Đường Hồ Chí Minh trên biển - Bản hùng ca bất diệt

Đường Hồ Chí Minh trên biển là bản hùng ca bất diệt, hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mặt trận vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là niềm vinh quang, tự hào của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền biển, đảo và khơi dậy khát vọng “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh”.

 

Khu di tích K15, Đồ Sơn, Hải Phòng - nơi con tàu đầu tiên và những con tàu tiếp đó của đoàn tàu không số xuất phát chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu).

Giá trị, niềm tin và khát vọng thống nhất đất nước

Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng về tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo đúng đắng của Đảng đối với nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam.

Sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc; vừa bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, vừa đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn, thời gian di chuyển nhanh, phạm vi rộng khắp, đặc biệt là các tỉnh ven biển và đồng bằng Nam Bộ - những nơi tuyến đường Trường Sơn chưa vươn tới. Trong điều kiện địch truy lùng gắt gao, đánh phá ác liệt, chúng ta phải chịu những tổn thất không nhỏ về người, vũ khí, trang bị, đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò quan trọng “chia lửa”, bổ sung cho đường Hồ Chí Minh trên bộ, hình thành hai tuyến vận chuyển chiến lược thủy - bộ, bao phủ toàn bộ chiến trường. Đồng thời, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó, tạo ra những thời cơ, điều kiện thuận lợi cho ta đẩy nhanh tiến độ, gia tăng khối lượng vận chuyển, kịp thời chi viện sức người, sức của, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, nhất là trong những giai đoạn ác liệt và các chiến dịch then chốt, quyết định. Hiệu quả vận chuyển của tuyến đường góp phần quan trọng đối với phát triển tổ chức, biên chế, lực lượng, vũ khí trang bị của Quân Giải phóng miền Nam, thúc đẩy chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng, thế trận giữa ta và địch, tạo ưu thế tiến công chiến lược cho cách mạng miền Nam.

Để bảo đảm bí mật và hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy Quân chủng Hải quân xác định phương châm chỉ đạo hoạt động vận chuyển là: “Kết hợp hoạt động bằng phương thức hợp pháp và bất hợp pháp. Lấy hoạt động hợp pháp làm phương thức chủ yếu. Quá trình vận chuyển phải chủ động, táo bạo, bất ngờ, hết sức lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng đến bến. Đồng thời, phải có sẵn phương án thật mưu trí, linh hoạt để đối phó với địch khi bị lộ. Khi đã lộ phải kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần thì nổ tàu để giữ bí mật”(1). Chỉ đạo cấp ủy đảng cơ sở phải coi trọng, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, bồi dưỡng lập trường giai cấp, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ; trọng tâm là quán triệt, luyện tập kỹ các phương án chiến đấu trên biển khi có tình huống xảy ra; trong bất luận hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải tuyệt đối giữ bí mật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là nhân tố quan trọng, quyết định sự trưởng thành, phát triển của “Con đường không dấu”, “Đoàn tàu không số” huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng niềm tin, lòng trung thành, tinh thần đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, vượt qua khó khăn thử thách, khơi dậy ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Đây chính là cội nguồn sức mạnh để “Đoàn tàu không số” vượt qua những cuộc đấu trí căng thẳng, các trận đánh ác liệt với kẻ thù đưa hàng cập bến an toàn. Mỗi “Tàu không số” là một tập thể đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; dù phải thường xuyên đương đầu với địch và vật lộn với sóng to gió lớn, nhưng “càng gặp khó khăn nguy hiểm, cán bộ càng bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí, chiến sĩ càng ngoan cường linh hoạt, trên dưới đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”(2); trong trường hợp xấu nhất, cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh phá hủy tàu, bảo vệ bí mật đường vận chuyển. Niềm tin, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã kết thành sức mạnh vô địch để những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí, bí mật, bất ngờ vượt qua sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả và sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của lực lượng hải quân, không quân đông đảo, được trang bị hệ thống quan sát, cảnh giới từ xa và vũ khí hiện đại của Mỹ, ngụy đến đích an toàn.

 

Tàu vận tải đoàn 125 cải dạng tàu đánh cá, trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam tháng 4/1966. (Ảnh tư liệu).

Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng về phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vận tải quân sự đường biển ngày càng hiện đại. Nét độc đáo, tạo nên kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển là đã huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang với chính quyền, nhân dân địa phương và bạn bè quốc tế, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Sự hiệp đồng chặt chẽ giữa cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” với lực lượng vũ trang địa phương và sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân là nhân tố quyết định để những chuyến tàu vượt qua sóng to, gió lớn, bão giông và muôn vàn mối nguy hiểm rình rập đến từ sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ nhân dân, những thanh niên trung dũng, lành nghề, kinh nghiệm dày dạn, thông hiểu địa hình, hàng hải thiên văn, đi được biển xa hăng hái tòng quân trở thành thủy thủ của “Đoàn tàu không số”. Họ ra sức trui rèn, nắm vững kỹ thuật điều khiển tàu, thành thạo về kỹ, chiến thuật ngụy trang, nghi binh, trà trộn vào những tàu thuyền đánh cá của ngư dân trên các vùng biển… để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đoàn. Những chuyến tàu thành công là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân xác định chủ trương, biện pháp xây dựng, phát triển lực lượng vận tải quân sự đường biển vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu vận chuyển cho chiến trường miền Nam. Khi mới thành lập, Đoàn 759 chỉ có 4 tàu gỗ thô sơ gắn máy từ miền Nam đưa ra với 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, sau một thời gian hoạt động đã trở thành lữ đoàn vận tải (Lữ đoàn 125), đảm đương hướng chiến lược trên biển, với những trang bị từng bước hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược bằng đường biển. Đây là cơ sở nền tảng, động lực thúc đẩy lực lượng vận tải quân sự Hải quân nói chung và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 nói riêng, tiếp tục phát huy truyền thống “Mưu trí, dũng cảm; khắc phục khó khăn; vận tải đường biển; chi viện chiến trường; quyết chiến, quyết thắng xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển, bảo đảm cho xây dựng, chi viện bảo vệ quần đảo Trường Sa, hệ thống nhà giàn,… để xây dựng thế trận phòng thủ các tuyến biển, đảo vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và giữ vững môi trường ổn định trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong suốt 14 năm (1961 - 1975), đường Hồ Chí Minh trên biển đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến Mỹ và ngụy quân Sài Gòn, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.

Khơi dậy niềm tin và khát vọng phát triển đất nước

Phát huy, vận dụng sáng tạo giá trị, truyền thống của đường Hồ Chí Minh trên biển vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc gắn với phát triển bền vững kinh tế biển vừa là vinh dự, niềm tự hào, vừa là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân quyết tâm thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, không ngừng học tập, phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.

Các ban, bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể xã hội Trung ương, địa phương tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển bền vững kinh tế biển cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, trọng tâm là: Nghị quyết Đại hội XIII, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, Chiến lược phát triển bền vững Kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Luật Biển Việt Nam, Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 và những quy định hợp pháp về biển, đảo của các nước trong khu vực, v.v..

Tập trung nâng cao nhận thức cho các đối tượng về tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; về đối tượng, đối tác; quan điểm “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”,… làm cơ sở vận dụng, xử lý đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo các tình huống cụ thể, không để bị động, bất ngờ.

Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không thể đánh đổi, nhân nhượng; biển, đảo có yên thì đất liền mới vững, đất nước mới ổn định, phát triển. Nắm vững, hiểu rõ phương châm: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(3). Chủ động, tích cực đấu tranh phản bác, bác bỏ có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục những quan điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đi đôi với khẳng định tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của công cuộc đổi mới và kết quả bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với phát triển bền vững kinh tế biển… góp phần giữ vững “trận địa tư tưởng” và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, xây dựng ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. 

 

Đường Hồ Chí Minh trên biển gồm 5 tuyến đi có tổng chiều dài gần 12.000 hải lý (hơn 22.000km) là chiếc cầu nối giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã trở thành con đường huyền thoại với biết bao kỳ tích anh hùng. (Ảnh: Bảo tàng Quân chủng Hải quân).

Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là các tỉnh, thành phố có biển trong xây dựng ý chí quyết tâm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh về mọi mặt; đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành tốt mục tiêu, nội dung, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển. Trong quá trình thực hiện, phải thể hiện tinh thần mạnh mẽ, kiên quyết trong đấu tranh, song cũng phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý các tình huống; lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển làm mục tiêu tối thượng.

Tăng cường giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ và lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, xây dựng ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”, đêm ngày tuần tra, kiểm soát… thực sự là điểm tựa tin cậy cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế. Đồng thời, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, tạo sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để khẳng định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc trong mọi tình huống.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ mới, công nghệ số vào bảo vệ, khai thác nguồn lợi, tài nguyên, môi trường biển, đảo. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận, huy động các nguồn lực về tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực… nhằm kịp thời khắc phục bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt xa bờ; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển kinh tế biển và phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế biển mạnh.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên biển.

Tiếp tục quán triện và thực hiện quan điểm của Đại hội XIII về xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030, xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại; phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội, công an hiện đại tinh nhuệ, hiện đại. Trong đó, ưu tiên xây dựng Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện; lực lượng Đặc công nước tinh nhuệ, lực lượng Kiểm ngư vững mạnh; dân quân tự vệ biển vững mạnh, rộng khắp,.... có chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển; bảo đảm an toàn, an ninh cho hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh trên biển và phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thường xuyên củng cố mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng vũ trang với chính quyền, nhân dân địa phương gắn với nhân rộng mô hình các tổ, đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh.

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP và kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

 Phát huy vai trò nòng cốt của Hải quân nhân dân Việt Nam đấu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tham gia phát triển kinh tế ở lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên những vùng biển, đảo tiền tiêu, còn nhiều khó khăn, góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong quá trình bảo vệ và khai thác tiềm năng, lợi thế của biể; thực hiện có hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Đồng thời, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và ngư dân hiểu rõ tính chất phức tạp trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo hiện nay để xác định trách nhiệm, củng cố niềm tin, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, truyền thống, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; tinh thần quả cảm của người chiến sĩ “Đoàn tàu không số” năm xưa, cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng nhằm “tạo sự đan xen lợi ích”, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và hoạt động kinh tế hợp pháp trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc theo đúng quan điểm, mục tiêu Đại hội XIII và Nghị quyết số 22-NQ/TW về “Hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã xác định. Thúc đẩy phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc từ sớm, từ xa./.

Đại tá, TS. Thái Doãn Tước - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam 

Nguồn: doanthanhnien.vn

--------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 84.

(2) Lịch sử Lữ đoàn 125 (1961 - 2001), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2001, tr. 83.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t.1, tr.48.


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng