tại vùng quê văn hiến, làng Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Là người có chí lớn ngay từ khi còn đi học, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi 26 tuổi và bị thực dân Pháp giết hại lúc 29 tuổi (năm 1941). Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta.

 

Tượng đài Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Ninh và Khu lưu niệm Tổng Bí thư tại phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn.

Tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng.

Từ một học sinh đang học trung học (Trường Bưởi), với lòng yêu nước, sự nhạy cảm chính trị và nhiệt huyết cách mạng, đồng chí đã tiếp cận và giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, sớm trở thành hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Bác Hồ sáng lập.

Thực tiễn và phong trào cách mạng đã tôi luyện người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Cừ trở thành người chiến sĩ cộng sản, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Đồng chí đã nhận thức được khả năng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, đã giác ngộ, vận động họ đứng lên làm cách mạng. Với tinh thần vừa làm, vừa học, năng động, sáng tạo về lý luận và thực tiễn, đồng chí tổ chức nhiều cuộc mít tinh, kêu gọi công nhân đấu tranh.

Khi bị địch bắt, bị giam cầm, tra tấn tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cùng với các đồng chí của mình “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Chính tại nơi “địa ngục trần gian” này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được tiếp cận các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ đó nghiền ngẫm, đúc rút các bài học soi rọi cho quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một người cộng sản có tầm nhìn xa rộng, có quyết tâm và nghị lực lớn, có khả năng phân tích, khái quát, nhận định chính xác các vấn đề trong nước và quốc tế theo tinh thần phương pháp luận Mác - Lênin, sớm trở thành một tài năng chính trị kiệt xuất của Đảng ta.

Tháng 3/1938 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Khi được hỏi vì sao Trung ương bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư khi đồng chí chỉ vừa 26 tuổi, ít tuổi hơn nhiều so với các đồng chí khác, đồng chí Lê Duẩn đã trả lời: “Bởi đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em, là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức rất trong sáng, được mọi người kính phục”.

Những quyết định đúng đắn, quan trọng, góp phần chuyển hướng chiến lược của cách mạng nước ta ở những thời điểm lịch sử

Ngày 06/11/1939, hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường khủng bố cách mạng nước ta, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị đã phân tích thấu đáo tính chất cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai; vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh; những chính sách của đế quốc Pháp; thái độ của các giai cấp, tầng lớp xã hội, từ đó vạch ra đường lối chính trị của cách mạng trong tình hình mới. Hội nghị chủ trương tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, xác định giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc là nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam; đồng thời quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương. Phương pháp cách mạng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.

Quyết định của Hội nghị Trung ương 6 chuyển hướng chiến lược và thay đổi khẩu hiệu cách mạng trước tình hình mới là hết sức sáng suốt, thể hiện sự nhạy bén chính trị, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Đáng tiếc là, giữa lúc phong trào vận động giải phóng dân tộc mới bắt đầu tiến triển thì đầu năm 1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác của Đảng bị bắt. Tuy nhiên, những chủ trương và quyết định đúng đắn do Hội nghị Trung ương 6 vạch ra tiếp tục được các hội nghị Trung ương tiếp theo kế thừa, phát triển, đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

TBT-Ng-van-Cu.png

Mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản

Từ lúc bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến lúc hy sinh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn là một tấm gương sáng về sự gắn bó máu thịt với Nhân dân. Bất kỳ ở đâu, giữa những người công nhân, phu mỏ hay bà con nông dân tận miệt vườn Nam Bộ, khi đi “vô sản hoá”, khi mới chỉ là đảng viên, hay khi đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí luôn hòa mình với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng vững mạnh, giữ vững vai trò tiên phong của Đảng, làm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động.

Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, 2 năm làm Tổng Bí thư, tuổi trẻ và sự sáng tạo, tài năng và cống hiến to lớn, phẩm chất chính trị kiên cường và đức hy sinh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

Ngọc Hân


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng