Ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở An Giang với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở An Giang đã đưa Nhân dân lên một vị trí mới với những ý nghĩa về chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Cuộc cách mạng ấy đã để lại nhiều giá trị và bài học vô cùng quý giá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay và trong tương lai, mà thế hệ trẻ An Giang là những người gánh vác trọng trách quan trọng.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Long Xuyên, Châu Đốc là sự nối tiếp và phát huy truyền thống yêu nước của tổ tiên trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là thắng lợi qua 15 năm đấu tranh kiên cường bất khuất của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được tôi luyện và thử thách của các thời kỳ 1930 – 1931, 1936 – 1939 và khởi nghĩa năm 1940. Đó là thắng lợi của ý chí, sự bền bỉ trung kiên, sự hy sinh vô bờ bến của những người cộng sản và quần chúng yêu nước đã đối mặt với bao hiểm nguy nhưng với sức mạnh của niềm tin tất thắng, đã vượt qua tất cả.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giúp cho Đảng bộ và Nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc càng khẳng định thêm niềm tin: Tin ở sức mạnh chân lý của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tin ở sự lãnh đạo của Đảng và tin ở chính bản thân mình. Từ những cuộc đấu tranh chính trị, đến gậy gộc, nọc trầu chống lại sự đàn áp của địch, rồi đến giáo mác tầm vông, súng kíp với đội dân quân chân đất đầu trần đã chiến thắng mọi kẻ thù giành độc lập tự do. Đó là thành quả to lớn nhất, có ý nghĩa sâu sắc nhất, đã góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vẻ vang, đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trải qua 15 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc từ khi đặt niềm tin trọn vẹn vào lá cờ đỏ búa liềm trên cột dây thép Long Điền đã không ngừng vùng dậy cho tới ngày làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đạp đổ ách thống trị thực dân Pháp, Phát-xít Nhật và hàng ngàn năm phong kiến để đứng lên làm chủ cuộc đời, làm chủ quê hương.
Giáo dục truyền thống về ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với thế hệ trẻ sẽ góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đi vào đời sống, đi vào thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nghiên cứu, học tập truyền thống tốt đẹp của dân tộc vừa là bổn phận, vừa là tình cảm với dân tộc của thế hệ trẻ Việt nam nói chung, thế hệ trẻ An Giang nói riêng. Theo đó, thế hệ trẻ phải là những người xung kích đem “dòng chảy” truyền thống, hào khí anh hùng của Cách mạng Tháng Tám mãi mãi nhịp bước cùng với sự phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Thứ nhất, giáo dục cho thế hệ trẻ An Giang kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Thế hệ trẻ An Giang là những người viết tiếp những trang sử vàng lịch sử An Giang, tiếp nối thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa góp thành dòng chảy liên tục của lịch sử dân tộc.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trung thành, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để thế hệ trẻ có niềm tin khoa học vững chắc, niềm tự hào dân tộc tiếp thêm động lực đưa cách mạng nước ta đi đến mục tiêu cuối cùng. Thế hệ trẻ An Giang cần nhận thức sâu sắc truyền thống dân tộc, những hy sinh, mất mát không gì so sánh được của đồng chí, chiến sĩ, quần chúng yêu nước trong đấu tranh cách mạng; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng bộ An Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ trong xác định đường lối, phương hướng, mục tiêu cách mạng đúng đắn cùng phương pháp đấu tranh linh hoạt, phù hợp từng thời kỳ cách mạng để đánh đuổi đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến tay sai…, từ đó không ngừng đổi mới sáng tạo, phấn đấu vươn lên đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Thời gian qua các phần tử phản động, thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, thậm chí, một số người trắng trợn phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ cần có bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng noi gương các thế hệ cha anh đi trước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam, bằng những luận cứ, luận chứng thuyết phục, khẳng định giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam - cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để tiến lên một nấc thang mới trong tiến trình phát triển của dân tộc ta.
Thứ hai, giáo dục cho thế hệ trẻ An Giang truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường của dân tộc
Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường của dân tộc được hội tụ và kết tinh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Thế hệ trẻ An Giang hôm nay tự hào mang trong mình truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường dân tộc. Truyền thống yêu nước đó cần được thế hệ trẻ hôm nay thể hiện bằng việc ra sức đóng góp công sức, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ ba, giáo dục cho thế hệ trẻ An Giang truyền thống đoàn kết dân tộc, lao động sáng tạo của con người Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã cho thấy những giá trị của tinh thần đoàn kết dân tộc, khắc phục khó khăn, cần cù sáng tạo, đồng tâm hiệp lực để đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. Trong Cách mạng Tháng Tám, ở thời điểm khó khăn nhất, Nhân dân An Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành lấy chính quyền. Những giá trị đó hiện nay cần tiếp tục được khơi dậy và nhân lên gấp bội, khi Đảng bộ và Nhân dân An Giang đoàn kết một lòng thì sẽ làm được những điều to lớn!. Thế hệ trẻ hôm nay cần phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, không ngừng học tập, rèn luyện làm giàu tri thức, sẵn sàng gánh vác trọng trách chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp./.
Trúc Linh (Trang TTĐT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)