Thanh niên An Giang với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Kỳ 2)

Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào với những tư liệu lao động nào. Các tư liệu lao động không những là các thước đo sự phát triển lao động của con người, mà còn là một chỉ tiêu của những quan hệ xã hội, trong đó lao động được tiến hành. Trong bản thân các tư liệu lao động, thì những tư liệu lao động cơ khí lại cấu thành những dấu hiệu đặc trưng tiêu biểu cho một thời đại sản xuất xã hội nhất định.

Đặc trưng và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

CMCN 4.0 xuất hiện là sự kế thừa phát triển của nhân loại, là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lí, kĩ thuậtsố và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hóa, công nghệ in 3 chiều (3D), khoa học mang tính liên ngành sâu rộng... với nền tảng là đột phá của công nghệ số, đáp ứng đòi hỏi của xã hội tri thức, nền kinh tế tri thức.

Thanh niên cần đẩy mạnh học tập kiến thức khoa học, công nghệ để làm chủ trong tương lai

Cuộc CMCN 4.0 có các đặc trưng:

- Sự kết hợp giữa hệ thống thực với hệ thống ảo;

- Là nền sản xuất thông minh, năng suất lao động vượt trội;

-  Khả năng kết nối thông qua các thiết bị di động thông minh, dựa trên công nghệ số, xử lí dữ liệu lớn, kết nối không dây;

- Lượng thông tin tăng theo hàm số mũ, công nghệ và sản phẩm thay đổi theo tốc độ hàm số mũ;

- Tạo nên cách mạng về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị sản phẩm có hàm lượng tri thức cao (sản phẩm thông minh);

- Tạo hệ thống sản xuất thông minh, mạng lưới giá trị toàn cầu kết nối giữa con người với con người, con người với máy thiết bị, máy thiết bị với máy thiết bị, các doanh nghiệp và khách hàng.

Cuộc CMCN 4.0 sẽ có những xu thế về việc làm, tuyển dụng và đào tạo là:

- Từ sản xuất hàng loạt sang sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng.

- Từ người lao động phục vụ máy và công cụ sang máy và công cụ phục vụ người lao động (rô bốt sẽ làm thay thế phần lớn người làm việc).

- Từ lao động thực hiện nhiệm vụ một cách lặp đi lặp lại sang lao động ứng dụng tri thức.

- Từ lấy vốn làm trọng sang lấy tri thức làm trọng.

- Từ lấy vốn làm đầu sang lấy tri thức làm đầu khi khởi nghiệp sáng tạo.

- Từ chủ yếu kĩ năng tay chân sang chủ yếu kĩ năng tư duy.

- Từ việc làm truyền thống sang việc làm xanh.

- Từ tìm việc làm sang tự tạo việc làm và khởi nghiệp sáng tạo.

- Từ tuyển dụng đã qua đào tạo sang tuyển dụng có thể đào tạo được.

- Từ đào tạo dựa vào nội dung sang học để học tiếp (học tập suốt đời).

- Chú trọng đào tạo công dân toàn cầu và tạo cơ hội việc làm.

 

NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Thanh niên

Thứ nhất, cơ hội dành cho tất cả mọi thanh niên là như nhau. Trong thời đại mới, sẽ không còn ai quan tâm đến một tấm bằng hình thức, đến nguồn gốc xuất thân hay những mối quan hệ. Ai có thực lực, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội hơn, người đó sẽ được đánh giá cao. Vì vậy, với năng lực và đam mê, mỗi thanh niên sẽ phát triển tốt thế mạnh của bản thân trong xu thế công nghệ thông minh.

Thứ hai, tính năng động và sáng tạo của thanh niên có cơ hội tỏa sáng. Trong thế giới số, thanh niên càng phải chủ động học hỏi không ngừng, biết đón đầu xu hướng, thậm chí sáng tạo ra xu hướng thay vì thụ động chờ đợi như trước kia. CMCN 4.0 như mảnh đất màu mỡ để thanh niên lựa chọn địa điểm thỏa sức thể hiện sáng tạo của chính mình.

Thứ ba, lợi thế là người đi sau nhưng có cơ hội “đi tắt, đón đầu” để phát triển nên thanh niên Việt Nam sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện khát vọng, ước mơ của mình.

Thứ tư, kết nối và hội nhập với thế giới. Khi đã làm chủ công nghệ thông tin, giỏi ngoại ngữ và hiểu rõ bản thân muốn gì, làm được gì và nên làm gì trong xu thế không ngừng cạnh tranh - là lúc mà chính họ có cơ hội trở thành “công dân toàn cầu”. Đây là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào khi họ được làm cầu nối để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.

 

Những thách thức của CMCN 4.0

Bên cạnh những cơ hội trên, sự tác động của cuộc CMCN 4.0 cũng đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với họ, đó là:

Thứ nhất, Cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng công nghệ “tiết kiệm lao động” nhất nên việc đẩy người lao động ra khỏi quá trình sản xuất là một tất yếu. Đây là thách thức lớn nhất đối với người lao động (trong đó có SV chuẩn bị ra trường) ở không chỉ riêng Việt Nam mà tại tất cả các quốc gia trong xu thế bước vào cuộc CMCN 4.0. Nếu người lao động không thay đổi tư duy và chấp nhận học suốt đời, mất việc này thì học việc mới, làm việc khác và chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc thì người lao động sẽ tự đào thải chính mình.

