Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ở huyện cù lao Phú Tân (tỉnh An Giang) mỗi năm thêm chuyển biến tích cực với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Bên cạnh hỗ trợ kiến thức, vốn vay, các cấp bộ Đoàn còn xây dựng các câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, vừa duy trì những mô hình hiệu quả, vừa phát triển mô hình mới phù hợp điều kiện, nhu cầu thị trường.

Khởi nghiệp với mô hình nuôi dê nhốt chuồng, thanh niên Bùi Văn Hoàng Anh (xã Hiệp Xương) đã thành công sau 6 năm cố gắng học hỏi phát triển. Gia đình không có đất sản xuất, trước đây Hoàng Anh đi làm thuê đủ các công việc. Nuôi khát vọng vươn lên, chàng thanh niên cần mẫn tích lũy vốn và tìm hiểu các mô hình làm ăn từ nhiều nơi.

Từ 4 con dê ban đầu (1 con sinh sản và 3 con nhỏ), sau 1 năm nuôi đã bắt đầu có nguồn thu. Việc tăng đàn cũng thuận lợi nhờ dê sinh trưởng tốt, mỗi năm sinh sản được 2-3 lứa. Đến nay, mô hình nuôi dê của Hoàng Anh đã phát triển 35 con, bình quân xuất chuồng từ 7-10 con dê thịt/năm và đầu ra khá ổn định, thu lãi 30 triệu đồng.

Đồng hành với thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, Xã đoàn Hiệp Xương đã hỗ trợ vốn 12 triệu đồng. Hoàng Anh đã xây dựng chuồng dê thông thoáng bằng gỗ, cất cao, nguồn phân dê dưới nền đất tận dụng bán cho các hộ trồng trọt lân cận. “Nuôi dê chỉ đầu tư chi phí 1 lần ban đầu, sau đó chăm sóc để tăng đàn, đó là đồng lời về sau. Dê là loài vật dễ nuôi, ăn tạp nên có thể tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn mà không tốn nhiều chi phí.

Ngoài ra, tôi còn thuê 1.000m2 đất để trồng cỏ, đảm bảo lượng thức ăn cho đàn dê quanh năm. Nguồn thức ăn này giúp vật nuôi phát triển tốt, giảm chi phí hơn so với thức ăn bán sẵn trên thị trường” - Hoàng Anh thông tin. Mô hình được đánh giá có triển vọng, tận dụng lúc nông nhàn để chăn nuôi nhằm tăng nguồn thu, có thể mở rộng cho các hộ học hỏi. Năm 2022, Xã đoàn Hiệp Xương tiếp tục hỗ trợ Hoàng Anh số vốn 40 triệu đồng để phát triển thêm.

 

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế của thanh niên Hoàng Anh.

Tận dụng khoảng đất nhỏ của gia đình, anh Nguyễn Tuấn Kiệt (xã Phú Thọ) trồng rau má và sản xuất thành công bột thành phẩm từ loại rau dân dã này. Sau nhiều lần thất bại không nản chí, anh tìm hiểu và áp dụng phương pháp sấy lọc 2 lần để tạo thành phẩm bột. Từ kết quả này, anh Kiệt lên ý tưởng khởi nghiệp để tìm nguồn hợp tác sản xuất, ngoài rau má còn có các sản phẩm từ hoa atiso đỏ, phục vụ nhu cầu bồi bổ sức khỏe đưa ra thị trường.

Mỗi năm tìm tòi nghiên cứu để thêm nâng cao chất lượng sản phẩm, anh đều lên kế hoạch, mạnh dạn tham gia các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp từ cấp huyện và được chọn thi cấp tỉnh. Đặc biệt, anh còn chú trọng cả khâu đóng gói, bảo quản, nhất là chất lượng qua chế biến không làm mất đi các tác dụng từ nguyên liệu thiên nhiên.

Còn tại xã Phú Thành, sau thời gian thành lập câu lạc bộ thanh niên nuôi ếch Thái, mô hình phát huy hiệu quả đã thu hút thanh niên khác học hỏi làm theo. Trong đó, trại nuôi ếch của bạn Nguyễn Văn Dư Ăn được Xã đoàn hỗ trợ vốn 30 triệu đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Trại ếch thả nuôi khoảng 15.000 con giống, hiện nay phát triển khá tốt, tỷ lệ hao hụt ít và chuẩn bị xuất bán trong 2 tháng tới.

 Dư Ăn cho biết, gia đình có 2 lao động chính, ngoài số ít đất ruộng thì phải làm thuê bên ngoài. Thấy nhiều thanh niên trong xã lần lượt thử sức các mô hình làm ăn có tiến triển, nhất là học hỏi các mô hình mới, bạn đã tìm hiểu, mong muốn mình cũng có thể cải thiện đời sống.

“Thanh niên ở quê nếu không có đất đai hay điều kiện từ cha mẹ thì khởi đầu sẽ khó khăn, ít dám nghĩ đến những mô hình đầu tư lớn. Với mô hình nuôi ếch Thái, ngoài số tiền tự thân hơn 10 triệu đồng để đầu tư, thì nguồn vốn từ Xã đoàn hỗ trợ đã giúp tôi an tâm hơn để mạnh dạn nuôi số lượng lớn” - Dư Ăn chia sẻ.

Xác định đồng hành cùng thanh niên về nghề nghiệp, việc làm là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các tổ chức Đoàn. Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã triển khai các chương trình tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Nội dung, hình thức được đổi mới và đa dạng, như: Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp; định hướng, khuyến khích tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên…

Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân đều thành lập các câu lạc bộ nghề nghiệp. Mỗi năm, Huyện đoàn còn thành lập thêm các câu lạc bộ thanh niên tôn giáo làm kinh tế, tuyên dương những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Khi đã khơi dậy ý thức vươn lên làm giàu chính đáng cho thanh niên, để tiếp sức cho các bạn trong giai đoạn đầu, Huyện đoàn tổ chức các chương trình đào tạo, lớp chuyển giao kỹ thuật, xét hỗ trợ vốn cho thanh niên vay khởi nghiệp từ nguồn vốn ủy thác.

Hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của các bạn trẻ huyện Phú Tân đã đạt những kết quả tích cực, trở thành một trong những nội dung trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mỹ Hạnh


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng