Khởi nghiệp từ cây xương rồng
Dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Châu Thanh (ấp Long Hòa, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) đã khởi nghiệp từ đam mê trồng xương rồng - một loài cây kiểng sần sùi, nhiều gai nhọn, có sức sống mãnh liệt để phát triển kinh tế gia đình.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn ươm, trồng xương rồng của gia đình, anh Thanh cho biết, bắt đầu trồng xương rồng năm 2008 chỉ với ý muốn, chinh phục loài cây kiểng đầy gai nhọn và thưởng thức vẻ đẹp khi cây ra hoa. Nhưng khi chăm sóc lâu dài thì cây xương rồng dần đã trở thành niềm đam mê. Từ đó, anh Thanh tìm tòi, học hỏi thêm về kỹ thuật chăm sóc cũng như nhân giống cây xương rồng. Lúc đầu chỉ trồng khoảng 20 cây với 4 loại giống mua của những người quen. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, nên anh Thanh cũng gặp khó khăn, như chết cây do chưa có kỹ thuật trồng, không có mái che, tỷ lệ sống chỉ 60%. Đến năm 2018, khi biết anh Thanh có niềm đam mê xương rồng và muốn phát triển kinh tế từ loài cây kiểng này, Xã đoàn Ô Long Vĩ đã làm cầu nối cho anh Thanh vay nguồn vốn ưu đãi 10 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Từ nguồn vốn đó, anh Thanh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng xương rồng và không ngừng sưu tầm, lai tạo ra ngày càng nhiều loại xương rồng đột biến lạ, đẹp, giá trị cao.
Anh Thanh chăm sóc vườn ươm, trồng xương rồng.
Anh Thanh chia sẻ: “Tôi có niềm đam mê rất lớn với cây xương rồng. Sẵn có kinh nghiệm và kiến thức của hơn 10 năm tìm tòi, học hỏi về loài cây kiểng này nên tôi quyết định lập nghiệp ngay tại quê nhà từ cây xương rồng”. Chị Nguyễn Thị Lan (Bí thư Xã đoàn Ô Long Vĩ) cho biết: “Hiện, mô hình trồng xương rồng của Thanh khá phát triển. Để tiếp tục hỗ trợ cho anh Thanh lập nghiệp ngay tại quê nhà, Xã đoàn đã giới thiệu và hỗ trợ vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Phú để mở rộng diện tích trồng, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình từ cây xương rồng”.
Hiện nay, vườn xương rồng của anh Thanh đã được mở rộng 400m2, trồng hơn 50 loại xương rồng khác nhau, như: Gymno vân, Gymno lem, Cory, Lobi, Aster, EU… với khoảng 10.000 chậu xương rồng đủ kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc. Với giá bán thấp nhất 30.000 đồng/chậu, cao nhất trên 500.000 đồng/chậu, tùy theo màu sắc của cây, màu hoa, gai cây, kích thước, hình dáng, thể loại lem (đối với xương rồng dòng lem) và độ độc lạ, hiếm của cây xương rồng.
Theo anh Thanh, trồng xương rồng quan trọng là phải đam mê, yêu thích. Dựa trên từng loại, cây xương rồng được nhân giống bằng hạt hoặc bằng cây con mọc từ cây xương rồng mẹ. Cây xương rồng trồng khoảng 20 tháng sẽ ra hoa (đối với loại xương rồng có hoa). Đa số cây ra hoa từ tháng 2 đến tháng 5, đặc biệt có một số loại chỉ ra hoa vào mùa lạnh. Ngoài ra, có loại xương rồng mọc gai nhuyễn phủ đều bao bọc thân cây, còn loại không mọc gai thì ở mỗi mắt là một lớp lông mềm như nhung... Mỗi loại xương rồng có đặc tính khác nhau, nên cách chăm sóc cũng khác nhau làm sao cho dáng, gai và hoa đẹp.
Tuy xương rồng có khả năng chịu hạn rất tốt, nhưng rất nhạy cảm với mưa. Do đó, nếu trồng xương rồng với số lượng nhiều phải có mái che mưa, nhưng phải có ánh sáng chiếu vào cả ngày. Tùy theo đặc điểm khí hậu mỗi nơi mà thời gian tưới nước cho cây sẽ khác nhau. Vào mùa nắng, khoảng 2 ngày tưới 1 lần hoặc là nhìn đất trồng của cây khô thì tưới. Thông thường khoảng 1-2 tháng phải bón phân để cây phát triển. Sâu, bệnh thường gặp khi trồng cây xương rồng là sâu keo ăn cây, bệnh tuyến trùng, rệp, nám gốc... nhưng tương đối dễ trị. Trồng xương rồng, ngoài thử thách chăm sóc cây, thì điểm đặc biệt ở cây xương rồng là từ khi gieo hạt đến khi lớn có sự biến hóa hình dạng, màu sắc của cây và hoa, khiến người trồng xương rồng thích thú, tò mò, chờ đợi. Em Nguyễn Thị Kiểu (xã Ô Long Vĩ, có cùng đam cây xương rồng), chia sẻ: “Chăm sóc xương rồng mỗi ngày đối với bản thân em rất thú vị. Bởi, loài cây này luôn có sự đổi thay từng ngày, mỗi cây khi lớn lên sẽ có một hình dáng và vẻ đẹp khác nhau, không thể nào đoán trước được, tạo sự chờ mong rất thú vị”.
Phần lớn, xương rồng anh Thanh trồng hiện nay được giới thiệu và bán qua hình thức trực tuyến trên các trang mạng xã hội cho những người đam mê xương rồng trong và ngoài địa phương, các tỉnh ĐBSCL, miền Trung và TP. Hồ Chí Minh… Anh Thanh đang triển khai xây dựng thêm nơi trưng bày xương rồng để biến nơi đây thành quán cà phê xương rồng. Bên cạnh đó, anh Thanh tích cực học hỏi kỹ thuật thiết kế tiểu cảnh từ xương rồng, để tạo ra những sản phẩm giá trị kinh tế cao hơn.
Trọng Tín