Thứ hai, Sự phát triển của CMCN 4.0 nảy sinh nhiều xu thế mới đặt ra yêu cầu về khả năng lựa chọn thông minh của thanh niên. Trong khi đó, phần lớn thanh niên Việt Nam chưa hiểu biết kĩ về CMCN 4.0 và chưa thích ứng kịp thời với những xu thế của cuộc cách mạng này. Đây là một mâu thuẫn và cũng là một thách thức lớn đòi hỏi thanh niên Việt Nam phải nghiêm túc nhận thức và ứng xử.

 

II. Thanh niên 4.0

Với sức trẻ, trí tuệ, quyết tâm và nhiệt huyết, thanh niên sẽ xung kích, sáng tạo và đi đầu để ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để làm được điều đó cần:

 

Thứ nhất, nhận thức đúng vị trí, vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nhận thức đúng mới có hành động đúng, đây là một quy luật trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới của con người. Mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động và phát triển không ngừng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là kết quả tất yếu của sự phát triển trí tuệ con người trên lĩnh vực khoa học công nghệ trong những năm qua.

30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta “đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thờicũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp,nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyếtkhắc phục".Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là cơ hội lớn để thanh niên cùng các lực lượng khác của dân tộc tiếp tục phát huy những thành tựu, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Đối với Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là cơ hội vừa là thách thức. Đây là vấn đề thanh niên cần phải nhận thức đúng. Bởi vì, chúng ta là quốc gia đang phát triển, sự phát triển của khoa học công nghệ là điều kiện tốt để có thể đi tắt, đón đầu ứng dụng thành tựu khoa học vào các lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu không thực sự tích cực, chủ động, không có kế hoạch và chiến lược cụ thể, Việt Nam rất dễ rơi vào tình trạng tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và thế giới.

 

Thứ hai, tích cực học tập chiếm lĩnh tri thức là “chìa khóa” để thanh niên mở cửa, tiếp cận và khai thác cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong Thư gửi các bạn thanh niên năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Trong thực tế, tri thức, trí tuệ của thanh niên không phải là cái có sẵn, bất biến mà phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện không ngừng mới có được. Để biến những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thành hiện thực không đơn thuần chỉ có quyết tâm mà cần phải có tri thức, có trí tuệ. Thanh niên muốn có tri thức, có trí tuệ không có con đường nào khác ngoài học tập.

Bên cạnh gia đình, nhà trường và xã hội, bản thân thanh niên phải ra sức học tập, tu dưỡng mọi nơi, mọi lúc, kết hợp học tập lý thuyết với rèn luyện khả năng thực hành, thí nghiệm, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, say mê, tìm tòi và nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học, nhất là các ngành khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng.

Chiếm lĩnh tri thức để khai thác cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 chính là động lực để thanh niên say mê trong học tập, rèn luyện. Thanh niên tích cực, chủ động học tập sẽ góp phần tạo ra một lớp người đầy năng lực sáng tạo có khả năng khám phá và thích ứng nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

 

Thứ ba, thanh niên cần ứng dụng nhanh những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các lĩnh vực của đời sống

Trong thời đại ngày nay, công nghệ có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, sự phát triển nhanh chóng không có chỗ cho sự chần chừ, do dự.

Trong chiến lược phát triển con người, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Thanh niên Việt Nam là một bộ phận trong chiến lược phát triển con người của Đảng. Do vậy, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nói chung, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói riêng được xem như là một tiêu chí để khẳng định vai trò của thanh niên đối với xã hội, với đất nước.

Quá trình ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thanh niên cần phải sáng tạo và làm chủ những công nghệ mới mang thương hiệu Việt Nam để trực tiếp áp dụng vào các lĩnh vực của đời sống mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao để khẳng định tiềm năng khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ của khu vực và thế giới.

Trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ngày 2 tháng 11 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã đào tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”. Không phụ sự kỳ vọng của Bác Hồ, của Đảng và của dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm qua đã phấn đấu nỗ lực không ngừng góp phần quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là cơ hội để thanh niên tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình với sự tồn tại và phát triển của đất nước trong những năm tới.

Trên cơ sở phân tích những nội dung trên, có thể thấy rõ một điều rằng, trong bối cảnh khoa học, công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay, việc đổi mới tư duy, phương pháp làm việc để tạo ra nguồn lao động có chất lượng cao đang ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Việc thay đổi đó phải bắt đầu từ tư duy của những người trong cuộc, đó là những người trẻ, những người chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi lẽ, trong cuộc CMCN 4.0 này, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh. Trong tương lai, người dân có thể gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm bởi những lĩnh vực thủ công giờ đây máy móc đều có thể tác động đến, thậm chí làm tốt hơn. Điều này đòi hỏi con người cần phải không ngừng trau dồi bản thân, khiến mình đứng ở vị trí cao hơn, có thể điều khiển được máy móc một cách thông minh và hợp lí thì mới không bị đào thải giữa rất nhiều công nghệ tiên tiến.


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng