Thắp “ngọn lửa” khởi nghiệp trong sinh viên

Khởi nghiệp nên bắt đầu ở giai đoạn nào và độ tuổi bao nhiêu? Nếu khởi nghiệp thất bại thì phải làm thế nào? Có ai đồng hành trong quá trình khởi nghiệp không?... Đó là những thắc mắc, băn khoăn của các bạn trẻ khi nghĩ đến vấn đề khởi nghiệp. Tọa đàm “Sinh viên và những câu chuyện khởi nghiệp” năm 2022 do Trường Đại học An Giang tổ chức đã phần nào tiếp thêm “ngọn lửa” khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ.

Gần 150 sinh viên tham dự tọa đàm cùng 2 khách mời là chị Trương Thanh Thúy (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang) và anh Trần Tấn Tài (thanh niên khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính ở huyện Phú Tân).

Bằng kiến thức và trải nghiệm thực tế trong quá trình khởi nghiệp, các khách mời đã truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng khởi nghiệp; tư vấn và hỗ trợ về các cơ hội, lĩnh vực khởi nghiệp để hưởng những ưu đãi chính sách về khởi nghiệp của địa phương; các bước lập dự án, kêu gọi vốn…

Qua đó, động viên, khơi dậy và thắp sáng ước mơ khởi sự kinh doanh của tuổi trẻ, khuyến khích các bạn cùng nhau lập thân, lập nghiệp bằng con đường kinh doanh, dựa trên những lợi thế sẵn có của địa phương.

Chị Trương Thanh Thúy cho biết, thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo các bạn trẻ hưởng ứng. Những tấm gương, mô hình khởi nghiệp trong thanh niên trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng nền tảng khoa học - công nghệ ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, vấn đề về vốn là một trong những khó khăn mà thanh niên khi tham gia thường gặp phải.

 

Sinh viên tham gia tọa đàm “Sinh viên và những câu chuyện khởi nghiệp”.

“Để tiếp sức các mô hình, dự án khởi nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ, đặc biệt về nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh với lãi suất 0,55%/tháng. Ngoài hỗ trợ vốn, trung tâm còn tích cực thực hiện các chương trình giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm, cửa hàng nhằm cung cấp sản phẩm khởi nghiệp và đặc sản địa phương.

Từ kênh kinh doanh của cửa hàng, đã góp phần hỗ trợ tốt cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, góp phần giúp nông dân giảm bớt khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua” - chị Thúy truyền lửa khởi nghiệp cho sinh viên.

Buổi tọa đàm nhằm kịp thời định hướng, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Qua đó, phần nào giải tỏa khó khăn, vướng mắc về vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp, như: Sinh viên có nên tham gia khởi nghiệp hay không? Những ai sẽ phù hợp với khởi nghiệp? Hành trình khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để có được ý tưởng khởi nghiệp? Yếu tố để khởi nghiệp thành công?…

“Tôi chọn khởi nghiệp với nghề trồng nấm rơm vì muốn lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Vài vụ đầu thất bại, bản thân rất hoang mang. Những khó khăn về kinh tế, năng suất không đạt, chất lượng kém, đầu ra bấp bênh… rất dễ làm mình thoái chí. Tuy nhiên, khi nghĩ lại những cố gắng trước khi đi đến quyết định mở trại nấm rơm tại quê nhà, tôi đã hăng say tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thế nào, đã tự mình nghiên cứu ra sao, tôi lấy lại ý chí và tiếp tục theo đuổi nghề trồng nấm rơm” - Trần Tấn Tài chia sẻ.

Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến vụ thu hoạch lần thứ 5, mọi thứ dần khá hơn. Chất lượng cũng như năng suất nấm rơm ngày một cải thiện, người tiêu dùng ưa chuộng, đầu ra ổn định hơn. Từ đó, trang trại nấm rơm của anh Tài ngày càng phát triển.

“Tôi đã thuê trang trại trồng nấm rơm ứng dụng công nghệ cao và thấy hài lòng về thành quả đạt được. Vậy nên, điều tôi muốn nhắn nhủ với các bạn sinh viên là hãy vạch ra “chiến lược” và mạnh dạn khởi nghiệp. Đừng ngại thất bại vì “thất bại là mẹ thành công”. Những lần vấp ngã giúp ta trưởng thành hơn, vững bước hơn trong tương lai” - anh Tài thật lòng.

Theo các khách mời, tiêu chí tiên quyết khi khởi nghiệp là phải có đam mê, xác định mục tiêu khởi nghiệp và phải có quyết tâm; điều kiện thứ hai là phải có tính kiên trì; điều kiện thứ ba là ham học hỏi, tự hoàn thiện bản thân và các kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp.

“Được chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp cũng như được định hướng cụ thể khi bắt tay vào khởi nghiệp từ khách mời, em thấy rằng khởi nghiệp không quá khó nếu có quyết tâm và đam mê. Em sẽ suy nghĩ đến việc lập dự án khởi nghiệp của mình từ hôm nay” - Lê Thị Yến Ngân (sinh viên năm thứ 2, ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang) chia sẻ.

Những bạn trẻ cần lắm những buổi tọa đàm khởi nghiệp tương tự nhằm cung cấp, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết về hành trình khởi nghiệp. Qua đó, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các bạn trẻ thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm, có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.

Phương Lan


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng